Mưa lũ ở Bắc Trung Bộ làm 18 người chết và mất tích, thiệt hại 442 tỷ đồng

Lũ trên các sông ở Thanh Hóa và hạ lưu sông La đang xuống


Theo thống kê của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, mưa lũ trong những ngày qua ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đã làm 16 người chết (Thanh Hóa: 8 người; Nghệ An: 5 người; Hà Tĩnh: 2 người); mất tích: 2 người (Nghệ An); 15 người bị thương (Nghệ An: 7 người; Hà Tĩnh: 8 người).

 

Mưa lũ đã làm 3.500 nhà bị ngập và sập đổ hoàn toàn, 33.263 ha lúa, 22.000 ha rau màu; vỡ và ngập tràn 2.519 ha ao nuôi thủy sản; bị sạt lở, hư hỏng: 27.395 m3 đê, kênh mương; đường quốc lộ bị sạt lở: 24.545 m3. Tổng thiệt hại vật chất ước tính khoảng 442 tỷ đồng.


Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lũ hạ lưu sông Cả đang dao động ở mức đỉnh, đỉnh lũ tại Nam Đàn: 7,22 m (3 giờ, ngày 9/9), trên báo động 2: 0,32 m. Hiện nay, lũ trên các sông ở Thanh Hóa và hạ lưu sông La đang xuống. Mực nước lúc 7 giờ ngày 9/9 trên các sông như sau: Sông Bưởi tại Kim Tân: 10,59 m, trên BĐ1: 0,59 m. Sông Cả tại Nam Đàn: 7,22 m, trên BĐ2: 0,32 m. Sông La tại Linh Cảm: 3,63 m.


Dự báo, lũ hạ lưu sông Cả tiếp tục duy trì đỉnh đến chiều nay sau xuống chậm; lũ trên các sông ở Thanh Hóa và hạ lưu sông La tiếp tục xuống.


Sáng 10/9, mực nước trên sông Bưởi tại Kim Tân xuống dưới mức BĐ1; mực nước trên sông Cả tại Nam Đàn xuống mức 7,0 m, trên báo động 2: 0,1 m. Tình trạng ngập lụt ở vùng trũng, đồng bằng ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An giảm dần nhưng vẫn còn duy trì trong hai ba ngày tới.

 

Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả


Tại Thanh Hóa, mưa lớn và kéo dài liên tiếp trong mấy ngày qua đã khiến lũ trên các triền sông Chu, sông Mã, sông Yên, sông Lèn, sông Cầu Chày, sông Bưởi đang tiếp tục lên. Đặc biệt, mưa lũ đã khiến đoạn đê tả sông Chu đoạn qua huyện Thiệu Hóa bị nứt sạt 3 đoạn, dài khoảng 176 m.


Tại điểm sạt trượt gần 100 m đê hữu sông Chu đoạn qua xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa, sáng 8/9, dưới trời mưa như trút, hàng trăm chiến sỹ công an, bộ đội, dân quân, xung kích vẫn đang khẩn trương khắc phục sự cố nứt, sạt đê tả sông Chu, bảo vệ cho hàng chục vạn dân của huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân và Yên Định. Riêng huyện Thiệu Hóa đã huy động hơn 400 rọ sắt để đưa 250 khối đá hộc xuống lòng sông để tạo thành 1 cơ đá, giữ vững vùng sạt trượt. Trước đó, công việc này đã diễn ra suốt ngày và đêm 7/8.


Trước những thiệt hại do mưa lũ tại khu vực miền Trung, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã cứu trợ khẩn cấp hàng hóa, đồ dùng thiết yếu trị giá 420 triệu đồng cho các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Số hàng cứu trợ gồm 500 thùng hàng gia đình, 120.000 viên khử khuẩn Aquatap và 110 triệu đồng tiền mặt để cấp phát cho nhân dân các vùng mưa lũ. Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã chuyển tới tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, mỗi tỉnh 3 tỷ đồng; Hà Tĩnh 2 tỉ đồng (được trích từ Quỹ hỗ trợ thiên tai của thành phố) để hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do mưa lũ sớm ổn định cuộc sống.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ Thanh Hóa 1.500 tấn gạo để cứu đói cho dân vùng lũ; hỗ trợ 30 cơ số thuốc chữa bệnh và một số giống ngô, rau màu các loại để khôi phục sản xuất. Đồng thời đề nghị được hỗ trợ 150 tỉ đồng để tu bổ, khắc phục các đoạn đê kè bị sạt lở và các hồ đập bị hư hỏng để kịp thời chống bão lũ và phục vụ sản xuất; hỗ trợ 100 tỉ đồng để khắc phục sửa chữa các tuyến đường giao thông, kè cống bị cuốn trôi...


Tại Nghệ An, mưa lũ đã làm ngập 3.793 ngôi nhà, 79 nhà bị tốc mái, 12 nhà bị đất đá vùi lấp; 1.640 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản, 15.081 ha lúa, 6.980 ha ngô và rau màu các loại bị ngập; chết 4.261 con gia súc, gia cầm; sạt lở, hư hỏng 13.443 m kênh mương, một đập thủy lợi bị vỡ; hư hỏng 17 công trình cấp nước sạch cùng nhiều hệ thống hạ tầng cơ sở, như đường giao thông, cầu cống, trạm y tế, trường học trên địa bàn các huyện. Hiện trên địa bàn tỉnh, nhiều tuyến đường giao thông quan trọng vẫn chưa thể đi lại được do nước đang ngập và do sạt lở hoặc đất đá vùi lấp gây ách tắc giao thông.


Để ứng phó với mưa lũ, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương động viên nông dân tranh thủ thu hoạch nhanh các trà lúa hè thu và hoa màu đã đến kỳ thu hoạch; tu sửa để thông tuyến kịp thời các tuyến đường giao thông và cảnh giới, đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí hiện đang bị ngập lụt.

 

Hoa Mai - Nguyễn Văn Nhật

Chủ động ứng phó với mưa lũ
Chủ động ứng phó với mưa lũ

Theo Văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, tính đến 17 giờ 30 ngày 7/9, mưa lũ trên địa bàn các tỉnh từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh đã làm 11 người chết và 1 người mất tích; 62 nhà bị sập, 3.119 nhà bị ngập; thiệt hại về vật chất lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN