Nâng dần chất lượng công tác vì trẻ em

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đất nước, Đảng, Nhà nước, mỗi gia đình và toàn xã hội ngày càng chú trọng công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Chính sách quan tâm dành cho trẻ em của chúng ta không thiếu. Vấn đề quan trọng là tổ chức thực hiện ra sao để công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em đạt được hiệu quả.

Đạt, vượt nhiều chỉ tiêu

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB&XH), sau 10 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010, về cơ bản, nhiều mục tiêu về y tế và giáo dục đều đạt so với kế hoạch.

Hàng năm, các tổ chức và cá nhân đã dành hàng trăm tỉ đồng giúp các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN


Nước ta đã phát triển một hệ thống giáo dục quốc dân khá hoàn chỉnh gồm đủ các cấp học, bậc học và của mọi thành phần: Công lập, dân lập, tư thục. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học ở bậc tiểu học, trung học cơ sở đều tăng. Mục tiêu đặt ra là số trẻ từ 3 - 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 55% vào năm 2010 thì thực tế đã đạt tới 70,54%. Tỷ lệ tốt nghiệp bậc trung học cơ sở năm 2010 là 77,05% cũng vượt so với chỉ tiêu đề ra là 75%.

Công tác chăm lo sức khỏe cho trẻ ngày một cải thiện hơn. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và nâng cấp. Hầu hết các xã, phường đều có trạm y tế. Trẻ em nghèo, trẻ dưới 6 tuổi đều được khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập trên toàn quốc. Các chỉ số về tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong ở trẻ em đều giảm.

Việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt cũng đạt kết quả đáng khích lệ. Trong giai đoạn 2001 - 2010, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã được chăm sóc tăng lên khoảng 75%. Tỷ lệ trẻ em được hưởng chính sách trợ cấp đã tăng từ khoảng 270 nghìn em, lên tới trên 500 nghìn em. Có trên 42 nghìn trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và trên 60 nghìn lượt trẻ em có nguy cơ lang thang đã được trợ giúp dưới các hình thức khác nhau như hỗ trợ hồi gia, trở lại trường học, hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ y tế, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm...

Để có được những “chỉ số tiến” đó, bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ trong việc ban hành nhiều chính sách, chương trình vì trẻ em, còn phải kể tới sự hỗ trợ của cộng đồng, quốc tế, việc xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Năm 2010, trong khi ngân sách nhà nước bố trí được 99,5 tỷ đồng cho các hoạt động sự nghiệp bảo vệ trẻ em, chúng ta đã huy động cộng đồng, quốc tế được 120 tỷ đồng cho công việc này.

“Không thiếu chính sách...”

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đang đứng trước nhiều thách thức không nhỏ, là nguyên nhân khiến nhiều chỉ tiêu về bảo vệ trẻ em chưa đạt được. Cấu trúc hệ thống dịch vụ trẻ em chưa chặt chẽ, thiếu tính đồng bộ. Một số quy định trong hệ thống pháp luật bảo vệ chăm sóc trẻ em còn chậm sửa đổi, bổ sung. Đội ngũ cán bộ bảo vệ và chăm sóc trẻ em vừa thiếu về số lượng vừa hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa thông tin còn bất cập trước những ấn phẩm văn hóa ngoài luồng có tính chất bạo lực, khiêu dâm... Thậm chí, có một số tỉnh, việc bố trí kinh phí cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn quá ít so với tiềm năng kinh tế địa phương.

Mới đây, Chính phủ đã thông qua Chương trình quốc gia về Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015. Ngân sách dự kiến khoảng 1.755 tỉ đồng. Một trong những ưu tiên hàng đầu của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tới đây là sẽ rà soát lại hệ thống các văn bản về quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến bảo vệ và chăm sóc trẻ em cùng với việc đánh giá hiệu quả việc thực hiện để chuẩn bị cho việc bổ sung, sửa đổi Luật Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em cho phù hợp với tình hình hiện nay và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đồng thời, việc phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em cũng sẽ được tập trung rất nhiều. “Lâu nay, hệ thống này đã hoạt động ở các địa phương, nhưng chưa bài bản. Tới đây, mạng lưới đội ngũ cán bộ cấp ngành, cấp tỉnh, huyện, xã... sẽ liên kết với nhau để hỗ trợ trẻ em tiếp cận các dịch vụ này được tốt hơn”, ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em khẳng định.

Theo Bộ LĐ - TB&XH, hiện nay, những chính sách của chúng ta dành sự quan tâm cho trẻ em không thiếu. Vấn đề quan trọng là tổ chức thực hiện sao để công tác này đạt hiệu quả. Một trong những bài học kinh nghiệm rút ra sau 10 năm triển khai Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2001 - 2010 là: Cần tạo cơ chế cho các tổ chức xã hội tham gia tích cực hơn nữa vào các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đồng thời, thúc đẩy thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em thông qua việc Nhà nước bố trí ngân sách cho các tổ chức xã hội hoạt động theo các chương trình, đề án quy mô lớn.

>>Ý KIẾN

Chị Nguyễn Thị Hà, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: Đa dạng hóa các hoạt động Đoàn, Đội

Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương triển khai rộng khắp các hoạt động thiết thực cho đối tượng trẻ em, xây dựng kế hoạch hè phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thiếu nhi. Bên cạnh các hoạt động văn hóa, xã hội, thể thao, vui chơi, giải trí cho các em, chủ động tham mưu cho các cấp ủy Đảng, phối hợp với các cấp chính quyền, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức kinh tế, xã hội và gia đình thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu nhi. Đặc biệt, lập danh sách và địa chỉ cụ thể các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thiếu nhi chậm tiến để có biện pháp giúp đỡ thích hợp giúp các em hòa nhập cộng đồng, tích cực vận động, tạo mọi điều kiện để các em bỏ học được trở lại trường.

Ông Phan Văn Thái, Phó Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Chúc Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội): Trẻ khuyết tật đã được quan tâm nhiều hơn

Đời sống của các đối tượng khuyết tật ngày càng tốt hơn nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân... Nhưng, cả 1 tỉnh mới chỉ có 1 trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật nên không thể đáp ứng được hết các nhu cầu. Hiện nay, chỉ có trẻ khuyết tật là con hộ nghèo mới được nhận vào trung tâm. Vì thế, rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền để các cháu khuyết tật có điều kiện học tập, hòa nhập với cộng đồng, trở thành công dân có ích sau này.


Mạnh Minh thực hiện
Ưu tiên chăm lo trẻ em vùng khó khăn

Chương trình Bảo vệ trẻ em 2011 - 2015 đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, chủ yếu ngân sách nhà nước sẽ tập trung cho những vùng khó khăn. TS. BS Hoàng Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục BV&CSTE chia sẻ với Tin Tức một số thông tin xung quanh nội dung này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN