Mưa lũ gây thiệt hại nặng ở các tỉnh miền Trung

* Đã có 7 người chết và mất tích
* Nhiều địa bàn tỉnh Quảng Nam bị chia cắt

Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLBTW-Ủy ban QGTKCN, đợt mưa to lũ lớn xảy ra từ ngày 4/11 đến nay trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định đã làm chết và mất tích 7 người (Quảng Nam 4 người chết, Thừa Thiên-Huế 1 học sinh mất tích, Quảng Ngãi 1 người chết, Đà Nẵng 1 người chết); hàng nghìn ha lúa, hoa màu và nhà cửa bị ngập úng. Riêng trên địa bàn Quảng Nam có mưa lớn gây lũ quét ở nhiều nơi tại các huyện miền núi. Trận lũ ống gây ngập trên tuyến đường ĐT 611 đoạn qua địa bàn khu vực Cầu Sắt Bà Dinh (thuộc xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn) làm chết 4 người đi trên 2 xe máy.

lLiên tiếp trong các ngày từ 4-6/11 ở Thừa Thiên – Huế có mưa lớn ở đầu nguồn các sông Hương, sông Bồ làm lũ đột ngột lên nhanh ở vùng hạ lưu. Tại Thượng Nhật và Khe Tre trên sông Tả Trạch, lượng mưa đo được đạt từ 510 mm đến 621 mm. Mực nước các hồ chứa đều vượt cao trình đỉnh tràn: Hồ Truồi đạt 38,2 m, vượt đỉnh tràn 2,2 m; hồ Hòa Mỹ 35,6 m, vượt 0,6 m; hồ thủy điện Hương Điền và Bình Điền đạt đỉnh lần lượt là 83,3 m và 58 m.

Do các hồ thủy điện đồng loạt điều tiết lũ, nên ở thành phố Huế đến sáng 6/11 tuy trời không còn mưa nhưng nước vẫn lên nhanh tại các vùng nội thành, khu Kiểm Huệ (bờ nam sông Hương)…

Hiện mực nước các con sông đều đang ở mức xấp xỉ mức báo động III; trong đó sông Hương tại trạm Kim Long là 3,03 m, dưới báo động III là 0,47 m; trên sông Bồ tại Phú Ốc là 3,24 m, trên báo động II là 0,24 m.

Theo Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, mưa lũ đã làm một người mất tích. Nạn nhân được xác định là em Nguyễn Hữu Khang (14 tuổi), học sinh lớp 8 trường THCS Long Quảng (huyện Nam Đông), bị nước cuốn trôi khi đi qua ngầm Khe Biên, xã Thượng Long, huyện Nam Đông. Hiện nay, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn huyện Nam Đông đang nỗ lực tìm kiếm nạn nhân.

lMưa lớn tiếp tục kéo dài trong những ngày qua đã gây sạt lở nghiêm trọng trên một số tuyến đường phía Nam và phía Tây tỉnh Quảng Nam.

Thông tin từ UBND huyện Bắc Trà My, trong khoảng 50 km đoạn đường DT 616 nối từ huyện Bắc Trà My lên huyện Nam Trà My đã xảy ra nhiều điểm sạt lở lớn. Hàng nghìn khối đất đá trên đồi núi phía taluy dương đổ xuống đường, làm tắc nghẽn hoàn toàn tuyến giao thông phía Tây Nam. Đặc biệt tại Km15, đoạn qua các xã Trà Giác, Trà Tân, Trà Dơn, bùn đất và đá hộc đã đổ ập xuống vùi lấp toàn mặt đường, có đoạn bùn ngập đến đầu gối. Giao thông đi lại từ trung tâm hành chính huyện tới 4 xã Trà Ka, Trà Giác, Trà Giáp và Trà Bui bị chia cắt hoàn toàn.

Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, việc xuất hiện nhiều điểm sạt lở và ngập lụt trên địa bàn là do mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua, kéo theo hàng nghìn khối đất đá ở đồi núi đổ xuống đường. Trước đó, vào khoảng 13 giờ 30 ngày 5/11, Thuỷ điện Sông Tranh cho xả lũ với lưu lượng 2.800 m3/giây và quy trình xả lũ của thủy điện Sông Tranh 2 đã được UBND huyện phê duyệt. Dự báo, tình hình mưa lũ năm nay sẽ có nhiều diễn biến phức tạp nên vào trước mùa mưa lũ, huyện đã cho dự trữ gạo tại các xã để đảm bảo không có người bị đói hay thiếu ăn do mưa lũ gây ra.

Ngoài ra, ở phía Tây Quảng Nam, tại huyện Tây Giang, mưa lũ cũng làm cô lập và chia cắt giao thông hoàn toàn tuyến đường từ trung tâm huyện lên 4 xã vùng cao là: Tr’Hy, Ga Ri, A Xan và Ch’Ơm.

Hiện các địa phương đã cho lực lượng dân quân cắm chốt thông báo cho người dân không được đi lại ngang qua các điểm sạt lở, đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng nỗ lực thông tuyến, khắc phục hậu quả của sạt lở đất và thông báo cho nhân dân ra khỏi vùng có nguy cơ bị lũ quét và sạt lở.

lTrung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết: Hồi 13 giờ ngày 6/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 10,5 đến 12,5 độ vĩ bắc; 110,0 đến 112,0 độ kinh đông. Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp nên khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Bình đến Cà Mau có mưa rào và rải rác có dông. Trong cơn dông cần đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh.

Dự báo, sáng 7/11, mực nước trên các sông ở Nam Trung bộ sẽ lên, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có khả năng lên lại. Đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi và ngập lụt ở vùng trũng, đồng bằng các tỉnh trên.

Ngoài ra ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở vịnh Bắc Bộ và vùng biển khu vực bắc Biển Đông từ ngày 8/11 có gió đông bắc mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8, cấp 9, biển động mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy. Dự báo ngày 8/11, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh miền Bắc nước ta.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Bắc bộ có mưa, mưa rào và rải rác có dông; các tỉnh Bắc và Trung Trung bộ chịu ảnh hưởng kết hợp với rãnh áp thấp qua Trung Trung bộ nên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Từ ngày 8/11, ở Bắc bộ gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền mạnh cấp 3 - 4, vùng ven biển cấp 4 - 5; ở vịnh Bắc Bộ và vùng biển khu vực bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8, cấp 9, biển động mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN