Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 122 của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lý luận tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện triết học của thời đại

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong hoàn cảnh văn hóa Việt Nam ở thời kỳ “tiền công nghiệp”, văn hóa kinh tế tiểu nông manh mún lạc hậu, thượng tầng kiến trúc hỗn tạp (phong kiến và thực dân). Thực dân Pháp đem một phần văn hóa công nghiệp “trộn” với văn hóa phong kiến phương Đông; thành thể chế cai trị thuộc địa Đông Dương, trong đó có Việt Nam với dân trí thấp, hơn 90% dân số Việt Nam lúc đó là mù chữ, trong khi đó các nước phương Tây và Bắc Mỹ đã vào thời kỳ thịnh hành của văn hóa triết học, kinh tế công nghiệp phát triển ở mức cao; Việt Nam vẫn chủ yếu là kinh tế cây lúa nước, vùng thửa, chia cắt nhỏ, cày cấy vẫn là lao động thủ công, dùng chân tay là chính, công cụ sản xuất còn rất thô sơ chỉ là con trâu, con bò với cái cày chìa vôi...

Hồ Chủ tịch thăm nhà ăn tập thể của công nhân Nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá Hà Nội (26/1/1961). Ảnh: TTXVN

Hồ Chí Minh nhận thức rõ tồn tại khách quan của văn hóa triết học Việt Nam, nhất là ta chưa có một học thuyết, một lý luận triết học cho dân tộc Việt Nam để làm cẩm nang cho sự phát triển, mà tại thời điểm đó là giành lại độc lập - tự do cho Tổ quốc.

Sau 29 năm Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đi khắp 5 châu 4 biển, nhất là khi Đại chiến Thế giới lần thứ 2 bùng nổ và kết thúc, đã có đủ cơ sở cho Người kết luận về bước tiến lên cho dân tộc Việt Nam và loài người, nhất là cho nhân dân lao động, người nghèo đói phải làm gì? Văn hóa - Triết học - Lý luận của nó là thế nào? Và cách làm của Việt Nam để giành Độc lập - Dân chủ - Tự do phải hành động theo cách nào? Cái cốt lõi mà Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc là phải hiểu bản chất lý luận triết học của quá khứ và đương thời. (“Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hĩ” - Ôn điều cũ, biết điều mới có thể làm thầy vậy - Khổng Tử). Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận rõ triết lý của Phật giáo, của Nho giáo khá giống nhau, nhưng hành động thì khác nhau. Hai triết học này đều xuất xứ từ phương Đông, và thời gian cũng cách đây hơn 2.500 năm. Nhưng qua hơn hai thiên niên kỷ rưỡi, sự chuyển biến của loài người ở khu vực này để đạt được mục tiêu của Đức phật Thích ca và Đức Khổng tử đề ra cũng không được bao nhiêu. Người nghèo thì vẫn nghèo, người giàu thì biến đổi xoay vần theo quy luật “thịnh suy”, không ổn định, xã hội ngày càng phức tạp. “Nhân dục vô nhai” biến hóa khôn lường từ hạng người thống trị và hạng người bị trị, đổi ngôi thứ cho nhau. Hồ Chí Minh đã rút ra sự chậm chạp đó là: Nói nhiều và làm ít, mà nói lại lắm lý sự, đưa ra nhiều luận thuyết, chứng minh khó hiểu, không chỉ bằng triết học mà bằng cả toán, lý, hóa... khiến cho những người thường dân còn mù chữ, chỉ biết chắp tay cúng lạy mà thôi. Do đó, hàng nghìn năm mà cuộc sống của loài người phát triển ở phía Đông quả đất rất chậm chạp, còn phía Tây quả đất và Bắc Mỹ thì phát triển mạnh mẽ, đã đưa một phần nhân loại có cuộc sống khá hơn, nhưng cách quản lý có nhiều bất hợp lý nên tính dân chủ, công bằng về tinh thần và vật chất còn cần phải xử lý. Còn phương Đông trì trệ cả hai mặt về cả vật chất lẫn tinh thần, mà nguyên nhân chủ yếu là nói nhiều làm ít, nói dối lừa đảo người không biết để chiếm đoạt thành quả lao động phục vụ cho ít người cầm quyền quản lý đất nước và phe nhóm. Hệ quả đó càng kéo dài sự khổ cực của người nghèo. Do đó, cách giải quyết rất sáng tạo, rất quyết tâm, rất kiên nhẫn của Hồ Chí Minh là: Chỉ ra những mục tiêu rất thiết thực cho nhân dân là Hòa bình - Độc lập - Dân chủ - Tự do - Hạnh phúc cho Tổ quốc. Khi mục tiêu đã rõ là phải hành động, hành động và hành động. Không nói suông bằng những khẩu hiệu “mỹ miều - bánh vẽ”. Do đó Người ra sức làm việc, tận tụy phục vụ nhân dân đến hơi thở cuối cùng.

Chúng ta có lý luận tư tưởng Hồ Chí Minh, lại có nhiều chiến công lừng lẫy trong hai cuộc kháng chiến cứu quốc, đó là hai “sức mạnh mềm vô giá”, không phải nước nào trên thế giới có thể so sánh được. Cộng với sức mạnh vật chất là nhân dân Việt Nam cần cù lao động, tài nguyên thiên nhiên cũng là một nước trung bình khá, chỉ cần tận dụng những điều kiện thuận lợi chủ quan, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Chúng ta cần tập trung hành động thì sự thành công của Việt Nam trở thành nước giàu, nhân dân thoát nghèo, có cuộc sống ấm no hạnh phúc, chắc cũng không xa lắm!

Nhân kỷ niệm lần thứ 122 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết 4 của Trung ương khóa XI về xây dựng Đảng, chúng ta nghiêm chỉnh thực hiện lý luận tư tưởng của Người để Việt Nam sớm “sánh vai cùng cường quốc 5 châu” như mong muốn của Bác Hồ.

Đoàn Duy Thành - Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN