56 ngày đêm Chiến dịch Điện Biên Phủ:

Ngày 21/4/1954: Ban Bí thư Trung ương Đảng gửi thư cho đồng chí Võ Nguyên Giáp

Sau khi Bộ Chính trị ra Nghị quyết về tiếp tục thấu triệt phương châm "đánh chắc, tiến chắc" để giành toàn thắng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 21/4/1954, Ban Bí thư Trung ương Đảng gửi thư cho đồng chí Võ Nguyên Giáp.

Chú thích ảnh
Bộ chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh. Với cách đánh “đánh chắc, tiến chắc”, quân ta thực hiện “vây lấn” Tập đoàn cứ điểm từ ngoài vào trong, lần lượt tiêu diệt từng cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trong thư, Bộ Chính trị đã đồng ý với nhận định của đồng chí Võ Nguyên Giáp về kết quả hai đợt tấn công của quân ta vừa qua và kế hoạch chuẩn bị hiện nay. Trong khi đó, bộ đội ta tiếp tục siết chặt vòng vây, đào hào vây lấn cứ điểm 206.

Thư của Ban Bí thư Trung ương Đảng gửi đồng chí Võ Nguyên Giáp

“Ngày 19/4/1954, Bộ Chính trị đã họp nghe đồng chí Hoàng Tùng báo cáo về đợt tấn công thứ hai và kế hoạch chuẩn bị tác chiến hiện nay. Bộ Chính trị đồng ý với nhận định của đồng chí Võ Nguyên Giáp về kết quả hai đợt tấn công của quân ta vừa qua và kế hoạch chuẩn bị hiện nay.

Bộ Chính trị nhắc đồng chí Võ Nguyên Giáp chú ý mấy điểm sau: vì địch cũng nhận rõ sự quan trọng của trận này, nhất là bọn can thiệp Mỹ ra sức thúc đẩy, nên chúng tiếp tục cố gắng đối phó. Chúng có thể: Rút kinh nghiệm chống giữ đồi A1 mà tổ chức chống giữ ở khu trung tâm; Tập trung hơn nữa máy bay và trọng pháo phá trận địa ta; Ra sức phá hoại đường tiếp tế của ta một cách có trọng điềm.

Mục đích của chúng là cố giữ đến mùa mưa, cho rằng lúc đó quân ta phải rút vì không khắc phục được những khó khăn về cung cấp. Và nếu chúng tập trung được đủ máy bay và quân nhảy dù thì khi cần, chúng có thể nhảy dù ở sau trận địa ta hoặc ở một điểm nào có thể giữ trên tuyến cung cấp của ta hòng cứu nguy cho chúng.

Nhiệm vụ trước mắt của ta là một mặt củng cố quyết tâm giành toàn thắng của quân đội, nhất là của cán bộ các cấp, nắm vững phương châm “đánh chắc tiến chắc”; mặt khác đảm bảo cung cấp cho tiền tuyến.

Bộ Chính trị đã đôn đốc Hội đồng cung cấp và các khu, các tỉnh thực hiện việc động viên nhân lực, vật lực phục vụ chiến dịch. Đã phái đồng chí Trân đi mặt trận, đồng chí Dũng đi Khu IV, đồng chí Thanh đi Việt Bắc để kiểm tra, đôn đốc. Ở nhà, đồng chí Lương lo đôn đốc chung. Đồng chí nhớ báo cáo hằng ngày về Trung ương kết quả việc vận chuyển lương thực và đạn dược lên hỏa tuyến.

Bộ Chính trị cũng đồng ý với kế hoạch xây dựng quân đội theo ý kiến các đồng chí. Đã giao đồng chí Thanh, đồng chí Dũng thi hành ngay những việc cần thiết, đồng thời cùng nghiên cứu thêm một vài vấn đề có liên quan.

Bộ Chính trị còn gửi kèm Nghị quyết vắn tắt kèm theo thư để đồng chí Võ Nguyên Giáp phổ biến cho toàn thể cán bộ và đảng viên nhận rõ quyết tâm của Trung ương Đảng, ra sức hoàn thành nhiệm vụ.” (1)

Đảm bảo cung cấp cho tiền tuyến

Chú thích ảnh
21.000 xe đạp thồ, 261.500 dân công cùng các loại ô tô, tàu, thuyền, lừa, ngựa… ngày đêm vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược lên mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN

“Sau khi có Nghị quyết ngày 19/4/1954 của Bộ Chính trị, các đồng chí chủ trì các Tổng cục cùng nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương khác đã được Bộ Chính trị và Ban Bí thư phân công về các địa phương, từ Liên khu Việt Bắc đến các liên khu 3, 4 đôn đốc việc huy động sức người, sức của chi viện cho chiến trường trọng điểm Điện Biên Phủ.

Trong một cuộc họp của Tỉnh ủy Thanh Hoá, đồng chí Văn Tiến Dũng đã nói: Các chiến sĩ Điện Biên Phủ không ngại hy sinh xương máu để tiêu diệt quân địch và đã hứa quyết tâm thực hiện bằng được nhiệm vụ Trung ương giao cho. Chiến dịch đương đà thắng lợi. Chúng ta không thể để bộ đội đói vì thiếu lương thực mà không hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trung ương Đảng đã quyết định tập trung mọi khả năng dốc ra tiền tuyến để giành toàn thắng trong chiến dịch này. Các đồng chí hãy quyết tâm cùng với Trung ương cùng với bộ đội anh dũng của chúng ta tại Điện Biên Phủ khắc phục mọi khó khăn để chiến thắng quân địch...

Đáp lời kêu gọi của Trung ương Đảng, các khu, các tỉnh đã động viên nhân dân địa phương chạy đua với thời gian, với mưa lũ, bảo đảm mọi nhu cầu cho bộ đội ngoài mặt trận. Hàng trăm cán bộ đang dự lớp tập huấn cải cách ruộng đất cũng được lệnh tạm ngừng chương trình học tập, cấp tốc lên đường đi phục vụ tiền tuyến.

Địch ra sức đánh phá các tuyến đường tiếp tế của ta, nhưng chính chúng cũng phải thú nhận rằng mạch máu tiếp tế từ hậu phương ra không bao giờ ngừng chảy. Các đoàn dân công, những đoàn xe vận tải nườm nượp trên đường ra mặt trận.

Cùng với việc chỉ đạo tiếp nhận, bảo quản và sử dụng tốt nguồn tiếp tế của hậu phương, Đảng ủy mặt trận đã chỉ đạo cơ quan hậu cần triệt để khai thác nguồn tiếp tế tại chỗ. Dưới sự chỉ đạo và tổ chức của các đồng chí Bằng Giang và Nguyễn Văn Nam, một tuyến vận tải đường thủy đã được khai thông.

Hơn một trăm thác trên dòng sông Nậm Na đã bị phá. Dòng sông hung dữ đã chịu khuất phục trước tinh thần dũng cảm của các chiến sĩ công binh mà tiêu biểu là anh hùng Phan Tư và đồng đội của anh. Trên dòng sông Nậm Na, hơn 10.000 chiếc mảng đã chở trên một nghìn tấn gạo từ bản Nậm Cúm xuống Lai Châu để chuyển tiếp về Tuần Giáo - Điện Biên.

Để bình thường hoá sinh hoạt và giữ vững sức khoẻ của bộ đội, nhất là trong những ngày công tác hậu cần tiếp tế khó khăn, các đồng chí lãnh đạo các đơn vị đã chủ động tìm mọi biện pháp để cải thiện bữa ăn của bộ đội. Ở Đại đoàn 316, anh em đã kiếm được hàng nghìn hoa chuối rừng thay rau; đã đào hàng chục tấn củ mài. Đại đoàn 316 còn cho người về hậu phương đánh từng đàn bò lên để có thịt tươi cho bộ đội.

Chỉ trong một thời gian ngắn, các chiến sĩ Đại đoàn 312 đã đào được 62 tấn củ mài, đánh được 12 tấn cá, kiếm được 36 tấn rau các loại. Đại đoàn 312 còn tổ chức một đoàn xe thồ mua vật phẩm từ hậu phương ra cho bộ đội.

Đại đoàn 351 làm thịt ướp ở hậu phương và chuyển lên cho các đơn vị được hơn 100 tấn. Nhiều đơn vị ngâm giá để bữa ăn của bộ đội luôn chủ động có chất tươi. Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) có thời kỳ trung bình mỗi ngày một chiến sĩ có 150 gam giá.

Sinh hoạt của cơ quan tiền phương cũng có những ngày khó khăn. Các đồng chí cán bộ quản lý đã có nhiều cố gắng, lên các vùng cao mua rau, gà, vịt, vào tận Khu IV mua thực phẩm khô để cải thiện bữa ăn cho anh em bộ đội.

Nói chung, tất cả các đơn vị đều tổ chức trồng rau, kiếm rau rừng, ngâm giá, tổ chức mua rau và thịt, tổ chức tiếp tế thuốc hút, đường kẹo, thuốc đánh răng, xà phòng cho bộ đội.

Được sự chi viện kịp thời và vô cùng to lớn của hậu phương, cùng quyết tâm vượt mọi khó khăn của các cán bộ chỉ huy các cấp, các ngành, những khó khăn về hậu cần, tiếp tế đã được khắc phục. Công tác chuẩn bị mọi mặt cho đợt tiến công thứ ba được tiến hành chu đáo. Đời sống của bộ đội trong chiến hào được cải thiện đến mức bình thường hoá, sức khoẻ bộ đội được hồi phục, các kho đạn, kho gạo đã đầy đủ sung túc, bảo đảm cho chiến dịch kéo dài đến hết tháng 5. Tân binh mới bổ sung, được huấn luyện tốt và thử thách ngay sát vị trí địch, đã trưởng thành nhanh chóng ngay trong phong trào đánh lấn, bắn tỉa… Mọi người sẵn sàng bước vào đợt chiến đấu mới với niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng của chiến dịch lịch sử vĩ đại.

Như sau này địch thú nhận, trong cuộc đấu trí đấu lực toàn diện vào mấy tuần cuối tháng 4, phần thắng đã thuộc về đối phương. Tướng De Castries (Đờ Cát) đã phải nhận xét rằng, chính trong những ngày đó, quân ta đã làm cho binh lính dưới quyền chỉ huy của hắn ở vào tình thế không còn chịu đựng nổi và tập đoàn cứ điểm không thể không bị tiêu diệt.” (2)

Bộ đội ta tiếp tục siết chặt vòng vây, đào hào vây lấn cứ điểm 206

Chú thích ảnh
Ngày 22/4/1954, quân ta bất ngờ tấn công vị trí 206 và tiêu diệt hoàn toàn vị trí này, đây là vị trí cuối cùng ở phía Tây sân bay Mường Thanh. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Tại cứ điểm 206, “ban ngày, các chiến hào của ta vẫn không ngừng bò vào gần địch hơn. Bây giờ, các chiến sĩ ta không đào trườn như trước nữa mà đổi cách gọi là đào dũi kết hợp với đào đường ngầm.

Các chiến sĩ khoét những đoạn đường hào ngầm dưới đất, vừa để tránh lựu đạn, vừa để giữ bí mật, khi đào được từng quãng lại đánh sập xuống, ngụy trang ngay rồi lại đào lấn vào nữa. Cuối cùng, ngăn cách giữa quân ta và quân địch ở cứ điểm 206 chỉ còn có một lớp rào mỏng tanh. Chỉ cần phá nốt hàng rào trước mặt là chiến sĩ ta có thể nhảy ngay được vào cứ điểm 206.

Đến đêm ngày 21/4/1954, ở cả ba mặt, các đầu hào của bộ đội ta đều đã chạm gần hàng rào dây thép gai cuối cùng của cứ điểm 206. Các đơn vị đào trận địa được lệnh ngừng không đào nữa và tìm cách bí mật phá nốt hàng rào dây thép gai, tạo sẵn những cửa mở để khi có lệnh công kích là nhảy khỏi chiến hào xông ngay vào cứ điểm địch.

Tại đại đội do đồng chí Ngô Văn Dậu chỉ huy, chiến sĩ Phê đã bỏ hết quần áo, trát bùn đầy người, rồi mang kìm bò lên cắt dây thép gai ngay trước miệng lỗ châu mai của kẻ địch. Phép màu của đồng chí Phê về sau được anh em chiến sĩ gọi đùa là phép "Quỷ dạ xoa". (3)

Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ

Chú thích ảnh
Kết thúc chiến dịch, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng của địch. Ảnh tư liệu: TTXVN

“Tại Phú Yên, ngày 21/4/1954, trong trận đánh địch ở Suối Cối, Tiểu đoàn 365 đã diệt gọn Tiểu đoàn ngự lâm quân số 1, bắt sống hơn 200 tù binh. Sau những thắng lợi mở đầu này, các Tiểu đoàn 365 và 375 tiếp tục tiến sâu về phía Tuy Hòa phối hợp cùng các lực lượng tại chỗ đánh mạnh vào các trục đường số 1, 6 và 7.

Cũng trong ngày 21/4/1954, bộ đội ta tập kích Bàu Nham tiêu diệt 1 tiểu đoàn ngụy và phát triển tiến công tiêu diệt hai tiểu đoàn khác ở khu vực cầu Bàn Thạch...

Để đối phó với các hoạt động của bộ đội ta trên hướng Phú Yên, Bộ Chỉ huy quân Pháp cuối cùng buộc phải rút binh đoàn cơ động số 41 từ Diêu Trì (Bình Định) trở về phòng thủ Tuy Hòa. Phạm vi chiếm đóng của chúng ở Phú Yên tới đây cũng buộc phải co hẹp lại tập trung thành bốn cụm lớn: La Hai, Sông Cầu, Chí Thạnh và Tuy Hòa.

Trên hướng đường số 19, cuộc đọ sức giữa ta và địch diễn ra khẩn trương, sôi động. Mặc dù địch đã tập trung tới ba binh đoàn cơ động cố mở thông đường, nhưng trong suốt đợt hai của chiến dịch, tuyến đường quan trọng này vẫn thường xuyên bị ta cắt đứt và uy hiếp mạnh.” (4)

Mặt trận Lào Ítxala gửi thư đến các cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân công Việt Nam ở mặt trận Điện Biên Phủ

Chú thích ảnh
Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Nhận được tin thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 21/4/1954, Mặt trận Lào Ítxala gửi thư đến các cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân công Việt Nam ở mặt trận Điện Biên Phủ.

Bức thư viết: “Nhận được tin thắng trận dồn dập của các bạn ở mặt trận Điện Biên Phủ, Trung ương Mặt trận chúng tôi cùng với toàn thể nhân dân Pathét Lào rất lấy làm sung sướng và phấn khởi. Các bạn đã góp phần lớn lao vào việc tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch và phá tan kế hoạch Nava của đế quốc Pháp-Mỹ, không những riêng ở Việt Nam mà còn ở toàn Đông Dương. Chúng tôi thay mặt nhân dân Pathét Lào tỏ lòng nhiệt liệt hoan hô những thắng lợi lớn lao ấy và tin rằng các bạn sẽ thu được nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa.

Nhân dân Pathét Lào hứa với các bạn sẽ nỗ lực noi gương anh dũng chiến đấu, khắc phục khó khăn và chịu đựng gian khổ của các bạn để kề vai sát cánh ngày một thêm chặt chẽ với hai dân tộc bạn chí thiết của mình là Việt Nam và Khơme, cùng nhau đánh bại kẻ thù chung là thực dân Pháp, can thiệp Mỹ và bè lũ tay sai của chúng, giành lại độc lập và hòa bình cho ba dân tộc Việt-Miên-Lào”. (5)

[Nguồn: TTXVN;
(1) Những tài liệu chỉ đạo các chiến dịch, Bộ Tổng tham mưu xuất bản, 1963, tập  VI, tr. 235-236 (Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984, tr. 131, 132);
(2) Đại tướng Hoàng Văn Thái: Tổng tập, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 90, 91;
(3) Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ký sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tập 2, tr. 157- 159
(4) Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sự kiện - Con số, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tr. 92, 93;
(5) Báo Nhân Dân số 182, ngày 6 - 8/5/1954, trang 1].

Hoàng Yến/TTXVN (tổng hợp)
Tái hiện đoàn quân xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Tái hiện đoàn quân xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài từ ngày 13/3 - 7/5/1954, hơn 2 vạn dân công hỏa tuyến với những chiếc xe đạp thồ thô sơ đã khiến địch bất ngờ. Bằng ý chí quyết tâm, mỗi dân công đã vận chuyển hàng trăm kg hàng hóa, đạn dược trên chiếc xe thồ vào chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu. Đoàn quân xe đạp thồ huyền thoại sẽ được tái hiện lại trong lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN