Ngày 15/4, Việt Nam chỉ ghi nhận thêm 1 ca mắc COVID19, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 ít nhất đến 22/4

Theo Bộ Y tế, ngày 15/4, Việt Nam chỉ ghi nhận thêm một ca mới mắc dịch bệnh COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 267 trường hợp; trong đó bao gồm 160 người từ nước ngoài (chiếm 59,9%) và 107 người lây nhiễm trong cộng đồng (chiếm 40,1%).

Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 68.049 trường hợp, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 471; cách ly tập trung tại cơ sở khác 11.413; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 56.165 trường hợp.

Cũng trong ngày 15/4 có 2 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là BN145 tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ; BN235 tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh).

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng ít nhất đến 22/4

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 ngày 15/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hiện trong dư luận có một số ý kiến về việc tiếp tục kéo dài thực hiện cách ly xã hội trong một thời gian nữa và cũng có ý kiến mong chờ “tháo ngòi” Chỉ thị 16 để tiếp tục làm ăn.

Chú thích ảnh
Y, bác sĩ cần mẫn làm việc trong phòng xét nghiệm. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN.

Nhấn mạnh việc đưa ra chủ trương, biện pháp, lộ trình, Thủ tướng cho rằng, sự bình tĩnh, chặt chẽ là hết sức quan trọng lúc này. Không được sai lầm để dịch bệnh quay lại nước ta. Mọi ý kiến đều phải tính toán, cân nhắc.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia, từ ngày 1-14/4/2020, Việt Nam ghi nhận thêm 59 trường hợp mắc mới (chỉ bằng 40% so với 2 tuần trước đó), trong đó có 30 trường hợp tại khu cách ly và 29 trường hợp tại cộng đồng (chiếm gần 50% tổng số mắc).

Trong 14 ngày vừa qua kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng về thực hiện cách ly xã hội, 3 ngày đầu tiên (từ 1-3/4) ghi nhận 30 trường hợp mắc mới, sau đó chỉ ghi nhận số mắc mới trong khoảng từ 1-5 trường hợp mỗi ngày.

Đáng lưu ý, ghi nhận ổ dịch mới tại thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội với 12 trường hợp mắc (2 trường hợp được phát hiện trong khu vực khoanh vùng, cách ly tại thôn Hạ Lôi), dự báo trong những ngày tới có thể ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới tại cộng đồng, đặc biệt tại một số tỉnh có nguy cơ cao, thuộc khu vực đô thị có mật độ dân cư đông.

Thủ tướng bày tỏ trân trọng cảm ơn toàn dân đã khắc phục khó khăn, ủng hộ, thực hiện nghiêm chủ trương cách ly toàn xã hội; biểu dương những tấm lòng nhân ái, tấm gương người tốt việc tốt trong phòng chống dịch; đánh giá cao sự đóng góp của các nhà khoa học, nhà hảo tâm cũng như các cấp, các ngành, địa phương, loại hình doanh nghiệp trong phòng chống dịch cũng như bảm đảm sản xuất, kinh doanh để có mức tăng trưởng trong quý I.

Mặc dù đạt được thành tích nhất định, nhưng trên thế giới, dịch bệnh vẫn hoành hành, số người nhiễm và tử vong tăng cao; trong nước tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong xã hội. Thủ tướng nêu rõ, chúng ta không được lơi lỏng, chủ quan, không được phép lơ là, mất cảnh giác. Nhấn mạnh tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Nếu làm điều gì khinh suất, bị động, sẽ xóa đi thành quả to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong thời gian qua.

Tuy nhiên, cũng cần có biện pháp thận trọng, phù hợp để từng bước đưa nhịp sống trở lại. Thủ tướng nêu rõ, sẽ có Chỉ thị mới để triển khai các chủ trương, biện pháp cụ thể. Chiến lược phòng, chống dịch hiệu quả và bền vững dựa trên cơ sở duy trì được sự liên tục của hoạt động kinh tế ở mức độ nhất định, chuẩn bị khởi động lại nền kinh tế trên cơ sở chống dịch thành công.

Chú thích ảnh
Các công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập trên đất nước Hàn Quốc về khu cách ly tại địa điểm cách ly tập trung tại Trung đoàn T14, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Kiên định các chiến lược đề ra là ngăn chặn, phát hiện nhanh, cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để và điều trị hiệu quả với mục tiêu bao trùm là kiềm chế, kiểm soát tốc độ lây nhiễm ở mức thấp nhất, hạn chế tử vong, đồng thời giảm thiểu tác động đến kinh tế - xã hội. Trong chỉ đạo, cần từng bước giảm dần các biện pháp giãn cách xã hội một cách thận trọng, đồng bộ, có bước đi phù hợp với hoàn cảnh của mỗi tỉnh, thành phố, mỗi địa phương, để vừa phòng chống dịch hiệu quả tích cực, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Với tinh thần đó, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia về phân loại nguy cơ dịch bệnh giữa các địa phương dựa trên một số tiêu chí như các phân tích dịch tễ học, tình hình dịch bệnh hiện nay, khả năng ứng phó, đặc điểm dân số, giao thông, có nhiều người nước ngoài đến, có nhiều ca lây nhiễm…

Tiếp tục kéo dài chính sách kiểm soát xuất nhập cảnh như hiện nay cho đến 30/4. Xem xét giải quyết cho những người Việt Nam ở nước ngoài có yêu cầu cấp thiết và hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về nước. Duy trì cách ly tập trung bắt buộc đối với người từ nước ngoài vào Việt Nam.

Đẩy mạnh các hoạt động trực tuyến: Học trực tuyến, thanh toán trực tuyến…; khuyến khích cán bộ làm việc tại nhà. Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và người đứng đầu các cơ quan nhà nước quyết định cụ thể việc này để đảm bảo công việc thông suốt, chất lượng, đúng kế hoạch, nhất là những công việc có thời hiệu, thời hạn.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng bảo đảm an ninh trật tự trong quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị 15, 16, tránh tình trạng đua xe, tụ tập đông người, không để bất cứ nhóm chống đối nào quậy phá, xử lý nghiêm các vi phạm nhằm răn đe. Bộ Y tế hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng 63 đội phản ứng nhanh đối với 63 tỉnh, thành phố để khả năng ứng phó kịp thời hơn.  

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất kế hoạch học tập của học sinh, sinh viên trong cả nước và kế hoạch thi cử, báo cáo Thường trực Chính phủ trên tinh thần đảm bảo an toàn cho học sinh.  

Các cơ quan báo chí, truyền thông cần tiếp tục phổ biến, hướng dẫn người dân những kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình và gia đình mình, phản ánh đầy đủ bức tranh của toàn bộ cuộc sống, tránh đưa tin gây tâm lý chủ quan trong nhân dân, vì phía trước chúng ta còn nhiều gian nan, kể cả chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội.  

Thủ tướng yêu cầu thực hiện ngay gói an sinh xã hội với tinh thần cứu trợ như cứu hỏa, không thể để chậm trễ hơn vì người lao động đang rất khó khăn, không vì thủ tục mà kéo dài việc hỗ trợ. Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ soạn thảo một chỉ thị mới trình Thủ tướng Chính phủ trên các tinh thần nêu trên.

Phân loại mức độ nguy cơ dịch bệnh các địa phương thành 3 nhóm  

Cũng trong cuộc họp ngày 15/4 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 thống nhất kiến nghị Thủ tướng tiếp tục thực hiện “cách ly xã hội” theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ban Chỉ đạo đã bàn thảo chi tiết về việc phân loại mức độ nguy cơ dịch bệnh các địa phương thành 3 nhóm (nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp), dựa trên các tiêu chí đã được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.

Chú thích ảnh
Ngày 15/4/2020, Cơ sở cách ly tập trung số 1 thuộc Trung đoàn bộ binh 126 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hưng Yên) tổ chức tiếp nhận 90 công dân trở về từ Vương quốc Anh để thực hiện cách ly, giám sát dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN.

Trong đó có những tiêu chí dễ thấy như: Có đầu mối giao thông, mật độ di chuyển, đi lại lớn; có biên giới, nhiều người qua lại biên giới; những điểm trước đây có tiếp xúc rất nhiều với người nước ngoài; mật độ dân cư; mật độ các nhà máy, khu công nghiệp tập trung...

Đặc biệt là có một nhóm tiêu chí liên quan đến năng lực ứng phó của cấp ủy, chính quyền khi có ca bệnh, năng lực kiểm soát việc thực hiện các chỉ đạo, chỉ thị, khuyến nghị về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 từ trước đến nay. Đối với những tỉnh, thành phố nằm trong nhóm nguy cơ cao, Ban Chỉ đạo kiến nghị tiếp tục thực hiện biện pháp cách ly xã hội như quy định trong Chỉ thị 16 thêm ít nhất 1 tuần.

Ban Chỉ đạo cũng thống nhất sẽ đưa ra những yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các địa phương phải thực hiện nghiêm chỉnh như: Đeo khẩu trang, không tập trung đông người, giữ khoảng cách, bảo đảm vệ sinh dịch tễ… Một số loại hình dịch vụ kinh doanh, vui chơi giải trí chưa được phép hoạt động.

Tùy theo điều kiện và mức độ đánh giá nguy cơ của từng địa phương, lãnh đạo tỉnh có thẩm quyền và trách nhiệm quy định các biện pháp bổ sung để vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội. Đối với những sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội, trong trường hợp thật cần thiết, sẽ được tổ chức theo các hướng dẫn về giám sát y tế để bảo đảm an toàn.

Những địa phương có nguy cơ và nguy cơ thấp, một số hoạt động sản xuất kinh doanh được hoạt động có điều kiện trên cơ sở bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ… Đối với hoạt động đi lại, Ban Chỉ đạo thống nhất tuỳ vào mức độ, nguy cơ từng địa phương sẽ có giới hạn cụ thể. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đưa ra quy định chi tiết. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài.

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu, thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh, Ban Chỉ đạo cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo lực lượng chức năng tiếp tục xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh, trong đó có việc trích xuất camera để tiến hành xử phạt nguội.

Hà Nội đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19

Trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 chiều 15/4 của UBND TP.Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết: Hà Nội đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19 nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị và người dân.  

Chú thích ảnh
 Tòa nhà chung cư trên đường Tam Trinh (Hà Nội) treo cờ Tổ quốc thể hiện lòng quyết tâm vượt qua bệnh dịch. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN.

Tuy nhiên, Hà Nội vẫn là địa phương nguy cơ cao dịch bệnh, có 2 ổ dịch lớn, diễn biến phức tạp tại khu vực Bệnh viện Bạch Mai và thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh. Chủ tịch UBND thành phố đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân tự giác thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Nếu người dân thực hiện tốt Chỉ thị 16 thì mới có thể dập được dịch bệnh COVID - 19 trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ, Hà Nội xác định khâu rà soát, phát hiện là quan trọng số 1; công tác xét nghiệm là đặc biệt quan trọng để phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Chính vì vậy tất cả những trường hợp nghi ngờ cần được phát hiện nhanh, lấy mẫu kịp thời. Tất cả người dân có dấu hiệu ho, sốt phải thông báo với cơ sở y tế để được lấy mẫu xét nghiệm.

Để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Công an thành phố phối hợp với Trung tâm y tế quận, huyện tiếp tục duy trì 30 chốt giám sát ra vào thành phố, phun khử khuẩn phương tiện, đo thân nhiệt cho người dân; xử phạt những trường hợp không đeo khẩu trang.

"Tuần này là tuần quyết định dịch bệnh COVID-19 có bùng phát trên địa bàn hay không nên các đơn vị phải trực 24/24 giờ/7 ngày để tiếp nhận tin báo từ người dân, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm để có biện pháp xử lý khi phát hiện bệnh nhân mới; đồng thời giám sát việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của người dân trên địa bàn", Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu.

Báo cáo về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, đến 16 giờ chiều 15/4, thành phố Hà Nội đã ghi nhận 114 ca mắc COVID-19, trong đó có 2 ca mắc mới. 66,6% các trường hợp lây nhiễm được phát hiện đều không có triệu chứng, chỉ phát hiện qua công tác xét nghiệm.

Hai ca mắc mới là bệnh nhân Lê Minh Hoa (nữ, 36 tuổi) có địa chỉ tại thôn Đông Cữu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, có tiền sử đến thăm mẹ điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 10/3. Bệnh nhân thứ 2 là Đặng Quang Hà, nam, 46 tuổi ở xóm Hội, thôn Hạ Lôi, huyện Mê Linh, là bố của bệnh nhân 257 và là chồng của bệnh nhân 258, có tiếp xúc gần với bệnh nhân 243 tại nhà ngày 20/3/2020.  

Tình hình ổ dịch tại thôn Hạ Lôi được đánh giá rất phức tạp với 13 trường hợp mắc, nhiều trường hợp có liên quan, trong đó có các trường hợp là nhân viên y tế, vì vậy sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao ra cộng đồng, dự báo thời gian tới sẽ có thêm những trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng.

V.Tôn/Báo Tin tức
Dịch COVID-19 và cơ hội 'bùng nổ' thanh toán số
Dịch COVID-19 và cơ hội 'bùng nổ' thanh toán số

Tâm lý ngại dùng tiền mặt vì qua tay nhiều người, hạn chế đến chỗ đông người như chợ hay siêu thị... đang làm thay đổi đáng kể thói quen tiêu dùng của nhiều người trong những ngày giãn cách xã hội vừa qua. Nhiều chuyên gia cho rằng đây có thể coi là cơ hội để "bùng nổ" thanh toán số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN