Phát triển cà phê theo hướng bền vững

Ngày 13/3, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam đã phối hợp cùng với tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo phát triển cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Việt Nam bền vững.

Tham dự hội thảo có đại diện các bộ, ngành trung ương, các lãnh sự quán, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về cà phê và đại diện lãnh đạo của các địa phương vùng Tây Nguyên...

Đoàn voi tham gia lễ hội đường phố. Ảnh: Thanh Hà – TTXVN


Tại hội thảo, báo cáo tham luận của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia đầu ngành về cà phê trong, ngoài nước đều tập trung hướng tới việc đề xuất các cơ chế, chính sách, áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc, phát triển cà phê theo hướng bền vững, từng bước khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hiện nay, cả nước có trên 540.000 ha cà phê, sản lượng mỗi năm trên 1 triệu tấn cà phê nhân. Việt Nam đã trở thành nước có sản lượng cà phê xuất khẩu xếp hàng thứ hai trên thế giới và đứng thứ nhất về xuất khẩu cà phê vối.


Hàng năm, ngành cà phê cả nước không những đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước (chiếm khoảng 2% GDP) mà còn là nguồn thu chủ yếu của 540.000 hộ gia đình nông dân trồng cà phê, với trên 1,6 triệu lao động; góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị, xã hội, nhất là các tỉnh Tây Nguyên, nơi chiếm trên 90% diện tích cà phê.

Tuy nhiên, sản xuất và xuất khẩu cà phê luôn tiềm ẩn bất ổn. Nếu như niên vụ cà phê 2008-2009 được mùa, với lượng xuất khẩu trên 1,17 triệu tấn cà phê nhân, kim ngạch đạt trên 1,942 tỷ USD, thì niên vụ 2009-2010, sản lượng sản xuất chỉ đạt 1,04 triệu tấn.


Kỹ thuật thâm canh, chăm sóc vườn cây cà phê chưa được người dân quan tâm đúng mức, tình trạng bón phân, tưới nước quá mức, không trồng cây che bóng, hái tuốt cành vẫn phổ biến. Diện tích cà phê có chứng chỉ sản xuất bền vững còn quá thấp, mới chiếm 10% trong tổng diện tích cà phê của cả nước. Việc mua bán cà phê vẫn còn nhiều bất cập, các doanh nghiệp mua bán trong nước chủ yếu qua thương lái, với tiêu chuẩn tự thỏa thuận...

Sản xuất cà phê của Việt Nam trong những năm tới được dự báo có những diễn biến bất lợi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

* Trước đó, tối 12/3, tại Quảng trường 10-3, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ III năm 2011.

Khai mạc lễ hội, ông Lữ Ngọc Cư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nêu bật thành tựu của ngành cà phê trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trong đó nêu rõ hiện nay tỉnh đã phát triển 182.300 ha cà phê với sản lượng đạt trên 400.000 tấn/năm, chiếm 40% sản lượng cà phê cả nước.


Sản phẩm cà phê của Đắk Lắk được xuất khẩu đến 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với kim ngạch đạt 600 triệu USD/năm. Từ lâu, sản phẩm cà phê Đắl Lắk vốn nổi tiếng thơm ngon, được thế giới biết đến với thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN