Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Bữa ăn ngon, an toàn là vấn đề hết sức quan trọng

Ngày 25/4, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 38/2012/NĐ của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm và trước đó đã phê duyệt Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân (ảnh) đã trả lời phỏng vấn của Báo Tin tức.

Thưa Phó Thủ tướng, vì sao vấn đề an toàn thực phẩm lại được Chính phủ quan tâm đặc biệt?

Bản chất chế độ xã hội của chúng ta là chăm lo cuộc sống cho toàn dân. Bên cạnh việc tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập của người dân và việc làm thế nào để bữa ăn đảm bảo ngon, an toàn là hết sức ý nghĩa đối với mỗi gia đình và toàn xã hội.

Thời gian qua, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tuy đạt được những kết quả nhất định nhưng còn rất nhiều vấn đề ngổn ngang mà dư luận xã hội rất quan tâm. Ý nghĩa của an toàn vệ sinh thực phẩm không phải là chuyện nhỏ mà là vấn đề rất lớn. Quốc hội vừa thông qua Luật An toàn thực phẩm và trên cơ sở đó, ngày 4/1/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030.

Thưa Phó Thủ tướng, tại sao trong Chiến lược về an toàn thực phẩm chúng ta lại phê duyệt tầm nhìn đến năm 2030?

Chính phủ phải định hướng công tác an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ đến năm 2020 mà kéo dài đến năm 2030 cho thấy những khó khăn, bất cập của vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm không thể giải quyết nhanh một sớm một chiều mà phải có tầm nhìn dài hạn. Gần đây nhất, ngày 25/4, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật An toàn vệ sinh thực phẩm và chỉ sau một ngày Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm Trung ương đã tổ chức họp định kỳ thông qua cầu truyền hình với khoảng 1.000 cán bộ quản lý nhà nước là thành viên Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố tham gia cuộc giao ban trực tuyến này.

Với tư cách Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về công tác an toàn thực phẩm?

Ban chỉ đạo quốc gia an toàn thực phẩm đã hoạt động được 4 năm cho thấy sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp và các đoàn thể đã ngày càng tốt hơn. Bên cạnh những khó khăn cần giải quyết cũng nhận thấy có sự tiến bộ rõ rệt về công tác an toàn thực phẩm. Năm 2011 số vụ ngộ độc, số người ngộ độc và số người tử vong do an toàn thực phẩm đều đã giảm đặc biệt, số người tử vong vì ngộ độc thực phẩm giảm gần một nửa so với thời gian trước đó. Điều này hết sức có ý nghĩa vì không gì có thể thay đổi, đo đếm được bằng tính mạng người dân.

Bên cạnh đó số vụ thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất chăn nuôi, chế biến thực phẩm đã diễn ra thường xuyên và công tác giám sát đã diễn ra quy mô năm nay cao hơn năm trước nhiều lần. Kết quả đánh giá năm 2011 cho thấy vấn đề nhận thức của người chế biến và tiêu dùng đã đạt trên 80%. Từ nhận thức đúng về an toàn thực phẩm các địa phương đang triển khai và hình thành một số mô hình khá hiệu quả. Ví dụ, tại TP Hồ Chí Minh đã hình thành hệ thống các chuỗi liên kết “3 nhà”. Hoặc Hà Nội có mô hình thực phẩm đường phố an toàn từ 74 xã, phường, đến nay là hơn 100 đơn vị tham gia và sẽ tiếp tục triển khai.

Thưa Phó Thủ tướng, những chính sách và giải pháp về an toàn thực phẩm chúng ta đang triển khai đã đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn” như thế nào ?

Nhóm giải pháp đầu tiên với Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030 cùng Nghị định của Chính phủ và các thông tư liên tịch đã và sẽ ban hành trong quý II, III năm nay. Điều đó cho thấy chưa bao giờ hệ thống luật pháp về an toàn vệ sinh thực phẩm của chúng ta lại đồng bộ và đầy đủ như bây giờ. Theo đó, tại cuộc họp giao ban về an toàn thực phẩm vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu từ nay đến quý III/ 2012 tất cả các tỉnh, thành phố phải hoàn thành xây dựng kế hoạch 4 năm về vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2015. Từ đó xác định mục tiêu của mỗi địa phương thực hiện mức độ như thế nào về công tác an toàn thực phẩm.

Đây là cơ sở rất quan trọng để các địa phương quyết định giải pháp trọng điểm để phối hợp với các ban, ngành và là cơ sở rất quan trọng thực hiện mục tiêu quốc gia về an toàn thực phẩm gia đoạn 2015-2020.

Nhóm giải pháp lớn thứ hai là chúng ta cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm. Trên cơ sở kinh nghiệm đã làm vừa qua để thực hiện sự phối hợp tốt hơn nữa, đặc biệt là giữa các cơ quan công an, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương.

Về nhóm giải pháp thứ ba, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi về an toàn thực phẩm và cụ thể hóa theo từng điều kiện địa phương. Năm nay các địa phương tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp là rau an toàn và thực hiện cuộc vận động “Nói không với sản xuất rau không an toàn” để người dân đi chợ yên tâm; không buôn bán dưới mọi hình thức những phụ gia thực phẩm bị cấm kinh doanh và không an toàn; “Nói không với giết mổ không an toàn”.

Bộ Công Thương từ việc làm thí điểm 6 tỉnh giáp biên giới mô hình chợ an toàn, trong năm nay tiếp tục nhân rộng mô hình chợ an toàn; tăng cường lực lượng chuyên trách làm công tác an toàn thực phẩm; đồng thời thực hiện công bố xếp hạng Chỉ số an toàn thực phẩm cấp địa phương và quốc gia.

Vừa qua, chúng ta bắt đầu triển khai cam kết thực phẩm xuất khẩu vào Việt Nam phải được công bố xuất xứ hàng hóa và ngược lại hàng hóa Việt Nam cũng chấp nhận việc kiểm tra xuất xứ hàng hóa công khai và không che giấu thông tin. Tại Chiến lược an toàn thực phẩm Việt Nam đã xác định địa phương nào có dân số từ 2 triệu người trở lên phải có phòng thí nghiệm kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; tỉnh nào ở biên giới phải có phòng thí nghiệm cùng với công tác vận động đăng ký sản xuất an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.

Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!

Nhật Minh (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN