Quản lý chặt chẽ hơn đối với các tập đoàn kinh tế

Chiều 28/10, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam (ảnh) đã trả lời câu hỏi của báo giới về nhiều vấn đề đang được dư luận quan tâm như quản lý các tập đoàn kinh tế, nợ xấu và tăng lương…

 

 


Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, sau một thời gian thực hiện, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan phải tổ chức đánh giá lại việc thí điểm các tập đoàn kinh tế. Hiện nay, còn 11 tập đoàn kinh tế nhà nước và 10 tổng công ty lớn. Vừa qua, Chính phủ đã quyết định dừng thí điểm 2 tập đoàn xây dựng, đưa về trực thuộc quản lý của Bộ Xây dựng.


Trong số 21 tập đoàn, tổng công ty này, Thủ tướng sẽ duy trì một số quyền hạn, trách nhiệm ở một số ít tập đoàn, còn lại sẽ giao cho các bộ, ngành thực hiện một số quyền hạn, trách nhiệm. "Hiện nay, danh sách cuối cùng các tập đoàn thế nào, Chính phủ sẽ còn thảo luận, góp ý, thông qua. Sẽ chỉ còn khoảng dưới 10 tập đoàn, tổng công ty. Chính phủ giữ tập đoàn nào sẽ quản lý chặt tập đoàn đó, còn lại giao cho các bộ, ngành, cũng yêu cầu quản lý chặt chẽ", Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.


“Việc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) có chuyển về Bộ Giao thông Vận tải hay không, Bộ Chính trị yêu cầu Chính phủ làm rõ thêm một số vấn đề ở tập đoàn này trước khi đi đến quyết định cuối cùng", Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết.


Cũng theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, các tập đoàn không dừng hoạt động mà sẽ thực hiện sắp xếp lại về mô hình hoạt động. Các tập đoàn sẽ phải tập trung vào ngành nghề chính, phù hợp với mô hình hoạt động và năng lực quản trị của các tập đoàn.


Về việc kiểm điểm lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, ông Đào Văn Hưng đã được cho nghỉ chức vụ này, thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng làm thay. Tình hình hoạt động của EVN, theo báo cáo của Bộ Công Thương đã có tiến bộ.


Việc xử lý cán bộ vi phạm tiến hành theo quy định của pháp luật và hội động kỷ luật gồm Bộ Nội vụ và Bộ Công Thương đang làm việc và tháng 11 này sẽ có kết luận chính thức.

 

Sẽ tăng lương khi bố trí được ngân sách


Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, Chính phủ hết sức chia sẻ với những khó khăn của người lao động sống dựa vào lương. Vì thế, tuy cân nhắc về việc tạm thời hoãn lại lộ trình tăng lương nhưng ngay khi dự toán cân đối được thì sẽ điều chỉnh tăng lương theo lộ trình. “Ngoài tiết kiệm 10% các khoản chi thường xuyên thì Chính phủ cũng chỉ đạo tiếp tục cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết.


Bên cạnh đó, Chính phủ quyết tâm tiếp tục thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển nhằm có thêm nguồn thu ngân sách để có thể tăng lương kịp thời”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định.


Thừa nhận nợ xấu là một vấn đề cần tập trung giải quyết nhưng Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng khẳng định, Nhà nước sẽ không lấy ngân sách Nhà nước để trả nợ thay cho doanh nghiệp. Hiện nay, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước xây dựng đề án tổng thể về xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, không đợi hoàn thành đề án, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan đã phải bắt tay vào xử lý nợ xấu: xác định nợ xấu là bao nhiêu, tập trung khu vực nào, phải tiến hành giải pháp nào trước…


Thu Hường - Minh Phương

Phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu kinh tế - xã hội 2012
Phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu kinh tế - xã hội 2012

Ngày 28/10, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên họp thường kỳ tháng 10/2012 thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng của năm 2012 .

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN