Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển tỉnh Bình Thuận

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng và phát triển Bình Thuận đến năm 2030 căn bản trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh:Thống Nhất/TTXVN

Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế, chủ động hội nhập, phát triển kinh tế biển, du lịch, năng lượng; xây dựng và phát triển Bình Thuận đến năm 2030 căn bản trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung xây dựng 3 trung tâm mang tầm quốc gia: Trung tâm năng lượng; trung tâm du lịch – thể thao biển; trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan; có đủ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, đồng bộ, liên thông với cả nước; quan hệ sản xuất tiến bộ; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người không thấp hơn bình quân chung của cả nước, môi trường được bảo vệ tốt; quốc phòng - an ninh không ngừng được củng cố, trật tự xã hội được giữ vững.


Bình Thuận phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020 có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt bình quân 7,0 - 7,5%/năm, trong đó: Nông - lâm - thủy sản tăng 3,3 - 3,8%, Công nghiệp - xây dựng tăng 9,0 - 9,5%, Dịch vụ tăng 8,2 - 8,7%. Tầm nhìn giai đoạn 2021 - 2030 có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt bình quân 7,2 - 7,5%/năm, trong đó: Nông - lâm - thủy sản tăng 2,8 - 3,0 %, Công nghiệp - xây dựng tăng 10,0 - 11,5%, Dịch vụ tăng 6,2 - 6,4%; phấn đấu GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.100 - 3.200 USD, đến năm 2030 đạt 8.200 - 8.500 USD.

Theo định hướng, Bình Thuận sẽ thúc đẩy mạnh mẽ phát triển công nghiệp, chú trọng đúng mức phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thuỷ sản; tập trung phát triển công nghiệp điện năng, công nghiệp chế biến sâu quặng sa khoáng titan; phấn đấu đến năm 2020, có tỷ trọng công nghiệp chiếm 70% tổng giá trị gia tăng khu vực công nghiệp - xây dựng, đến năm 2030 chiếm khoảng 80%.

Cơ cấu công nghiệp chuyển dịch theo hướng tập trung phát triển mạnh các nhóm ngành sản phẩm: Năng lượng, chế biến nông - lâm - thủy sản; chế biến sâu sa khoáng; cơ khí, điện tử, đóng - sửa chữa tàu, thuyền đánh bắt hải sản; sản xuất nước khoáng, nước giải khát, sợi, dệt, may, giày dép; các ngành công nghiệp hỗ trợ cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa gắn với đầu tư đổi mới công nghệ tạo bước tiến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hợp tác kinh tế quốc tế nhằm củng cố thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường mới phục vụ xuất khẩu...


Tăng cường hợp tác du lịch

Chính phủ vừa phê duyệt Bản ghi nhớ tăng cường hợp tác du lịch giữa Chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Nhật Bản và Đại hàn Dân quốc ký tháng 1 năm 2016 tại Philippines.

Chính phủ yêu cầu Bộ Ngoại giao thực hiện thủ tục đối ngoại theo quy định.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện Bản ghi nhớ trên.

Việt Nam tham gia dự án khu vực do UNDP tài trợ

Thủ tướng Chính phủ đồng ý Việt Nam tham gia Dự án khu vực “Tăng cường thực hiện Chiến lược bền vững biển Đông Á giai đoạn 2” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ từ nguồn của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thông qua Đối tác về quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, triển khai thực hiện Dự án theo quy định hiện hành.

Điều chuyển vốn cho Dự án cấp điện nông thôn tỉnh Đắk Lắk

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý điều chuyển 15,066 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương kế hoạch năm 2015 đã bố trí cho Dự án san nền tổng thể khu trung tâm đô thị cơ quan hành chính huyện Krông giai đoạn 1 sang thực hiện Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Đắk Lắk

Thời gian thực hiện và giải ngân hết ngày 31/1/2017. Phó Thủ tướng giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính xử lý cụ thể theo quy định.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành Dự án để kịp phục vụ điện cho nhân dân đón Tết Nguyên đán năm 2017; quản lý, sử dụng số vốn được điều chuyển nêu trên đúng mục đích, đúng quy định; chịu trách nhiệm về tính chính xác của các nội dung, số liệu đã báo cáo.

Mục tiêu của Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Đắk Lắk là cấp điện cho 250 thôn, buôn của 105 xã trên địa bàn 15 huyện, thị xã, thành phố, với khối lượng đường dây trung áp 293 km, đường dây hạ áp 419,6 km, 260 trạm biến áp 3 pha và lắp đặt công tơ cho hơn 22.400 hộ.

Bổ sung danh mục dự án đầu tư công tỉnh Gia Lai

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý bổ sung Dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai - vốn ODA của Chính phủ Tây ban Nha vào danh mục các dự án đầu tư công kế hoạch năm 2016.

Phó Thủ tướng giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính xử lý cụ thể theo quy định.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai điều hòa nguồn vốn nước ngoài (ODA) đã được giao kế hoạch năm 2016 để bố trí cho Dự án, báo cáo kết quả thực hiện đến các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính để tổng hợp chung theo quy định; đồng thời, chịu trách nhiệm về các thông tin số liệu đã báo cáo.

Tin Tức/TTXVN
Điểm lại những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2016
Điểm lại những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2016

Rất nhiều chỉ đạo, điều hành kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN