Nỗi lo “đến hẹn lại lên”

Đã thành tiền lệ, cứ vào mỗi dịp sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp - đặc biệt là doanh nghiệp dệt may, da giày - lại phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động phổ thông do nghỉ việc quá nhiều.

Đây đã trở thành nỗi ám ảnh “đến hẹn lại lên”, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Song điều đáng nói là dù biết trước hoàn cảnh của mình, nhưng dường như doanh nghiệp (DN) vẫn phải bó tay vì chưa tìm được phương thuốc hữu hiệu.

Ngay từ những ngày đầu năm Tân Mão, nhiều DN đã lớn tiếng kêu thiếu hụt lao động, cần tuyển dụng số lượng lớn. Thậm chí có những DN còn đoán trước được tình hình nên đã loan báo tuyển dụng lao động ngay từ dịp cuối năm ngoái.


Thế nhưng, tình hình cũng chẳng được cải thiện là bao. Lao động lũ lượt về quê ăn Tết, rồi cũng lần lượt “rủ nhau” ở lại hoặc “nhảy” việc. Riêng đối với ngành dệt may, mức độ thiếu hụt lao động năm nay được dự báo lên tới 30%, trong khi đa số các DN ngành này đã có đơn hàng đến hết quý II/2011.

Còn gần 150 DN tại Đồng Nai đã báo cáo, mỗi DN có tới 200 - 400 lao động xin nghỉ việc sau Tết… Nhìn rộng ra ở nhiều ngành hàng, nhiều địa phương khác, thì con số lao động nghỉ việc quả là khổng lồ. Trong khi đó, số lượng lao động được tuyển dụng lại chỉ như muối bỏ bể. Bởi vậy, việc thiếu hụt và bổ sung nguồn lao động trở thành nỗi lo nhức nhối của nhiều DN.

Đã có những kế sách được DN và nhà quản lý đưa ra để giữ chân người lao động, mà rốt cuộc, kế được áp dụng nhiều nhất vẫn là các mức thưởng “nóng”. Nhưng, khổ nỗi, lực của DN cũng chỉ có mức độ, lại phải đối mặt với bao khó khăn nên không thể đưa ra các mức thưởng quá hào phóng.


Vì thế, các mức lương, thưởng mang tính thời vụ đó thường không đủ hấp dẫn để níu kéo người lao động ở lại và quay về. Các chế độ đãi ngộ khác như hỗ trợ tiền tàu xe, lì xì năm mới… cũng chỉ là những biện pháp tức thì, nên cũng chẳng thể ràng buộc được người lao động lâu dài.

Lối thoát cho tình trạng này, rõ ràng phải tìm đến những giải pháp mang tính lâu dài, tương ứng với việc tạo lập và thực hiện các chính sách, đãi ngộ xứng đáng, bền vững đối với người lao động, đặc biệt là khối lao động phổ thông.


Cũng cần có những ưu tiên, hỗ trợ cho các DN đưa nhà máy về làng, nhằm thu hút lao động tại chỗ, gắn bó lâu dài với DN. Bên cạnh đó, cần hạn chế bớt những DN sử dụng quá nhiều lao động phổ thông, tập trung hơn cho các ngành dùng nhiều lao động đã qua đào tạo. Điều này còn góp phần giảm bớt sự lệch pha cung cầu lao động hiện nay ở nước ta.

Trân Chân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN