Nhớ lần đầu tiên được gặp Đại tướng

Đó là người thương binh, cựu chiến binh Nguyễn Đình Giang, ở phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương. Nhập ngũ năm 1976, năm 1979 giải ngũ trở về, ông Giang làm nhân viên ngành đường sắt. Năm 1995, ông mở cơ sở sản xuất bánh đậu xanh và đến năm 1998 mới chính thức đăng ký tên Công ty Bánh đậu xanh Gia Bảo.

Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn thường trực hiện hữu trong tâm trí ông Giang. 


Khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, ký ức về hai lần vinh dự được gặp Đại tướng cứ thường trực hiện hữu trong tâm trí ông Giang. Đó là thời điểm năm 2003, Công ty Bánh đậu xanh Gia Bảo do ông Giang làm chủ đã vinh dự được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm.

"Trước khi Đại tướng về thăm, tôi được báo trước 2 ngày. Trong 2 ngày đó, tôi vui không ngủ được bởi mình là một thương binh, một doanh nghiệp nhỏ mà lại vinh dự được đón Đại tướng về thăm”. Khi gặp Đại tướng, ông Giang thành thật bày tỏ nỗi băn khoăn của mình thì được biết, qua phương tiện thông tin đại chúng, Đại tướng biết ông Giang là một thương binh làm kinh tế giỏi. Đại tướng không chỉ quan tâm đến cấp dưới của mình trong thời chiến mà cả trong thời bình, đó là điều làm ông Giang rất xúc động.

Tuy chỉ được đón Đại tướng trong hơn 1 tiếng đồng hồ nhưng kể từ đó về sau, tâm thức của ông Giang luôn ghi nhớ từng hình ảnh, lời nói của vị Tổng tư lệnh tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đức tính khiêm nhường là điều đầu tiên ông Giang cảm nhận trực tiếp khi gặp Đại tướng. Khi nói đến công lao của Đại tướng trong các kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược thì Đại tướng xua tay và nói: “Không. Đây là công lao của Bác Hồ”.

Ấn tượng sâu sắc đối với ông Giang trong lần đầu tiên gặp Đại tướng là tính tự tôn dân tộc của một vị tướng tài năng và đức độ. Khi đó, ông Giang đang nuôi dưỡng khoảng 50 trẻ khuyết tật, mời các nghệ nhân về dạy các cháu nghề thủ công mỹ nghệ. Các cháu đã làm ra nhiều sản phẩm tinh xảo. Nhân dịp Đại tướng về thăm, ông muốn tặng Đại tướng một pho tượng nhỏ lưu niệm. “Tôi ngỏ ý tặng bức tượng Quan công, nhưng Đại tướng yêu cầu tôi làm giúp bức tượng Trần Hưng Đạo". Sau khi làm xong, đích thân ông Giang mang tới tư gia Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu để kính tặng Đại tướng. Ông Giang rất vui được biết vật lưu niệm này luôn được Đại tướng để trong phòng khách.

Đã 10 năm kể từ lần được đón Đại tướng về thăm, ông Giang luôn nhớ nằm lòng lời Đại tướng căn dặn: “Làm việc thì phải có tâm với nghề. Có tâm thì mới thành công. Trong lúc này các cháu sản xuất kinh doanh, thị trường cũng như chiến trường, cạnh tranh khốc liệt. Đặc biệt là lúc này, những người làm nghề thủ công như các cháu phải cạnh tranh với máy móc hiện đại, các cháu phải sáng tạo, giữ chất lượng sản phẩm”. Lời căn dặn của Đại tướng ở tuổi 93 dành cho những người làm kinh doanh khiến ông Giang rất cảm động.

Tình cảm, sự quan tâm của Đại tướng là nguồn động viên lớn cho ông Giang từ đó đến nay. “Từ khi biết tin Cụ mất đến nay, ngày nào tôi cũng nhớ và nghĩ đến từng cử chỉ và câu nói của Đại tướng”, ông Giang rưng rưng. Trong những ngày này, khi nghe tin Đại tướng về với tiên tổ, với Bác Hồ và các đồng đội đi trước, ông Giang đã đề đạt nguyện vọng và xin ý kiến lãnh đạo tỉnh Hải Dương được lập bàn tang lễ Đại tướng.


Được sự cho phép của tỉnh, bàn tang lễ đã được ông lập tại sảnh của Công ty vào 8 giờ sáng 11/10 và duy trì đến hết ngày 13/10. Sau đó, gia đình ông sẽ lập bàn thờ Đại tướng.

“Đại tướng qua đời là mất mát không chỉ của riêng dân tộc Việt Nam, mà của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Tôi lập bàn tang lễ Đại tướng không chỉ thể hiện tấm lòng và sự tiếc thương của tôi và gia đình đối với Đại tướng, mà qua đây tôi cũng muốn giúp hơn 200 nhân viên của mình được thắp nén hương cho Đại tướng, kể cả những khách qua đường, những người bán hàng rong… có tình cảm nhưng không có điều kiện đi Hà Nội hay Quảng Bình viếng Đại tướng”, ông Giang nói.


Mạnh Minh
Nước mắt vẫn tuôn rơi nơi Nhà Tang lễ
Nước mắt vẫn tuôn rơi nơi Nhà Tang lễ

Chiều 12/10, nước mắt vẫn rơi, dòng người vẫn nối đuôi nhau vào Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông để cúi nhìn lần cuối linh cữu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam, người cha, người ông, người chú của đồng bào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN