Phát triển thị trường bảo hiểm minh bạch, bền vững và an toàn

Trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Dân sự, một số nội dung chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh phiên thảo luận tại điểm cầu Nhà Quốc hội. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN.

Không nên giao Bộ Tài chính thi cấp chứng chỉ bảo hiểm

Sáng 29/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Trước đó, vào sáng 25/10, thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đa số các ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, dự thảo luật chi phối và tác động đến mọi tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động bảo hiểm, do đó cần quy định rõ, cụ thể, để người dân hiểu đúng bản chất về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể được quy định trong dự thảo Luật.

Đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị: Cần xây dựng quy định các điều khoản rõ hơn cả về khả năng kinh doanh có hiệu quả của các tổ chức bảo hiểm. Đối với bảo hiểm vi mô, khi đưa ra sản phẩm cũng phải bàn cho thật kỹ và tính đến cả khả năng bảo vệ những người tham gia bảo hiểm để giải quyết hậu quả, bảo vệ quyền lợi người tham gia…

Vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra là việc tranh chấp quyền lợi bảo hiểm giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Nguyên nhân chính là doanh nghiệp bảo hiểm chưa giải thích đầy đủ về quyền lợi bảo hiểm và bên mua bảo hiểm chưa hiểu hết các điều khoản loại trừ trách nhiệm. Để bảo đảm chặt chẽ, tránh tình trạng xử lý tùy tiện trong hoạt động bảo hiểm, cần cân nhắc nghiên cứu bổ sung thêm về bảo hiểm tạm thời. Đồng thời, cần nghiên cứu quy định cụ thể số ngày doanh nghiệp bảo hiểm xác nhận thay đổi người thụ hưởng trong hợp đồng bảo hiểm hoặc văn bản đính kèm hợp đồng bảo hiểm sau khi nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp…

Một số đại biểu cũng nêu những bất cập trong quy định tổ chức không được đồng thời làm đại lý bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm khác nếu không được chấp thuận bằng văn bản của doanh nghiệp bảo hiểm mà mình đang làm đại lý. Quy định này có thể làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của đại lý bảo hiểm và các doanh nghiệp khác. Việc làm đại lý cho nhiều doanh nghiệp có thể được đại lý và các doanh nghiệp bảo hiểm tự thỏa thuận bình đẳng tại hợp đồng đại lý bảo hiểm.

Đại biểu Hoàng Thị Đôi, Đoàn ĐBQH Sơn La cho rằng về trách nhiệm cung cấp thông tin tại điều 19, Khoản 2, đề nghị xem xét theo hướng cụ thể hơn các hành vi của bên mua bảo hiểm, trong việc cung cấp thông tin sai sự thật, với lý do vì thực tế để xác định được bên mua cung cấp thông tin sai để trục lợi bảo hiểm là khó khăn, dẫn đến tranh chấp dân sự giữa bên mua và bên bán.  

Về quy định Bộ Tài chính thi cấp chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, phụ trợ hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, đại biểu Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La nhất trí với quan điểm của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu trong báo cáo thẩm tra, đó là không nên giao cho Bộ Tài chính, vì Bộ chỉ quản lý Nhà nước đối với hoạt động này, việc tổ chức thi chứng chỉ nên giao cho tổ chức xã hội nghề nghiệp.  

Chú thích ảnh
Đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội.

Cần có chính sách phát triển bảo hiểm nông nghiệp

Theo ĐBQH Nguyễn Vân Chi (Nghệ An), dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) chưa dành sự quan tâm đúng mức đến bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), lâm nghiệp và ngư nghiệp. Hiện nay, nước ta mới chỉ thí điểm áp dụng loại hình bảo hiểm này. Chính phủ cũng ban hành Nghị định 58/2018/NĐ-CP về BHNN, quy định nguồn lực hỗ trợ chủ yếu từ ngân sách nhà nước và áp dụng trong từng thời kỳ, tùy thuộc vào khả năng cân đối của ngân sách. Sau đó Thủ tướng Chính phủ mới ban hành quyết định cụ thể về đối tượng được hỗ trợ, loại hình cây trồng, vật nuôi, loại hình kinh doanh thủy sản được hỗ trợ, mức hỗ trợ, thời gian thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN, thời gian thực hiện hỗ trợ phí BHNN từ ngày quyết định có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020 và Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN, thời gian thực hiện hỗ trợ phí BHNN từ ngày Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2021. Tuy nhiên, cho đến nay, dự thảo Luật vẫn chưa rõ định hướng phát triển cho loại hình bảo hiểm này.

Trong khi đó, BHNN, ngư nghiệp, lâm nghiệp thực sự rất cần thiết, là bệ đỡ rủi ro cho sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm thiểu tổn thất do thiên tai gây ra. Loại hình bảo hiểm này chưa được thực hiện trên cơ sở bảo hiểm thương mại. Do vậy, Chính phủ cần đánh giá lại 3 năm thực hiện Nghị định số 58/2018/NĐ-CP, để đặt ra phương hướng phát triển trong thời gian tới đối với loại hình BHNN.

Đồng quan điểm này, ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cho rằng thị trường kinh doanh bảo hiểm đã tạo công ăn việc làm cho hơn 1 triệu người lao động, với thu nhập ổn định, được đào tạo về chuyên ngành tài chính - bảo hiểm. Ở đây không chỉ là lao động phổ thông mà là lao động chất lượng cao, có chuyên môn về lĩnh vực tài chính.  

Hiện nay, bảo hiểm nhân thọ rất phát triển, nhưng bên cạnh đó, các loại bảo hiểm phi nhân thọ, trong đó có BHNN, bảo hiểm đánh bắt hải sản, bảo hiểm thiên tai… lại chưa đáp ứng được kỳ vọng. Đơn cử, chính sách BHNN đã được triển khai thí điểm trong hai giai đoạn, từ năm 2011 - 2013 và từ năm 2018 đến nay. Kết quả thực hiện Nghị định 58 của Chính phủ về BHNN cho thấy, tổng số hộ nông dân tổ chức sản xuất tham gia bảo hiểm nông nghiệp là 11.115 hộ, bao gồm cả hộ nghèo, cận nghèo; tổng giá trị được bảo hiểm 116 tỷ đồng, tổng số phí bảo hiểm là 4,97 tỷ đồng và tổng giá trị bồi thường là 145 tỷ đồng. Con số này cho thấy kết quả còn khiêm tốn so với nhu cầu và mong muốn của chúng ta.

Dự thảo Luật đã nêu rất rõ chính sách thúc đẩy, tạo thuận lợi, thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tham gia BHNN, bảo hiểm đánh bắt hải sản, bảo hiểm thiên tai... Tuy nhiên, cần quy định mạnh mẽ hơn việc thực hiện các chính sách này, Chính phủ phải có chính sách để thúc đẩy việc tham gia BHNN, đánh bắt hải sản, thiên tai; đồng thời phải rà soát toàn bộ chính sách để làm rõ tại sao việc thực hiện chính sách này vừa qua chưa đạt được kết quả như mong muốn và quy định rõ thời hạn thực hiện chính sách.

Dự thảo Luật đã quy định việc phí bảo hiểm được đầu tư vào bất động sản, trái phiếu, cho vay… như thế nào. Tuy nhiên, cần quy định rõ cơ chế phí bảo hiểm được đầu tư cho cơ sở hạ tầng, các cơ sở phục vụ phúc lợi xã hội. Báo cáo của Bộ Tài chính đã chỉ ra, hiện nay không có quy định riêng để doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thực hiện trực tiếp cơ chế này, mà muốn thực hiện thì phải thông qua mua trái phiếu của Chính phủ. Xuất phát từ thực tế này, các ĐBQH cho rằng cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định rõ hơn nội dung này trong dự thảo Luật.

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều quy định về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Đây là dự án luật liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân được cử tri và những đơn vị kinh doanh bảo hiểm quan tâm tin tưởng, kỳ vọng.
Bài và ảnh: V.Tôn/Báo Tin tức
Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thi đua khen thưởng
Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thi đua khen thưởng

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, việc thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn tình trạng "được khen thưởng nhưng chưa thực sự tiêu biểu". Vì vậy, dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) lần này tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thi đua, khen thưởng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN