Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII:

Nhận diện các hành vi lãng phí

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 18/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội.

Buổi làm việc được tường thuật trực tiếp để nhân dân và cử tri quan tâm theo dõi.

* Thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014

Quốc hội đã nghe báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội.

Với 447 phiếu tán thành (chiếm 89,76%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội.

Theo đó, Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2014 của Quốc hội gồm 41 dự án, trong đó có 30 dự án Luật và 2 Nghị quyết, Pháp lệnh sẽ được thông qua, 11 dự án luật khác sẽ được Quốc hội cho ý kiến.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Ngô Thị Minh phát biểu ý kiến. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN


Trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, Nghị quyết bổ sung vào Chương trình các dự án sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 5 các dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng.

Bổ sung vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 các dự án: Luật đấu thầu (sửa đổi); Luật việc làm.

Bổ sung vào Chương trình các dự án sẽ được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 các dự án: Luật hải quan (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật đầu tư công; Luật hộ tịch. Rút khỏi Chương trình năm 2013 các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dược.

Bổ sung vào Chương trình năm 2013 dự án Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH10 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên.

Cũng theo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2014 các dự án: Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Luật về hội, Luật biểu tình, Luật trưng cầu dân ý, Luật quy hoạch, Luật đô thị, Luật tiền lương tối thiểu và Luật thú y.

Với các đề nghị này, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu, bổ sung dự án Luật tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự vào Chương trình năm 2014 để cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8. Dự án Luật quản lý ngoại thương sẽ được chuyển sang Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 để có thời gian nghiên cứu làm rõ thêm mối quan hệ với một số luật khác.

Đối với các dự án còn lại, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, đây đều là các dự án đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục soạn thảo để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình các năm tiếp theo khi đã được chuẩn bị kỹ.

* Nhận diện các hành vi lãng phí

Thảo luận về dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), các đại biểu cho rằng dự án Luật lần này đã khắc phục được khá nhiều những hạn chế của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xác định rõ hơn các hành vi vi phạm và các chế tài xử phạt các hành vi gây lãng phí, các cơ chế phát hiện điều tra thông qua việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kiểm soát chi. Song, các đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), Phạm Văn Hổ (Phú Yên), Thân Đức Nam (Đà Nẵng)…cũng cho rằng một số điều khoản trong dự thảo Luật còn chung chung, chồng chéo, tính khả thi chưa sát với thực tế.

Lấy ví dụ từ các dự án bất động sản, các nhà máy, bến cảng đang phát triển theo phong trào, các trường trung cấp, cao đẳng đang đua nhau “nâng hạng” thành trường cao đẳng, đại học, quy mô không gắn với chất lượng, không phù hợp với cung - cầu, gây lãng phí lớn, đại biểu Ngô Thị Minh cho rằng: các hành vi gây lãng phí về tiền bạc, tài sản của Nhà nước của nhân dân đang diễn ra trong thực tiễn nhưng chưa được dự thảo Luật quy định để làm rõ trách nhiệm.

Theo đại biểu, nếu Chính phủ không sớm chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, phân loại, xây dựng lại quy chế hoạt động, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân đảm trách từng mắt xích công việc, gắn với chịu trách nhiệm, đền bù thỏa đáng trong trường hợp để xảy ra hậu quả gây lãng phí tiền bạc, thời gian của Nhà nước, của nhân dân thì những quy định về các hành vi gây lãng phí trong dự thảo Luật sẽ không khả thi, khó đi vào cuộc sống.

Cùng chung quan điểm với đại biểu Ngô Thị Minh, đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận), Lê Văn Tân (Hà Nam) phân tích: hai sân bay quốc tế chỉ cách nhau 100km, có thể đi ô tô chỉ hết 2 giờ đồng hồ trong khi kinh phí bỏ ra cho xây sân bay rất tốn kém nhưng cũng chỉ khai thác được vài chuyến bay mỗi ngày. Tình trạng đua nhau thành lập trường đại học rồi không tuyển đủ chỉ tiêu, đào tạo nghề tràn lan, học sinh, sinh viên ra trường không có việc làm… cũng là một hình thức lãng phí. Hay như các lễ khởi công, hội nghị, lễ hội, festival… đã và đang được tổ chức khắp nơi, không phù hợp với mục đích, yêu cầu, gây lãng phí lớn.

“Hội chứng festival” là cách gọi của đại biểu Huỳnh Thế Kỳ khi đề cập đến các lễ hội festival du nhập vào nước ta và được bung ra tổ chức tại nhiều ngành, nhiều địa phương với sự lãng phí không đo đếm được bằng tiền. Đại biểu nhìn nhận: nhiều năm qua, các quy định, nghị quyết của Đảng, của Chính phủ đã thể hiện quyết tâm rất cao trong công tác chống lãng phí, nhiều tỉnh, thành cũng đã cụ thể hóa thành các quy chế, quy định, song, đối chiếu với thực tế, hiện trạng lãng phí hầu như không có sự thay đổi.

Nhận diện muôn mặt của sự lãng phí, đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận), Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) nhận định tiền bạc của Nhà nước đang lãng phí từng phút, từng giây, đây là vấn đề bức xúc trong toàn xã hội. “Cơ quan nhà nước phải khắc phục tình trạng cha chung không ai khóc” - đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) đề nghị.

* Luật phải khắc phục tình trạng vừa thiếu, vừa thừa, chưa đủ sức răn đe

Từ những phân tích về thực trạng và các hành vi lãng phí, các đại biểu cho rằng Luật vừa thiếu, vừa thừa, chưa đủ mạnh để răn đe, thiếu biện pháp đảm bảo thực hiện, một số nội dung trùng với nhiều Luật khác, thậm chí có điều khoản quy định không đúng. Đại biểu Phạm Văn Hổ (Phú Yên) băn khoăn: Chính phủ nhận định nguyên nhân của tình trạng lãng phí chủ yếu do công tác tổ chức chưa tốt nhưng dự thảo Luật lần này lại chưa đưa ra được những giải pháp hữu hiệu, chưa có sự phân tích đánh giá sâu sát. “Quan điểm chỉ đạo sửa đổi Luật là sửa đổi các nội dung theo hướng gia tăng quy định về cơ chế, giải pháp, cụ thể hóa các quy trình về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhằm tăng tính hiệu lực của Luật, nhưng quan điểm này chưa được nhất quán” – đại biểu nói.

Nhiều đại biểu đề nghị cần tập trung quy định các hành vi thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong việc sử dụng quản lý ngân sách nhà nước, tài sản, tài nguyên, trong sử dụng lao động, thời gian lao động... Theo đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội), luật cần bổ sung cơ chế, chế tài để phòng lãng phí và chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công, nhân lực công.

Quan tâm đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài nguyên, đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) nêu rõ: Nguồn tài nguyên quốc gia không phải là vô hạn. Hiện nay cử tri và nhân dân cả nước đang rất bức xúc về việc khai thác rừng bừa bãi, lâm tặc lộng hành, khai thác cát tràn lan trên các sông ngòi... Bên cạnh đó có nhiều loại tài nguyên không thể tái tạo được như than, dầu thô, kim loại..., dự án luật chỉ quy định quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả là chưa đầy đủ.

Đại biểu đề nghị việc quy định việc xây dựng, quy hoạch, kế hoạch quản lý khai thác sử dụng phải tính đến hiệu quả lâu dài, bền vững, hạn chế quản lý sử dụng có lợi ích thấp, ngắn hạn, lãng phí nguồn lực cho tương lai, ảnh hướng môi trường và sự bình yên cho cuộc sống của người dân.

Các đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận), Thân Đức Nam (Đà Nẵng), Trần Hồng Thắm (Cần Thơ), Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề nghị cần có cơ chế phát hiện, tố giác các hành vi lãng phí và trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức trong kiểm tra, xử lý sai phạm, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý công khai kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Khẳng định thời gian qua, các cơ quan báo chí đóng vai trò đắc lực trong việc phát hiện, phòng chống tham nhũng, lãng phí, nhiều đại biểu đề nghị dự thảo Luật quy định cơ quan báo chí có quyền và trách nhiệm giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm phản hồi lại ý kiến báo chí đã phản ánh về tham nhũng.

Dự kiến, dự án luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vào cuối năm nay.


Thanh Vân - Phúc Hằng



Khẳng định chế độ sở hữu toàn dân  đối với đất đai
Khẳng định chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai

Ngày 17/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nội dung quan trọng này được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN