QH lo lắng tình hình kinh tế vì giàn khoan Trung Quốc

Sáng 23/5, các đoàn đại biểu Quốc hội đã thảo luận theo nhóm để đánh giá kết quả việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014 và các năm trước.

Theo các đại biểu Quốc hội, tình hình kinh tế- xã hội từ đầu năm 2014 tới nay có nhiều dấu hiệu khởi sắc, xuất khẩu tăng, lạm phát được kiểm soát, dự trữ ngoại hối tăng lên, lãi suất giảm, thu hút đầu tư nước ngoài tăng…

Tuy nhiên, các đại biểu đều nhận định rằng, việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép vào thềm lục địa Việt Nam, đây không chỉ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, mà qua đó ảnh hưởng trực tiếp tới quan hệ hai nước và sự giao lưu thương mại giữa hai quốc gia.

Đại biểu Doãn Thế Cường phát biểu sáng nay 23/5 về tình hình KT-XH.

Đại biểu Lê Văn Hoàng, Đà Nẵng ví dụ, việc giao thương sẽ gặp nhiều khó khăn, một số mặt hàng nhập từ Trung Quốc thì chúng ta sẽ thay thế như thế nào. Như các mặt hàng  nguyên liệu dệt may thì chúng ta phải tìm hàng thay bằng cách nào để không bị lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc.

Các đại biểu Quốc hội khác cũng lo lắng tình hình kinh tế xã hội những tháng còn lại của năm 2014. Đại biểu Huỳnh Ngọc Sơn, Đà Nẵng bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi, các đại biểu quốc hội hết sức lo lắng tình hình kinh tế xã hội những tháng còn lại của năm 2014. Việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép làm ảnh hưởng tới quan hệ thương mại hai nước. Hàng nghìn công nhân Trung Quốc đã về nước, tình hình buôn bán qua biên giới cũng phức tạp hơn”.

 Bên cạnh đó, “Việc Trung Quốc trúng thầu 10 dự án lớn, nhiều dự án nhỏ khác tại Việt Nam sẽ được giải quyết ra sao. Ví dụ các dự án khai thác bô xít, dự báo cao tốc Hà Nội –Lào Cai, Hà Nội- Hải Phòng, các nhà nhiệt điện lớn… nếu những dự án này bị rút đi, chúng ta sẽ giải quyết thế nào. Các vấn đề này sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, các chỉ tiêu khác về xã hội, công ăn việc làm cũng bị ảnh hưởng theo. Vì vậy, chúng ta phải tính toán để ổn định toàn diện kinh tế xã hội trong những tháng cuối năm”, ông Sơn cho biết thêm.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Cù Thị Hậu, Hưng Yên nhận định, các vụ việc liên quan tới Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương - 981 tại vùng biển nước ta khiến chúng ta phải chi ra 650 tỷ đồng bảo hiểm thất nghiệp cho 20.000 công nhân ở Bình Dương, cho các doanh nghiệp bị thiệt hại. Vụ việc này sẽ là thách thức rất lớn với chúng ta. Ngoài ra, vì lý do an toàn nên thu hút đầu tư có thể giảm, tốc độ tăng trưởng giảm, công ăn việc làm sẽ ít hơn. Do vậy, Việt Nam cần tính toán hết các khả năng có thể xảy ra để có những giải pháp đối phó phù hợp.

Đại biểu Cù Thị Hậu phát biểu.


Ngoài ra, bà Hậu cho biết, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Do vậy, phải tính toán để mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt quan tâm hơn tới thị trường trong nước có tới 90 triệu dân.

Đại biểu Doãn Thế Cường, Hưng Yên, cho rằng, tác động từ tình hình biển Đông sẽ làm nền kinh tế có nhiều diễn biến khó lường trong những tháng cuối năm. Chúng ta phải có điều chỉnh cụ thể, có kế hoạch thống nhất từ trong Đảng, các cấp, các ngành phù hợp với tình hình mới. Từ tất cả các lĩnh vực đều phải để cập tới sự tác động từ biển đông. Ví dụ ổn định kinh tế vĩ mô, doanh nghiệp, thầu khoán,  hay tái cơ cấu cũng phải tính tới nghiêm túc…

“Chúng ta phải nhanh chóng tìm các thị trường mới, và đặc biệt quan tâm hơn tới thị trường trong nước. Vì chúng ta có tới 90 triệu dân, thúc đẩy việc dùng hàng Việt Nam mới thúc đẩy được nền kinh tế”, ông Cường cho biết.
 

Tin, ảnh: Hữu Vinh


Quốc hội bày tỏ lo ngại, kiên quyết phản đối những sai trái của Trung Quốc
Quốc hội bày tỏ lo ngại, kiên quyết phản đối những sai trái của Trung Quốc

Ngày 21/5/2014, Quốc hội khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN