Quốc hội tán thành tiếp tục cấp Giấy khai sinh

Sáng 28/10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hộ tịch.

Đề nghị tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh

Thảo luận về việc cấp Giấy khai sinh và Thẻ căn cước công dân, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh như quy định hiện hành, bởi vì đây là nhu cầu và là quyền của người dân được sử dụng thuận lợi từ nhiều năm nay để bảo vệ lợi ích của mình.

Các ý kiến cho rằng đăng ký khai sinh là việc Nhà nước chính thức thừa nhận việc một cá nhân ra đời và bắt đầu được hưởng quyền con người, quyền công dân. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì trẻ em sinh ra được Nhà nước cấp Giấy khai sinh trong đó có ghi những thông tin cơ bản của trẻ em, Giấy khai sinh có giá trị pháp lý làm căn cứ cho việc cấp các loại giấy tờ khác trong quản lý nhà nước có giá trị sử dụng trong nước và ở nước ngoài, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Hồ Thị Thủy phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN.


Hơn nữa, việc cấp Giấy khai sinh đã và đang được thực hiện thống nhất, ổn định từ nhiều năm nay, cơ bản không có vướng mắc . Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng việc tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em là cần thiết, phù hợp với công ước quốc tế về quyền trẻ em, phù hợp với Bộ luật Dân sự và Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Hơn nữa, theo đại biểu giấy khai sinh là văn bản pháp lý đầu tiên nhà nước cấp cho công dân, là căn cứ cho việc cấp các loại giấy tờ khác sau này của quản lý nhà nước, bao gồm cả việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi như quy định của dự thảo Luật Căn cước công dân.

Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) phân tích quyền được khai sinh là quyền dân sự của cá nhân được nhà nước tôn trọng, bảo vệ theo Hiến pháp. Trẻ em có quyền được đăng ký khai sinh là quy định được nội luật hóa theo các công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam tham gia ký kết. Đại biểu nêu, theo quy định của luật hiện hành và dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội, khi đăng ký khai sinh, trẻ em được cấp giấy khai sinh, thủ tục đăng ký khai sinh và cấp giấy khai sinh cho trẻ em có quốc tịch Việt Nam do UBND cấp xã thực hiện. Trong khi đó, theo quy định của dự thảo Luật Căn cước công dân, sau khi đăng ký khai sinh, UBND cấp xã chuyển thông tin cho cơ quan nhà nước…

Dự thảo Luật Căn cước công dân cũng chưa nêu rõ chuyển thông tin cho cơ quan nào. Hơn nữa giấy khai sinh có giá trị suốt đời, không có hạn sử dụng và phải đổi như thẻ căn cước công dân theo điểm a, khoản 2, Điều 40 dự thảo Luật Căn cước công dân. Như vậy, việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi gây tốn kém hơn cho cả nhà nước và người dân vì giá thành làm thẻ tốn kém hơn làm giấy khai sinh- đại biểu Tính nhấn mạnh.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng thể hiện sự tán thành với đề nghị của Chính phủ tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh. Nội dung này được thể hiện tại Điều 16 và Điều 36 của dự thảo Luật; đồng thời đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục tình trạng gây phiền hà cho người dân trong việc yêu cầu nộp hoặc xuất trình Giấy khai sinh khi thực hiện một số thủ tục hành chính.

Về thẩm quyền đăng ký hộ tịch, một số ý kiến tán thành với đề nghị quy định UBND cấp xã có thẩm quyền đăng ký đối với một số việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài ở khu vực biên giới đất liền để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân (khoản 1 Điều 5); còn các việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài khác thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện (khoản 2 Điều 5).

Đại biểu Hồ Thị Thủy đánh giá việc quy định và phân cấp về thẩm quyền như dự thảo luật sẽ phát huy tối đa năng lực trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo của chính quyền địa phương, tạo hành lang pháp lý bảo đảm tăng cường thống nhất vai trò quản lý nhà nước của cơ quan Trung ương và của UBND cấp tỉnh.

Việc phân cấp này sẽ giúp UBND cấp tỉnh chủ động về thời gian, tập trung nhân lực để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch tại địa phương, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra với việc thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới… Tuy nhiên, theo đại biểu việc chuyển giao thẩm quyền cho UBND cấp huyện theo thực hiện đăng ký hộ tịch trong các trường hợp có yếu tố nước ngoài như khoản 2, điều 5, cần nghĩ đến việc thực hiện theo lộ trình, theo vùng miền.

Để quy định của luật có tính khả thi cao, Chính phủ cần có phương án, giải pháp phù hợp về con người cũng như cơ sở vật chất, vì hiện năng lực, trình độ chuyên môn về công tác hộ tịch có yếu tố nước ngoài của đội ngũ cán bộ tư pháp ở đa số cấp huyện còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng núi, vùng xa. Việc thành lập đội ngũ cộng tác viên dịch thuật cấp huyện còn khó khăn…

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung: Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Hộ tịch; lệ phí hộ tịch; thủ tục, thời hạn đăng ký hộ tịch; công chức tư pháp - hộ tịch.

Hoàn thiện và vận hành hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch

Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Tờ trình về dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN.


Tờ trình dự án Luật ban hành văn bản pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày nêu rõ: Việc xây dựng dự án luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất cho việc ban hành văn bản pháp luật của các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương với nhiều đổi mới về nội dung nhằm góp phần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và vận hành hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả…

Luật mới quy định về xây dựng, ban hành văn bản pháp luật và tổ chức thi hành văn bản pháp luật thống nhất từ Trung ương tới địa phương; không quy định việc làm, sửa đổi Hiến pháp; không quy định việc ban hành văn bản có chứa quy tắc xử sự, nhưng chỉ áp dụng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, thì dự kiến Chính phủ chuẩn bị dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2014), nhưng nay Chính phủ đổi tên thành Luật Ban hành văn bản pháp luật để phù hợp với các quy định của Hiến pháp.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Huỳnh Văn Tính phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN.


Vấn đề này, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy định về thẩm quyền của các cơ quan nhà nước trong việc ban hành văn bản pháp luật và các văn bản pháp luật phải phù hợp với Hiến pháp. Vì vậy, việc đổi tên Luật thành Luật Ban hành văn bản pháp luật là cần thiết để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp. Về phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật vẫn còn ý kiến khác nhau.



Quỳnh Hoa
(TTXVN)
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII: Bội chi cao, nợ công tăng nhanh
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII: Bội chi cao, nợ công tăng nhanh

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Trong hơn một tháng làm việc, Quốc hội sẽ thảo luận, quyết sách nhiều vấn đề quan trọng của đất nước và trình một số dự án luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN