Phát huy khí thế hào hùng 60 năm giải phóng Thủ đô

Ngày 3/10, Thành ủy, HĐND, UBND, UB Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học “60 năm giải phóng Thủ đô - thành tựu, thời cơ, thách thức và phát triển” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học hàng đầu Việt Nam. Đây là dịp để Hà Nội nhìn lại quá trình lịch sử 60 năm đấu tranh, xây dựng và phát triển; nhận định rõ nét hơn cơ hội, thách thức trong tình hình mới, những bài học kinh nghiệm, phương hướng để Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

 

Tiếp nối truyền thống


Ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy khẳng định: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 10/10/1954, Hà Nội được giải phóng, mở ra thời kỳ mới của tiến trình phát triển Thăng Long - Hà Nội trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong 60 năm qua, quân và dân Hà Nội đã lập nên những chiến công vang dội, nhiều thành tựu đáng tự hào được bạn bè thế giới ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” (1999), được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng” năm 2000, ba lần nhận Huân chương Sao Vàng; năm nay được nhón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Qua 60 năm xây dựng và phát triển, thế và lực của Thủ đô lớn mạnh hơn trước rất nhiều. Nhất là từ khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có thêm những nguồn lực và tiềm năng phát triển cả về đất đai và nguồn lực, vị thế quốc phòng, an ninh, về bản sắc, truyền thống văn hóa…

 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu khai mạc Hội thảo.


Giáo sư Phan Huy Lê cho biết, với một lịch sử lâu dài, đặc biệt là bề dày hơn nghìn năm gần như liên tục là đất kinh kỳ, Thăng Long-Hà Nội có quá trình tích tụ văn hóa lâu dài tạo nên một di sản văn hóa có sức kết tinh, lắng đọng sâu và tỏa chiếu rộng. Hơn 1.000 năm qua, Thăng Long - Hà Nội mở rộng 133 lần. Còn trong 60 năm qua, diện tích Hà Nội tăng 22 lần (từ 152 km2 lên 3.344 km2). Việc mở rộng địa giới hành chính đã làm phong phú và đa dạng thêm di sản văn hóa Hà Nội. Vấn đề lớn cần đặt ra là, trên một không gian văn hóa rộng và đa dạng như vậy, làm sao bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa chung của Thủ đô và từng vùng văn hóa. Hà Nội đang đứng trước một thực trạng là các vùng văn hóa ngoại vi chiếm tỷ trọng rộng lớn hơn nhiều về diện tích và dân số so với vùng trung tâm. Nếu không có định hướng và qui hoạch, để cho sự phát triển tự phát chi phối thì rất dễ dẫn đến khả năng di sản văn hóa trung tâm tích lũy hơn nghìn năm bị pha loãng, mai một dần và hòa đồng với vùng ngoại vi rộng lớn.


Các tham luận tại hội thảo đã chỉ ra những cơ hội, thách thức của Hà Nội trong bối cảnh toàn cầu hóa. “Tình hình mới đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội phải tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, phát huy tiềm năng và lợi thế, không ngừng vươn lên để xây dựng và phát triển Thủ đô xứng tầm vị thế mà Hiến pháp, Luật Thủ đô, Nghị quyết của Bộ Chính trị đã xác định…”, ông Phạm Quang Nghị đề xuất.


Nắm bắt thời cơ phát triển


Theo GS.TS. NGND Vũ Dương Ninh (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN), Hà Nội hôm nay phát triển theo đà chung của đất nước trong công cuộc “Đổi mới”. Cùng với quá trình giao lưu, hội nhập trên nhiều lĩnh vực thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, du lịch, thể thao… chúng ta cũng nên thấy những góc khuất, làm cho du khách chưa được hài lòng. Phải làm sao để mỗi người dân Hà Nội trở thành một đại sứ trong hoạt động đối ngoại nhân dân, đem lại hình ảnh thân thương trong con mắt khách nước ngoài, khắc ghi một ấn tượng đẹp về đất nước và con người Việt Nam. Hoạt động đối ngoại này không chỉ là công việc của các quan chức ngoại giao, không thu hẹp trong hội nghị hay bàn tiệc mà nó diễn ra trên đường phố với mọi người, mọi nơi và mọi lúc. Hà Nội, với vị thế thành phố Thủ đô có nghĩa vụ làm trọn vai trò đại diện cho cả nước trong việc giao tiếp với nước ngoài.

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo.


Bà Katherine Muller-Marin, trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng: Phong phú về văn hóa, Hà Nội độc đáo, đầy màu sắc, năng động và nhộn nhịp. Thành phố có khả năng hòa nhập cái cũ với cái mới, truyền thống với hiện đại. Thành phố đang phải đương đầu với những thách thức mới nhằm bảo đảm rằng mọi người dân đều có thể thụ hưởng đầy đủ vật chất cũng như nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa của Hà Nội. Do đó, bên cạnh phát triển kinh tế, Hà Nội cần tăng cường bảo vệ di sản văn hóa như một kho báu của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung. Đây cũng là ưu tiên của quốc gia và của UNESCO.


Kết luận tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: “Một trong những bài học kinh nghiệm quý báu, có ý nghĩa chỉ đạo quan trọng, lâu dài, đó là phát huy tiềm lực trí tuệ, khoa học của Thủ đô và cả nước. Các nhà khoa học đã kiến nghị những giải pháp mang tính khả thi giúp thành phố có những quyết sách triển khai trong thời gian tới. Trong đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với văn hóa - xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, kinh tế tư nhân, giải quyết việc làm.

 

Trong vấn đề quy hoạch đô thị, nhiều kiến nghị đề xuất bảo tồn và phát triển văn hóa đô thị, trong đó Hà Nội sớm có quy hoạch bảo tồn và phát triển văn hóa tương xứng với vị thế Thủ đô ngàn năm văn hiến. Tiếp thu những ý kiến, nội dung thảo luận, thành phố Hà Nội sẽ bổ sung vào công tác điều chỉnh, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quản lý trong thời gian tới, với tinh thần phát huy truyền thống và thành tựu của 60 năm xây dựng phát triển Thủ đô, tiếp tục huy động mọi nguồn lực, khí thế của 60 năm này, tạo động lực để Thủ đô phát triển khang trang, đàng hoàng hơn”.


Xuân Minh

Hà Nội xôn xao đón 60 năm giải phóng
Hà Nội xôn xao đón 60 năm giải phóng

Sáng xuống phố đã thấy hàng xóm giục nhau treo cờ chào mừng ngày 10/10. Treo từ nay cho đến đúng ngày 10/10 cơ đấy, bà bán nước dặn dò.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN