Nhiều dịch bệnh 'tấn công' mùa tựu trường

Trong khi dịch sốt xuất huyết vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát mạnh hơn thì một số dịch bệnh tay chân miệng, bệnh dại, cúm gia cầm... cũng đang có dấu hiệu gia tăng.

Kiêm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại Trường Tiểu học thị trấn Chúc Sơn B, huyện Chương Mỹ. Ảnh: KH

“Nóng” dịch tay chân miệng


Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 100.417 trường hợp sốt xuất huyết, với 26 người tử vong. So với năm 2016, số mắc tăng gần 50%. Đáng ngại nhất là Hà Nội đã soán ngôi đầu của Thành phố Hồ Chí Minh về số ca bệnh vì đã có khoảng 20.000 trường hợp mắc.


Trong khi đó, bệnh tay chân miệng lại đang có xu hướng tăng hơn. Đến nay, đã ghi nhận 51.218 trường hợp mắc tại 63 tỉnh, thành phố; trong đó có 23.272 trường hợp nhập viện. So với cùng kỳ năm ngoái, số trường hợp nhập viện tăng 3,4%, số mắc cũng tăng ở miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên và tăng nhiều nhất ở miền Nam.


"Trong 8 tháng đầu năm cũng liên tục ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm A(H5N1),phát hiện 28 trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika. Đến nay, cũng ghi nhận 41 trường hợp tử vong do bệnh dại, 132 trường hợp mắc bệnh do liên cầu lợn ở người, 11 trường hợp tử vong...", PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết.


Trước diễn biến phức tạp của nhiều dịch bệnh, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cảnh báo, thời điểm này là bắt đầu vào mùa của dịch tay chân miệng. Do đó các địa phương không được vì phòng chống dịch sốt xuất huyết mà "quên" dịch tay chân miệng. Đặc biệt, còn cần chủ động bệnh cúm A(H5N1) và nguy cơ xâm nhập dịch cúm A(H7N9) trừ Trung Quốc vào Việt Nam. Riêng Hà Nội, cần chủ động hơn trong việc phòng chống sốt xuất huyết tại các trường học, nếu để trường học có muỗi, bọ gậy, truyền sốt xuất huyết cho học sinh, sinh viên thì rất nguy hiểm.


Thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hà Nội cho hay, Y tế Thủ đô đã tiến hành phun hóa chất diệt muỗi ở 100% trường học. Hà Nội đã thành lập 3 Đoàn đi kiểm tra thực tế, cho thấy 12% số trường vẫn còn bọ gậy. Tới đây, sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là cấp 1 – 3; nếu trường nào còn tồn tại các ổ bọ gậy thì hiệu trưởng sẽ là người chịu trách nhiệm theo quy định.


Các địa phương cần vào chủ động phòng dịch


Để chủ động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường phòng chống dịch bệnh tay chân miệng. Bộ đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần huy động các ngành, các tổ chức chính trị -xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai các giải pháp phòng chống, ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh tay chân miệng tại địa phương.


Theo đó, Bộ đề nghị các Sở y tế tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt đổ ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch lan rộng, kéo dài.


Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cần tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo tại các bệnh viện và trong các cơ sở điều trị. Đồng thời, tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức và giám sát phát hiện bệnh, điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế.


Bộ Y tế cũng đề nghị các trường học ngay từ đầu năm học mới cần thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường, cung cấp đủ nước sạch, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục để tổ chức khám, điều trị, xử lý kịp thời ổ dịch.


Với dịch sốt xuất huyết, nhất là tại Hà Nội, Thứ trưởng Long nhấn mạnh, dịch bệnh này vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, xu hướng tăng ca bệnh ở một số tỉnh ngoại thành. Trong khi đó, ổ dịch có thể nằm ngay ở những mái nhà đua ra ở các khu cao tầng, nếu các địa phương không vào cuộc, người dân không chủ động phòng chống thì một mình ngành y tế không thể "hạ nhiệt" được dịch bệnh.


“Các ngành, các cấp cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, cần huy động cả công an, quân đội vào công tác phòng chống dịch, hiện nay một số xã, phường vẫn chưa nhận thức đầy đủ. Nếu không làm tốt, đến thời điểm tựu trường, hoc sinh, sinh viên các nơi đổ về thành phố nhập học thì việc khống chế dịch bệnh sẽ càng trở nên căng thẳng và khó khăn hơn", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.


Phương Liên/Báo Tin Tức
Hải Dương thiếu thiết bị phòng chống sốt xuất huyết
Hải Dương thiếu thiết bị phòng chống sốt xuất huyết

Những ngày gần đây, số ca sốt xuất huyết ở tỉnh Hải Dương có chiều hướng gia tăng. Tính từ đầu năm 2017 đến ngày 23/8, toàn tỉnh đã phát hiện 206 trường hợp mắc và nghi mắc bệnh sốt xuất huyết tại các huyện Thanh Hà, Bình Giang và thành phố Hải Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN