Báo cáo của tỉnh cho thấy, trong số 13 huyện, thành phố với 199 xã, phường, thị trấn (trong đó có 9 huyện với 46 xã, thị trấn biên giới) thì Cao Bằng có tới 8 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, 139 xã thuộc khu vực III với 1.430 thôn đặc biệt khó khăn. Dân số toàn tỉnh trên 52 vạn người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 95%. Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh cho biết thu ngân sách nhà nước năm 2018 đạt gần 1.900 tỷ đồng (tăng 23% so với năm 2017), tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,15%, GRDP bình quân đầu người đạt 1.160 USD (26,7 triệu đồng), tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 8.830 tỷ đồng.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 630 tổ hợp tác, với 3.460 thành viên, thu nhập bình quân của tổ viên hợp tác là 13 triệu đồng/năm; 384 hợp tác xã, với 3.532 thành viên, 1.023,1 tỷ đồng vốn điều lệ. Đã có 247 hợp tác xã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012, trong đó 119 hợp tác xã thành lập mới, 128 hợp tác xã đăng ký lại; còn 148 hợp tác xã chưa đăng ký lại và chuyển đổi.
Tổng vốn hoạt động của các hợp tác xã năm 2018 là 469,1 tỷ đồng, tăng 1,2 lần so với năm 2013, tăng gấp 14 lần so với năm 2003. Bình quân vốn 1,9 tỷ đồng/1 hợp tác xã. Doanh thu bình quân năm 2018 là 1,055 tỷ đồng/hợp tác xã, trong đó doanh thu của hợp tác xã với thành viên năm 2018 là 260 triệu đồng, tăng gấp 10 lần so với năm 2003. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã năm 2018 là 4 triệu đồng/người/tháng.
Các hợp tác xã đóng góp ngày càng tăng vào ngân sách địa phương, tuy nhiên con số còn rất khiêm tốn. Tính đến tháng 12/2018, các hợp tác xã đóng góp cho ngân sách của tỉnh được 16,38 tỷ đồng, chiếm 1,33% trong tổng thu nội địa. Số lượng và trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã nhìn chung có tăng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của địa phương. Tổng số nợ đọng của hợp tác xã tính đến thời điểm hết năm 2018 là 5,4 tỷ đồng, trong đó nợ tiền thuế, phí là 2,8 tỷ đồng; tiền phạt chậm nộp là 2,6 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến những kiến nghị của Cao Bằng về phát triển hạ tầng giao thông, hợp tác xã, xây dựng nông thôn mới, khoanh nợ, xóa nợ thuế, nợ ngân hàng và nợ doanh nghiệp nhà nước… đối với các khoản nợ phát sinh từ năm 2010 trở về trước của hợp tác xã ngừng hoạt động, không còn tài sản chung và không có khả năng trả nợ…
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ ấn tượng với các kết quả đạt được của tỉnh trong năm 2018, góp phần quan trọng cho cả nước thực hiện thành công 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Song, Phó Thủ tướng cho rằng Cao Bằng vẫn là tỉnh khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn tới 30,81%, thu nhập bình quân thấp, kết cấu hạ tầng khó khăn, chưa đủ sức lôi kéo các nhà đầu tư.
Nhìn nhận Cao Bằng có nhiều tiềm năng phát triển, Phó Thủ tướng cho rằng, nếu giải quyết được bài toán giao thông kết nối, Cao Bằng sẽ bứt phá tốt hơn. Đồng tình với 3 đột phá chiến lược của tỉnh trong thời gian tới là phát triển du lịch theo hướng bền vững, phát triển nông nghiệp hữu cơ, thông minh và phát triển kết cấu hạ tầng biên mậu, kinh tế cửa khẩu, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm chiến lược quy hoạch các Khu du lịch thác Bản Giốc, Công viên địa chất non nước toàn cầu, chú trọng khai thác các Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng biên giới 1950, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pác Bó. Theo Phó Thủ tướng, môi trường du lịch của Cao Bằng tốt nhưng sản phẩm du lịch cần tính toán, nghiên cứu thêm, phải tư duy du lịch là một ngành kinh tế, phát triển du lịch nông thôn với xây dựng nông thôn mới.
"Chúng ta tái cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh công ngiệp hóa nông nghiệp nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, mà phát triển nông thôn mới phải đi đôi với kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác. Muốn phát triển nông nghiệp, công nghệ cao mà gắn với kinh tế hộ là không ăn thua. Bản thân người nông dân nằm ở một mối quan hệ rất mất đối xứng là đầu vào thì rất ít người bán, hàng triệu người mua, đầu ra hàng triệu người bán, mà chỉ có mấy người mua, thì làm sao người nông dân đứng vững trong thị trường, phải có hợp tác xã cung cấp dịch vụ đầu vào và cung ứng đầu ra", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng tái cơ cấu nông nghiệp phải “đi bằng hai chân, một mặt ứng dụng công nghệ, mặt khác thay đổi mô hình tổ chức sản xuất, như vậy phải đi vào mô hình kinh tế tập thể và kinh tế hợp tác”. Tỉnh bám sát Đề án xây dựng nông thôn mới, nhất là đề án xây dựng thôn bản nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để gia tăng giá trị cho mặt hàng sản xuất.
Phó Thủ tướng lưu ý Cao Bằng chú trọng phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế cửa khẩu, có chính sách xã hội hóa để huy động các nguồn lực phát triển các dự án, dịch vụ logistics kinh tế cửa khẩu; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và khuyến khích hộ kinh doanh phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp.
Với việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, Phó Thủ tướng nhắc Cao Bằng thận trọng, có đề án cụ thể, tính toán làm chắc chắn theo Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội; tiến hành sắp xếp tái cơ cấu lại ngành y tế và giáo dục; tổ chức tốt cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở từ ngày 1/4 tới đây.
Đối với kiến nghị, đề xuất của tỉnh liên quan đến đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh mời đại diện các bộ tham gia vào Ban Chỉ đạo ngay từ đầu, tính toán ghi vốn, Chính phủ sẽ chỉ đạo ưu tiên vốn đối ứng cho dự án để có thể khởi động trong năm 2019 - 2020. Gỡ điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng, xây dựng tuyến cao tốc kết nối Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ thúc đẩy phát triển các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh là du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế cửa khẩu.
Trước đó, vào đầu giờ chiều, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đi thăm, tặng quà thầy, cô giáo và học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Cao Bằng. Tiền thân là Trường thiếu nhi rẻo cao thành lập năm 1959, sau nhiều lần thay đổi nhiệm vụ đào tạo, từ năm học 2006 -2007 đến nay, nhà trường chỉ đào tạo duy nhất một đối tượng là học sinh dân tộc nội trú bậc Trung học phổ thông.
Hiệu trưởng Nguyễn Mai Nguyên cho biết, tổng số học sinh năm học 2018 -2019 là 397 em với 12 lớp, trong đó chủ yếu là dân tộc Tày (167 em), Nùng (128 em), Dao (48 em), Mông (34 em)… Tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh hàng năm đạt trên 99,6%. 100% học sinh có kết quả học tập đạt từ trung bình trở lên, trong đó giỏi chiếm 10%, khá 69%. Học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 12 cấp thành phố hàng năm đạt từ 65 -70 giải, cấp tỉnh đạt từ 40 giải trở lên…
Phát biểu động viên thầy, cô giáo và học sinh nhà trường, bày tỏ bồi hồi xúc động nhớ tới những ngày đứng trên bục giảng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ đã có 23 năm làm thầy giáo, thời gian công tác ở ngành giáo dục là dài nhất. Phó Thủ tướng ghi nhận trải qua nhiều thời kỳ, nhiều khó khăn, thách thức, nhà trường đã có những bước phát triển, đạt được kết quả tốt trong việc dạy, học, cũng như trong các phong trào văn hóa, thể dục, thể thao, thầy cô luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.
Phó Thủ tướng nêu rõ, Luật Giáo dục (sửa đổi) đang được xây dựng và hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới. Nhiều chính sách, thể chế, nguồn lực cho giáo dục đang được tập trung đầu tư. Trong 3 đột phá chiến lược của nước ta, đột phá về đổi mới giáo dục - đào tạo, xây dựng đội ngũ và con người là đột phá của đột phá. Nhấn mạnh các học sinh là tương lai của Cao Bằng, của đất nước, Phó Thủ tướng mong muốn và tin tưởng các em sẽ học giỏi, có hạnh kiểm đạo đức tốt, tiếp tục học lên ở những bậc học cao hơn, trở thành cán bộ giỏi, công dân tốt của đất nước.
Phó Thủ tướng đã tặng 50 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho các học sinh có thành tích cao trong học tập, hứa sẽ tài trợ cho trường một phòng học vi tính với 30 máy tính và 5 máy chiếu khi tới đây trường chuyển sang cơ sở mới khang trang hơn.