Quan ngại tác động xuyên biên giới của thủy điện Pắc-Beng trên sông Mê Công

Các đại biểu tham dự hội thảo đã nêu những quan ngại về tác động xuyên biên giới của công trình thủy điện Pắc-Beng, đặc biệt là các tác động đối với thủy sản, phù sa, sinh kế của người dân thượng và hạ lưu đập.

Ngày 5/5, tại Hà Nội, đã diễn ra “Hội thảo Tham vấn quốc gia về công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công Pắc-Beng của Lào” do Ủy ban sông Mê Công Việt Nam tổ chức.

Tham dự có đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Cục Quản lý Tài nguyên nước và hơn 60 đại biểu từ các Bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ và các chuyên gia độc lập trong nước về lĩnh vực tài nguyên nước.

Hệ thống đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công. Nguồn: Bộ TN&MT

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Chính phủ về chủ động theo dõi sát tình hình phát triển thượng nguồn, bảo đảm lợi ích quốc gia trong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công, Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam thường xuyên theo dõi nắm bắt tình hình và kịp thời báo cáo Chính phủ về các động thái của các quốc gia thượng nguồn trong đẩy mạnh khai thác tài nguyên nước, nhất là trong các kế hoạch xây dựng các công trình thuỷ điện dòng chính. Đồng thời đề xuất các biện pháp và định hướng nhằm giảm thiểu các tác động bất lợi và bảo vệ quyền lợi của Việt Nam, đặc biệt tại địa bàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong các hoạt động hợp tác của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế, Uỷ ban đã thúc đẩy Uỷ hội đề nghị các quốc gia thượng nguồn thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Mê Công, tiến hành các nghiên cứu đánh giá tác động và tiến hành các hoạt động tham vấn rộng rãi trong lưu vực.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã nêu những quan ngại về tác động xuyên biên giới của công trình thủy điện Pắc-Beng, đặc biệt là các tác động đối với thủy sản, phù sa, sinh kế của người dân thượng và hạ lưu đập. Các đại biểu cũng yêu cầu phải có thêm bằng chứng khoa học về tính hiệu quả của các giải pháp mà chủ đầu tư đưa ra đối với cá di cư, bãi đẻ của cá và cần bổ sung tính toán cho trường hợp vỡ đập và an toàn trong phòng chống lũ; tính toán cụ thể lượng bùn cát bị giữ lại trên hồ theo tính chất bùn cát: lơ lửng và bùn cát đáy; cần tính toán tác động của công trình Pắc-Beng lũy tích cùng với công trình Xay-nha-bu-ly và Đôn Sa-hồng và với toàn bộ bậc thang thủy điện dòng chính.

Công trình thủy điện Pắc-Beng là công trình thủy điện đầu tiên của bậc thang thủy điện trên dòng chính ở Hạ lưu vực Mê Công (trong khi phần lưu vực sông Mê Công thuộc Trung Quốc được coi là Thượng lưu vực Mê Công). Vị trí công trình nằm ở huyện Pắc Beng, tỉnh U-đôm-xay cách thành phố Viên Chăn của Lào 610 km về phía thượng lưu và cách biên giới Việt Nam 1.933 km. Công trình có công suất phát điện thiết kế là 912 MW và điện lượng trung bình năm là 4765 GwH, do Công ty sản xuất năng lượng quốc tế Datang của Trung Quốc là chủ đầu tư, điện lượng chủ yếu xuất khẩu sang Thái Lan (chiếm 90%).

Theo ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, kế hoạch tham vấn trước Dự án thủy điện Pắc-Beng của Ủy hội sông Mê Công quốc tế và Báo cáo đánh giá kỹ thuật Dự án thủy điện Pắc-Beng, do các chuyên gia quốc tế của Ủy hội thực hiện sẽ được hoàn thành để xem xét đánh giá các tài liệu kỹ thuật của chủ đầu tư, góp ý về số liệu, chương trình quan trắc, đánh giá tác động môi trường và các biện pháp giảm thiểu tác động. Đây là tài liệu cơ bản để trợ giúp tiến hành các hoạt động tham vấn ở quốc gia và vùng. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng mời các chuyên gia quốc gia có kinh nghiệm tiến hành đánh giá một số khía cạnh tác động của công trình Pắc-Beng, các tổ hợp công trình thủy điện dòng chính liên quan bao gồm các tác động xuyên biên giới.

Bên cạnh các hoạt động tham vấn chính thức, các ý kiến góp ý cũng sẽ được tập hợp qua các kênh văn bản chính thức, qua trang web, hòm thư điện tử gửi tới Uỷ hội sông Mê Công quốc tế và Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam. Theo kế hoạch, các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mê Công quốc tế sẽ thông báo ý kiến của mình về Dự án thủy điện Pắc-Beng cho Chính phủ Lào thông qua Ủy hội sông Mê Công quốc tế vào tháng 6 năm 2017. Ý kiến tham vấn các bên liên quan của quốc gia sẽ được tổng hợp vào ý kiến của Việt Nam về Dự án thủy điện Pắc-Beng vào tháng 6/2017.

Diệu Thúy (TTXVN)
Quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công
Quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công

Năm 2016, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác đa phương trong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN