Nghệ An cần đổi mới mạnh mẽ tư duy trong phát triển kinh tế-xã hội

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương chiều 15/8 đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết 26 và tình hình kinh tế-xã hội 7 tháng đầu năm 2016 của tỉnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Với truyền thống lịch sử hào hùng, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, có vị trí chiến lược nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, Nghệ An vinh dự được Bộ Chính trị ban hành riêng Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng nhiệm vụ phát triển Nghệ An đến 2020.

Chiều 15/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết 26 và tình hình kinh tế-xã hội 7 tháng đầu năm 2016 của tỉnh. Trên cơ sở định hướng của Bộ Chính trị, phấn đấu đến năm 2020, Nghệ An cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển; nỗ lực phấn đấu, quyết tâm đưa Nghệ An trở thành một tỉnh khá như mong muốn của Bác Hồ và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển chung của cả nước.

* Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng

Là tỉnh rộng nhất cả nước, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 26, cơ cấu kinh tế của Nghệ An đang có những bước chuyển dịch đúng hướng với tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng tăng từ 29,2% năm 2013 lên 31,69% năm 2016; khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 28,68% xuống 26,46%, nhưng lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế của tỉnh này là dịch vụ với mức 41,86%. 

Thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 1,4 lần so với 2013. Nghệ An là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới với 114 xã đạt 19/19 tiêu chí. Điểm sáng và cũng là truyền thống quý báu của Nghệ An còn nằm ở lĩnh vực giáo dục với nhiều hoạt động đổi mới trong chăm lo chất lượng học sinh giỏi và giáo dục đại trà. Nghệ An là tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước về học sinh giỏi và học sinh thi đỗ đại học đạt điểm cao.

Khó khăn lớn nhất của Nghệ An được nhiều đại biểu nhắc đến tại buổi làm việc là thực trạng nguồn lao động lớn nhưng chủ yếu là lao động cấp thấp, khó đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư. Mặc dù đất đai rộng lớn nhưng lại dàn trải, phân tán dẫn đến hạn chế phát triển nông nghiệp tập trung, quy mô lớn. 

Các ý kiến tại buổi làm việc đề nghị Nghệ An đẩy mạnh xã hội hóa, nhất là những lĩnh vực có đông biên chế, đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Tỉnh cần khai thác, tận dụng tốt lợi thế về địa lý, điều kiện tự nhiên, tài nguyên đất đai và tiềm năng con người; ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng, nhất là cảng biển, sân bay để mở rộng thu hút đầu tư.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng và các bộ, ngành Trung ương đã lắng nghe và trực tiếp chỉ đạo giải đáp một số vướng mắc của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang có hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

* Không nóng vội nhưng cũng không chậm trễ

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần xác định hướng đi bền vững, hiệu quả hơn để Nghệ An phát triển mạnh mẽ hơn nữa theo tinh thần Nghị quyết 26, đạt được mục tiêu trở thành trung tâm khu vực Bắc Trung bộ. Phát triển Nghệ An không nóng vội nhưng cũng không được chậm trễ, Thủ tướng nói.

Điểm lại một số chương trình, dự án kinh tế-xã hội được triển khai hiệu quả tại Nghệ An thời gian qua trên nhiều lĩnh vực, Thủ tướng cho rằng, thành tựu trong xây dựng nông thôn mới tại Nghệ An là rất đáng biểu dương, góp phần nâng cao đời sống của người nông dân cả về vật chất và tinh thần, không ngừng đổi mới bộ mặt nông thôn. 

Khối đại đoàn kết toàn dân được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Nghệ An cũng bước đầu làm tốt việc chuyển dịch nền hành chính theo hướng phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng đánh giá.

Đề cập đến những hạn chế của địa phương, Thủ tướng nhận xét, việc tổ chức thực hiện Nghị Quyết 26 của Bộ Chính trị mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng còn chậm, chưa quyết liệt. Nghệ An chưa trở thành một tỉnh khá, thu nhập bình quân đầu người vẫn còn thấp hơn so với trung bình của cả nước. 

Tỉnh cũng chưa có những đột phá lớn trong phát triển kinh tế-xã hội; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn nhiều vấn đề phải hoàn thiện. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là khu vực phía Tây. Năng lực cạnh tranh của tỉnh còn thấp; chi phí hành chính của doanh nghiệp còn cao, Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình kinh tế của gia đình ông Nguyễn Tuấn Anh, xóm 8, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền Nghệ An đổi mới tư duy, phát huy tốt hơn tiềm năng thế mạnh của địa phương; không ngừng đa dạng hóa mô hình phát triển; chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại, bao cấp, phi thị trường. Nghệ An phải đa dạng hóa nguồn lực phục vụ phát triển, nhất là từ khối kinh tế tư nhân; bên cạnh đó, xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa nhất là đối với các đơn vị sự nghiệp công, Thủ tướng chỉ đạo.

Lưu ý trong quá trình phát triển, Nghệ An phải hết sức lưu ý đến công tác bảo vệ môi trường, kiên quyết bảo vệ rừng, Thủ tướng yêu cầu địa phương gắn phát triển kinh tế với đảm bảo các vấn đề xã hội; coi sự việc Formosa là bài học lớn để tăng cường rà soát, kiểm tra, đảm bảo không xảy ra hành vi xâm hại môi trường tại địa bàn.

Để đạt được các mục tiêu này, Thủ tướng căn dặn Đảng bộ tỉnh cần nâng cao năng lực, phẩm chất cán bộ, đảng viên trong cả hệ thống chính trị với tầm nhìn phát triển đúng đắn, phù hợp, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Thủ tướng cũng mong muốn Nghệ An thực hiện tốt các Nghị quyết: 01, 19 và 35 của Chính phủ về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. 

Chính quyền đồng hành với doanh nghiệp và nhân dân để kịp thời tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ tăng trưởng. Thủ tướng cũng dặn dò địa phương chú trọng giữ vững ổn định chính trị xã hội, gìn giữ khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo; phấn đấu, nỗ lực cao nhất để hoàn thành vượt mức nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2016, góp phần vào thành tựu chung của cả nước.

* Thăm xã nông thôn mới Nam Giang

Nhân dịp công tác tại Nghệ An, sáng 15/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác đã đến thăm xã nông thôn mới Nam Giang, huyện Nam Đàn và thăm một số công trình trên địa bàn tỉnh.

Là xã trọng điểm du lịch của huyện Nam Đàn, song song với việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, Nam Giang tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp như sản xuất sản phẩm mây tre đan, tranh đá. Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, xã Nam Giang đã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới từ năm 2014 và đến nay, phong trào xây dựng nông thôn mới được duy trì thường xuyên, thực chất. Trước khi đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người của xã là 25 triệu đồng. Con số này đã tăng lên 34 triệu đồng vào năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh chỉ còn 3,5% năm 2015.

Phát biểu với người dân xã Nam Giang, Thủ tướng biểu dương xã có tiến bộ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Người dân đã thấu hiểu, ủng hộ chủ trương này, tự nguyện hiến đất, góp ngày công xây dựng cơ sở vật chất trên địa bàn. Thủ tướng vui mừng nhận thấy đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. 

Góp ý vào việc xây dựng nông thôn mới của xã, Thủ tướng nêu rõ, bên cạnh các yếu tố về cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là xây dựng đời sống vật chất và tinh thần của người dân tốt hơn. Do đó, cấp ủy, chính quyền và người dân trong xã cần bám sát mục tiêu này. Thủ tướng cho rằng, việc cần làm sắp tới là tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với thị trường và có quy mô tập trung, tạo giá trị gia tăng cao.

Thủ tướng cũng lưu ý bộ máy chính quyền và tổ chức chính trị trên địa bàn cần tuyên truyền để người dân hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, phát huy truyền thống quý báu của địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chính quyền phải hướng về nhân dân, gần gũi, phục vụ nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, để nhân dân tin tưởng, Thủ tướng nói.

Thủ tướng đã đến thăm mô hình trang trại của ông Nguyễn Tuấn Anh, sinh năm 1964 tại Nam Giang. Với diện tích khoảng 6 héc ta, trang trại có nhiều loại cây trồng có khả năng chịu hạn, trong đó chủ yếu là trồng chanh, cho sản lượng 60 tấn chanh/năm, doanh thu cao nhất khoảng 1,2 tỷ đồng/năm.

Cũng trong sáng 15/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm và khảo sát tiến độ triển khai Dự án Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Khởi công từ tháng 9 năm 2015, VSIP Nghệ An là một dự án trọng điểm được kỳ vọng sẽ tạo ra một cú đột phá lớn cho phát triển công nghiệp của tỉnh. Thủ tướng cũng đã tới thị sát Dự án đầu tư Cảng biển Vissai do Công ty cổ phần xi măng Sông Lam (Tập đoàn xi măng The Vissai) làm chủ đầu tư, được thực hiện tại xã Nghi Thiết (Nghi Lộc).

Tại các điểm đến thăm, Thủ tướng yêu cầu nhà đầu tư, các cơ quan liên quan chú ý bảo đảm chất lượng, tiến độ, sớm đưa các dự án vào sử dụng để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như khu vực.

Quang Vũ – Văn Nhật (TTXVN)
Thủ tướng dự chương trình "Truông Bồn – Bản hùng ca bất tử"
Thủ tướng dự chương trình "Truông Bồn – Bản hùng ca bất tử"

Chương trình nghệ thuật đặc sắc mang tên "Truông Bồn – Bản hùng ca bất tử" đã diễn ra tại khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) tối 14/8.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN