Phát triển rừng tại Sóc Trăng đạt nhiều kết quả tích cực

Ngày 8/3, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Quốc hội khóa XIV do ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Tiếp và làm việc với đoàn có ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Sóc Trăng.

Theo thống kê, tỉnh Sóc Trăng có hơn 16.310 ha rừng và đất lâm nghiệp. Thời gian qua, tình hình thực thi pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉnh đã vận động người dân tham gia bảo vệ rừng và thành lập các tổ bảo vệ rừng ở các xã có rừng, từ đó phát triển thêm nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển.

Nổi bật nhất là mô hình đồng quản lý rừng ở ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu đã chung tay góp sức cùng lực lượng kiểm lâm giữ và bảo vệ rừng. Nhiều năm liền không có vụ cháy rừng lớn xảy ra. Các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm dần. Năm 2016, toàn tỉnh có 12 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, xử phạt hành chính hơn 43 triệu đồng (giảm 6 vụ so với năm 2015).

Ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.

Công tác giao khoán bảo vệ, chăm sóc và khoanh nuôi tái sinh rừng đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng dân cư, không chỉ hạn chế nạn chặt phá rừng mà còn nâng cao đời sống của hộ gia đình nhận khoán. Trong 3 năm 2014 - 2016, toàn tỉnh đã trồng được gần 1.320 ha rừng phòng hộ, loài cây trồng như đước, bưng, bần, mắm. Nguồn giống thủy sản dưới tán rừng phát triển nhanh, tạo sinh kế cho người dân địa phương ven rừng.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về thực trạng rừng, các mô hình quản lý rừng trên địa bàn và góp ý dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi (dự thảo 5). Hầu hết ý kiến cho rằng, tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển rừng, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn như xói lở một số đoạn đê trên địa bàn, thiếu biên chế và chưa có Ban quản lý rừng phòng hộ cùng một số khó khăn khác.

Trong thời gian tới, tỉnh chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng đa dạng, dễ hiểu và có nhiều hình ảnh sinh động theo dự báo của biến đổi khí hậu; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; ứng dụng khoa học công nghệ thông tin trong việc bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng mô hình để mô phỏng chế độ thủy lực dòng chảy...

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh cũng như hiệu quả trồng rừng và các mô hình quản lý rừng trên địa bàn; đồng thời gợi ý tỉnh nghiên cứu thu dịch vụ môi trường rừng, phát huy lợi thế của địa phương về rừng và biển để triển khai điện gió và điện mặt trời…

Trước đó, đoàn công tác đã đi kiểm tra, khảo sát hệ thống cống và rừng phòng hộ ven biển ở ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải và ấp Tân An, xã Vĩnh Tân (cùng thuộc thị xã Vĩnh Châu).

Tin, ảnh: Hoài Thu (TTXVN)
Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Sáng 6/3, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội chủ trì cuộc làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN