Quảng Ninh khắc phục sự cố mưa lũ

Trận mưa lớn kéo dài chưa từng có trong vòng 40 năm trở lại đây đã gây úng, lụt cục bộ cho nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Mưa to kèm theo lũ đã làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn, đặc biệt là ngành than.

Người dân phường Cẩm Bình, thành phố Cẩm Phả tranh thủ dọn dẹp lúc mưa ngớt. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN


* Dừng sản xuất, tập trung phòng chống mưa lũ

Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (Tập đoàn TKV) cho biết, đã yêu cầu các đơn vị đề cao cảnh giác, coi phòng chống mưa lũ là nhiệm vụ cấp bách; tập trung nhân lực, vật lực nhằm khắc phục thiệt hại và phòng chống mưa lũ. Ông Chuẩn nhấn mạnh: Các đơn vị dừng mọi hoạt động sản xuất, tập trung cao độ phòng, chống mưa lũ; đồng thời, dừng mọi hội nghị không cần thiết, họp trực tuyến với các mỏ triển khai các biện pháp khắc phục, ứng phó.

Theo báo cáo của các đơn vị thành viên Tập đoàn TKV, những trận mưa lớn kéo dài từ ngày 26 đến 29/7 đã gây thiệt hại lớn đến sản xuất của tập đoàn, cụ thể: ngập lò mức-175m tại mỏ than Ngã Hai (Công ty than Quang Hanh); lò mức-250m khu Đông Bắc (Công ty than Mông Dương).

Một số mỏ phải ngừng sản xuất để đảm bảo an toàn cho người và thiết bị, máy móc như: Hòn Gai, Mông Dương, Quang Hanh, Hà Tu… Mưa lũ còn kéo theo đất đá gây bồi lấp trạm xử lý nước thải; các kho than bị vỡ đê bao, sạt lở, ngập úng; hệ thống giao thông, tuyến đường vận chuyển than bị chia cắt, ngừng trệ…

Trước tình hình đó, lãnh đạo TKV đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra đến đâu, cứu hộ đến đó. Trước mắt, sẽ tập trung ứng cứu các hầm lò, bơm hút và ngăn không cho nước tràn vào ngập những mỏ này. Mặt khác, bảo vệ các kho than và những thiết bị máy móc, tài sản để hạn chế trôi, lấp than; ngăn chặn đến mức tối đa tình trạng trôi bùn than, nước từ bãi thải ra khu dân cư.

* Đồng hành, hỗ trợ nhân dân khắc phục mưa lũ

Hiện tại các mỏ Cọc Sáu, Mông Dương (thành phố Cẩm Phả) đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu III khơi thông suối thoát nước, thành lập những tổ công tác, ứng trực tại chỗ, giải quyết kịp thời tình huống phát sinh, di dời toàn bộ hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân trong thời gian tránh mưa lũ; bảo vệ các kho than, thiết bị máy móc, tài sản để hạn chế trôi, lấp than và ngăn chặn đến mức tối đa tình trạng trôi bùn than, nước từ bãi thải ra khu dân cư.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc TKV cho biết: Hiện nay, TKV và các đơn vị thành viên tiếp tục bố trí nhân lực, thiết bị, ứng trực thường xuyên tại các vị trí xung yếu để xử lý, giải quyết các tình huống cấp bách, sẵn sàng di dời dân tại những vùng nguy hiểm về nơi an toàn nếu trời tiếp tục mưa to.

Chủ tịch Tập đoàn TKV Lê Minh Chuẩn khẳng định: Tập đoàn luôn coi trong tính mạng con người là trên hết, sau đó đến mỏ than hầm lò, mỏ than lộ thiên và các tải sản máy móc khác. Chính vì vậy, ngày 29/7, Chủ tịch Tập đoàn đã ban hành lệnh sản xuất, theo đó yêu cầu các đơn vị TKV trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tập trung mọi nguồn lực, thiết bị, xe máy... hiện có với tinh thần trách nhiệm cao nhất để cùng chính quyền địa phương và các đơn vị khác trên địa bàn khắc phục sự cố, hậu quả do mưa lũ gây ra, giúp nhân dân trên địa bàn vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Ngoài ra, nhằm góp phần khắc phục hậu quả do mưa lũ, chia sẻ khó khăn với gia đình bị nạn, Tập đoàn TKV, Đảng uỷ Than Quảng Ninh, Công đoàn TKV đã hỗ trợ 185 triệu đồng; Công ty than Hòn Gai hỗ trợ 80 triệu đồng cho 4 gia đình công nhân làm việc Tập đoàn có thân nhân bị thiệt mạng do mưa lũ.

* Thái Nguyên chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ

Chiều 29/7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Công điện về việc phòng ngừa, ứng phó với tình hình mưa lũ do áp thấp nhiệt đới gây ra. Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên: Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp, dự báo từ ngày 29/7 đến 3/8, các khu vực trong tỉnh Thái Nguyên sẽ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực đồi núi thuộc các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai, Đồng Hỷ và ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối các huyện Phú Bình, Phổ Yên.

Để chủ động ứng phó với thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Ban chỉ huy các huyện, sở, ngành tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ trên địa bàn, cảnh báo thông tin đầy đủ, kịp thời cho người dân để chủ động phòng tránh; kiểm tra hồ, đập và hệ thống đê điều trên địa bàn; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu.

Ban Chỉ huy các huyện, sở, ngành tổ chức triển khai phương án chủ động tiêu thoát nước đô thị tại các khu vực thường xuyên bị ngập khi có mưa to; sẵn sàng di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm do lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là các vùng khai thác khoáng sản, hạ lưu các hồ, đập, vùng thường xuyên bị ngập sâu; cử người canh gác, hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông tại các cầu tràn qua suối khi mưa lũ xảy ra…

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các sở, ngành theo chức năng và nhiệm vụ của mình chỉ đạo các đơn vị trực, chuẩn bị lực lượng, phương tiện và triển khai các biện pháp cần thiết để chủ động phòng chống bão, mưa, lũ.

Nguyễn Hoàng - Thu Hằng (TTXVN)
Cứu trợ khẩn cấp người dân Quảng Ninh bị mưa lũ
Cứu trợ khẩn cấp người dân Quảng Ninh bị mưa lũ

Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã cứu trợ khẩn cấp bước đầu số tiền và hàng trị giá 160 triệu đồng cho người dân Quảng Ninh bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN