Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội

Sáng 24/5, các đại biểu Quốc hội họp tại tổ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và đưa ra các đề xuất, kiến nghị giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc hiện nay, cũng như các giải pháp giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ hơn với các nguồn vốn để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.

 

Quan tâm đến yếu tố chất lượng các chỉ tiêu phát triển xã hội


Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, GS. Đào Trọng Thi cho rằng, những thành tựu đạt được những năm qua về mặt phát triển là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, GS Thi cũng đề nghị đại biểu cần quan tâm đến yếu tố chất lượng của các chỉ tiêu về mặt xã hội bên cạnh chỉ tiêu số lượng, như chỉ tiêu về y tế, giáo dục, việc làm…


 

Đại biểu Quốc hội các tỉnh Hà Tĩnh, Nam Định, Vĩnh Phúc, Quảng Nam thảo luận tại tổ. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

 

“Chúng ta không chỉ quan tâm đến có bao nhiêu sinh viên/vạn dân mà cần quan tâm đến những sinh viên ấy được học trong đại học đạt chuẩn hay không? Hay mỗi năm tạo được bao nhiêu việc làm mới nhưng cần xác định tiêu chuẩn việc làm ấy là như thế nào?”, GS Thi đặt vấn đề.


Từ đó, cần xây dựng bộ tiêu chí về chất lượng đối với các chỉ tiêu phát triển xã hội như tạo việc làm mới, số giường bệnh hoặc bác sỹ/vạn dân, số sinh viên/vạn dân. Những chỉ tiêu này cần hướng tới sự phát triển bền vững chứ không phải phát triển theo số lượng, chạy theo thành tích.


Lý giải việc nổi lên những bức xúc xã hội hiện nay, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, một trong những nguyên nhân là việc chấp hành kỷ cương, pháp luật không nghiêm.


Có đại biểu nêu ý kiến, các vụ khiếu kiện kéo dài với hơn 70% liên quan đến đất đai như thu hồi đất, đền bù đất, đền bù giải phóng mặt bằng không được giải quyết dứt điểm ở các địa phương đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ như giảm sút lòng tin của nhân dân với chính sách của Đảng, Nhà nước.


Do đó, việc giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc như thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng, ùn tắc giao thông… đòi hỏi cách nhìn nhận toàn diện để đề ra các giải pháp chứ không chỉ nhìn ngọn của vấn đề.

 

Khơi thông nguồn vốn để doanh nghiệp tiếp cận ngân hàng


Trước những khó khăn của nền kinh tế, nhiều đại biểu đã bày tỏ lo ngại khi nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng, dù lãi suất đã hạ.


Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Công Thương Việt Nam Phạm Huy Hùng (đại biểu đoàn TP Hà Nội) cho rằng, việc khơi thông mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng là hết sức cần thiết. Muốn vậy lãi suất phải hợp lý cộng với các hàng rào thủ tục phải được nới lỏng để doanh nghiệp hấp thụ được vốn. Những tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng âm chính là biểu hiện của việc ngân hàng thừa tiền mà doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất, kinh doanh.


Đồng ý với quan điểm này, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường (đại biểu đoàn TP Hà Nội) nêu khó khăn nhất hiện nay của các doanh nghiệp là tiếp cận vốn ngân hàng. “Vì lý do bảo đảm an toàn tín dụng, các ngân hàng đưa ra nhiều hàng rào thủ tục nên doanh nghiệp không vay được vốn, có vay được thì lãi suất cao”, đại biểu Nguyễn Phi Thường nói.


Kiến giải phần nào những băn khoăn của các đại biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (đại biểu đoàn Quảng Nam) đã khái quát lại tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn với một số chỉ tiêu chưa đạt, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng trong khi đó tăng trưởng tín dụng âm.


Tuy nhiên, Chính phủ không chủ quan, đã thẳng thắn nêu lên những khó khăn để các đại biểu cùng thảo luận. Trong khó khăn vẫn thể hiện quyết tâm, trên cơ sở khoa học với các giải pháp quyết liệt, cụ thể, đồng bộ nhằm nỗ lực thực hiện các mục tiêu đề ra.


Chính phủ mong muốn được nghe các đại biểu đưa ra các giải pháp mới như đã nên đặt vấn đề kích cầu tiêu dùng hay chưa? Nếu không khéo léo, lạm phát có thể trở lại, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng muốn được các đại biểu hiến kế các chính sách xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, tránh “giật cục” trong điều hành tài chính tiền tệ, hạ được lãi suất giúp doanh nghiệp hấp thụ được vốn...

 

Đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước


Chiều 24/5, tại phiên họp tổ, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận lần đầu về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế do Chính phủ trình.


Nhiều ý kiến ở các đoàn Hà Nội, Lào Cai, Tây Ninh… cho rằng Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế (Đề án) về cơ bản đã xác định được những điểm yếu kém nhất của nền kinh tế để thay đổi theo một phương hướng đúng đắn. Tuy nhiên, nội dung của Đề án vẫn còn khái quát, mang tính chất là “khung” nên rất khó cho Quốc hội giám sát việc thực hiện trong thực tế.


Các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận một số điểm như đào tạo nguồn nhân lực để hỗ trợ thực hiện Đề án, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, thực hiện tái cơ cấu đầu tư công… Đại biểu Giàng Seo Phử (đoàn Lào Cai) và đại biểu Hoàng Tuấn Anh (đoàn Tây Ninh) nêu một trong những điểm chưa cụ thể như tái cấu trúc đầu tư công thì cần làm rõ danh mục đầu tư công, địa bàn tập trung đầu tư công…


Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng (Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị), khi tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thì cần triển khai mạnh mẽ, chỉ giữ lại các doanh nghiệp nhà nước phục vụ công ích, còn lại nếu không cổ phần thì cũng phải sáp nhập lại.


Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh không thể không có doanh nghiệp nhà nước. Nhưng doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung sản xuất, kinh doanh ở những lĩnh vực tư nhân không làm được, còn doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác đều phải cổ phần hóa.


Đồng thời “phải có cơ chế kiểm soát và chế tài xử phạt doanh nghiệp nhà nước vi phạm lĩnh vực sản xuất kinh doanh”, đại biểu Giàng Seo Phử bổ sung. Tuy nhiên, để góp phần tái cấu trúc hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) nhắc lại bài toán định giá chính xác giá trị của doanh nghiệp, theo cơ chế thị trường để tránh “được 10 đồng nhưng chỉ định giá có 1 đồng”.


Về tái cơ cấu đầu tư công, cũng theo đại biểu này, trước hết cần rà soát lại xem vùng nào trước đây đã có dự án có thể phát triển được nhưng kinh tế xã hội còn khó khăn thì Chính phủ nên tiếp tục đầu tư trở lại để gỡ khó cho địa phương. Ngược lại vùng nào có dự án kém hiệu quả thì dứt khoát không đầu tư tiếp…


Thành Chung - Lê Sơn - TT

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN