Phát triển sản phẩm trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 24/7, tại tỉnh An Giang, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chủ trì Hội nghị bàn về chính sách, mô hình phát triển các sản phẩm trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.


Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu khi đi khảo sát mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình liên kết 4 nhà, tại Nhà máy gạo Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Ảnh: Vương Thoại Trung - TTXVN


Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng lúa của các tỉnh vùng ĐBSCL năm 2012 dự kiến đạt 23,48 triệu tấn. Diện tích nuôi tôm nước lợ trong vùng là 614.814 ha, tương đương năm trước. Diện tích nuôi cá tra toàn vùng đạt 3.892 ha, đã thu hoạch trên 1.612 ha, đạt sản lượng 510.000 tấn.


Các tỉnh vùng ĐBSCL kiến nghị các chính sách hỗ trợ, tăng cường liên kết đối với sản xuất lúa và một số mặt hàng nông sản, thủy sản chủ yếu như: Đối với cây lúa tập trung giải quyết vấn đề nước tưới (hỗ trợ kinh phí củng cố đê bao sản xuất lúa vụ thu đông, bơm tát nước cho sản xuất vụ đông xuân tới), áp dụng chính sách hỗ trợ tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, theo hướng tăng mức vốn vay. Về xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư 100% kênh mương cấp 1, cấp 2, hỗ trợ 50% giống lúa cho 1 vụ đầu, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư máy nông nghiệp, hệ thống sấy lúa, hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, huấn luyện nông dân các kỹ năng sản xuất và phối hợp tiêu thụ sản phẩm.


Về chính sách, cần ban hành văn bản bắt buộc doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải xây dựng ít nhất một vùng nguyên liệu đảm bảo đủ lúa cung cấp ít nhất 15% lượng gạo xuất khẩu trong năm theo hợp đồng của năm 2013, tiến tới năm 2014 phải đảm bảo ít nhất 50% lượng gạo xuất khẩu trong năm theo hợp đồng...


Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, việc duy trì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước và thế giới. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách để phát triển nông nghiệp nhanh và bền vững, trong đó các cơ chế chính sách ban hành đã phát huy tác dụng, nhưng cũng cần tiếp tục nghiên cứu để thúc đẩy phát triển nông nghiệp nhanh hơn nữa nhằm phát huy lợi thế của từng vùng.


Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu chính sách, lựa chọn các sản phẩm trọng điểm của vùng, của quốc gia, có tiêu chí cụ thể cho các sản phẩm cụ thể của vùng ĐBSCL, trên cơ sở đó các địa phương có quy hoạch cụ thể trên từng địa bàn. Từ đó, tổ chức lại sản xuất cho nông dân làm ra sản phẩm gắn kết chặt chẽ với các công ty, mô hình hợp tác, nhà khoa học... nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người dân.


Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, đề xuất phương án xây dựng mô hình dịch vụ đầu vào của nông dân, kho dự trữ tổng hợp, xử lý các những rủi ro cho người dân...Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm tổng kết các mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình của công ty cổ phần bảo vệ thực vật, chuỗi liên kết cá tra.

 


Vương Thoại Trung

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN