Người dân cần được chăm sóc như có bác sĩ riêng

Ngày 10/12, làm việc tại Phú Thọ về công tác y tế cơ sở, dự phòng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tỉnh cần quyết tâm, phát huy sáng tạo, xây dựng, triển khai cơ chế chăm sóc sức khoẻ để mỗi người dân như có bác sĩ riêng.

Trước khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, ngành y tế Phú Thọ, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Phó Thủ tướng đã đến thăm, khảo sát trạm y tế xã Yên Tập (huyện Cẩm Khê), Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Khê.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng cho rằng những năm qua Phú Thọ rất mạnh dạn, sáng tạo tìm mọi phương thức đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, thu hút nhân lực y tế chất lượng cao cho các cơ sở khám chữa bệnh, đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, để có một mô hình hệ thống y tế hoàn chỉnh, Phú Thọ cần dành nguồn lực, đầu tư mạnh mẽ cho y tế cơ sở, dự phòng.

Phó Thủ tướng trò chuyện với người dân tại Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Khê. Ảnh: baochinhphu.vn

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh, y tế sơ sở là rễ, là gốc nhưng vì những điều kiện khác nhau, vì nhiều sức ép trước mắt về điều trị nên những năm qua y tế cơ sở, dự phòng chưa được quan tâm, đánh giá đúng vai trò. Vì vậy, dù sức khỏe của người dân Việt Nam được cải thiện nhiều nhưng tỷ lệ thấp còi, suy dinh dưỡng còn rất cao; gánh nặng điều trị bệnh mãn tính, bệnh không lây nhiễm rất lớn”, Phó Thủ tướng phân tích.

“Bài toán đặt ra là làm sao để 100% người dân Phú Thọ có thẻ bảo hiểm y tế (hiện là trên 85%); tỷ lệ chi từ quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) cho y tế cơ sở phải tăng lên (hiện mới đạt khoảng 30%) và nhất là để mỗi người dân đều được chăm sóc sức khỏe như có bác sĩ riêng”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Qua những ý kiến trong cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trạm y tế xã/phường đã được quy định chức năng, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý sức khỏe, lập hồ sơ cho từng người dân trên địa bàn. Tuy nhiên đây là nhiệm vụ chúng ta chưa hoàn thành và phải làm.

Để thực hiện được, Phó Thủ tướng cho rằng những năm qua đã ngành y tế, bảo hiểm xã hội đã có những bước chuẩn bị. Về tổ chức, việc chuyển trạm y tế xã/phường về trực thuộc trung tâm y tế huyện cho phép điều động, luân chuyển bác sĩ có đủ trình độ để chăm sóc, theo dõi sức khỏe ban đầu cho từng người dân.

Cùng với đó, để mở rộng BHYT cần phải làm cho người dân thấy được ích lợi của thẻ BHYT ngay từ việc được khám sức khỏe định kỳ, tư vấn, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, được giới thiệu đến đi chuyên khoa nào, lên bệnh viện nào, thậm chí bác sĩ nào để chữa bệnh.

Vấn đề cuối cùng là cần có cơ chế để sử dụng nguồn kinh phí từ quỹ BHYT dành cho các hoạt động chăm sóc ban đầu, tư vấn, lập hồ sơ sức khỏe cho người dân để không chỉ người dân được hưởng thụ lợi ích mà cán bộ y tế cơ sở cũng tăng thêm thu nhập, nâng cao trình độ chuyên môn, gắn bó hơn với công việc.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết dự thảo nghị định mới về phân bổ quỹ BHYT sẽ hướng nhiều hơn về y tế cơ sở. Theo đó, kinh phí BHYT sẽ được sử dụng để trạm y tế xã/phường khám định kỳ, lập hồ sơ sức khỏe điện tử và tích hợp vào thẻ an sinh xã hội.

Phó Thủ tướng cho rằng Phú Thọ nên là tỉnh đi đầu trong thực hiện cơ chế dành cho y tế cơ sở để người dân được theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện như có bác sĩ riêng.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Minh Châu cam kết sẽ triển khai trong thời gian sớm nhất, tiến tới mở rộng đến tất cả các xã/phường trên địa bàn để hơn 1,3 triệu người dân đều được thụ hưởng.

TTXVN/Tin Tức
Y tế dự phòng góp phần đưa y học Việt Nam tiếp cận với thế giới
Y tế dự phòng góp phần đưa y học Việt Nam tiếp cận với thế giới

Chiều 5/12, Bộ Y tế tổ chức kỷ niệm “60 năm Y tế dự phòng đổi mới và phát triển” (1956- 2016) nhằm ghi nhận các thành tựu, vinh danh các đơn vị, cá nhân đạt thành tích trong 60 năm đổi mới và phát triển của y tế dự phòng Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN