Mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước Á-Phi

Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Á-Phi tại thủ đô Jakarta và Lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung 1955, 10 năm Quan hệ Đối tác chiến lược mới Á-Phi tại thành phố Bandung từ ngày 22-24/4/2015.

Các đại biểu chụp ảnh sau lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao Á - Phi năm 2005.


Hội nghị Cấp cao Á-Phi lần đầu tiên tổ chức tại Bandung, Indonesia từ ngày 18-24/4/1955 (Hội nghị Bandung) với sự tham gia của Lãnh đạo 29 nước Á-Phi, khởi đầu cho quá trình hợp tác Á-Phi. Hội nghị đã đưa ra 10 nguyên tắc Bandung, làm nền tảng cho quan hệ giữa các nước ở hai châu lục, trong đó có các nguyên tắc như: tôn trọng chủ quyền, không can thiệp, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thúc đẩy hợp tác, tôn trọng luật pháp quốc tế… Hội nghị đã trở thành động lực đưa đến những biến đổi to lớn với việc hàng loạt nước giành độc lập ở châu Á và châu Phi, tiền đề cho việc thành lập Phong trào Không liên kết, Nhóm 77 và hợp tác Nam-Nam.

Sau 60 năm, thế giới đang đứng trước những vấn đề mới. Tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, nhu cầu hợp tác đa phương giữa các quốc gia, giữa các khu vực nhằm ứng phó với những thách thức toàn cầu mới ngày càng tăng.

Các nước Á-Phi đều ưu tiên vào phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tự do hóa thương mại toàn cầu, đồng thời tăng cường liên kết khu vực và liên khu vực; tuy nhiên, hợp tác Á-Phi chưa được phát huy hết tiềm năng, chưa đem lại được nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội cho các nước Á-Phi. Hiện nay đang có một số cơ chế hợp tác Á-Phi như: Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD), Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi, Hợp tác Ấn Độ-châu Phi, Diễn đàn Việt Nam-châu Phi… nhưng chưa có các cơ chế liên châu lục như: ASEM, APEC…

Trong bối cảnh đó, các nước Á-Phi, thành viên Phong trào Không liên kết có nhu cầu tập hợp lực lượng để bảo vệ những nguyên tắc Bandung, để từ đó thúc đẩy hợp tác nhiều mặt trên các lĩnh vực: chính trị, an ninh, đầu tư, thương mại, du lịch, trao đổi văn hóa… nhằm tranh thủ thế mạnh của nhau, phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế ở mỗi nước, mỗi khu vực. Châu Phi có nhu cầu tranh thủ đầu tư, viện trợ, công nghệ, trao đổi kinh nghiệm phát triển, thúc đẩy hội nhập, liên kết kinh tế góp phần giải quyết nội chiến, đấu tranh chống đói nghèo, bệnh tật; châu Á phát triển kinh tế năng động, quan tâm tới châu Phi như một thị trường mới, tiềm năng, giàu tài nguyên...

Năm 2005, Indonesia đã tổ chức Hội nghị cấp cao Á-Phi và Lễ kỷ niệm 50 năm Hội nghị Bandung với sự tham gia của 92 nước từ hai châu lục. Hội nghị đã thảo luận ba lĩnh vực, hợp tác chủ yếu là đoàn kết chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác về văn hóa-xã hội, trong đó có hàng loạt vấn đề như: hợp tác tại các diễn đàn đa phương, cải tổ Liên hợp quốc, giải quyết xung đột, chống khủng bố, chống tội phạm xuyên quốc gia, vấn đề xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy thương mại và đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường tiếp xúc giữa các doanh nghiệp, thúc đẩy giao lưu nhân dân, đối thoại giữa các nền văn minh, phát triển bền vững, phòng chống dịch bệnh, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm…

Hội nghị đã thông qua 3 văn kiện gồm: Tuyên bố Cấp cao về Quan hệ Đối tác Chiến lược Á-Phi mới (NAASP), Tuyên bố Bộ trưởng về Chương trình hành động cho NAASP và Tuyên bố Cấp cao về động đất, sóng thần và các thảm họa thiên tai khác.

Năm 1955, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Á-Phi ở Bandung. Là một trong 29 nước tham dự Hội nghị, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy đoàn kết giữa các nước mới giành độc lập, góp phần xác lập những nguyên tắc cơ bản này trở thành nguyên tắc chỉ đạo cho hoạt động của Phong trào Không liên kết.

Năm 2005, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Á-Phi 2005 và Lễ kỷ niệm 50 năm Hội nghị Bandung 1955. Tại hội nghị này, đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động và đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc xây dựng khuôn khổ hợp tác Á-Phi, đưa ra được nhiều khuyến nghị hợp tác cụ thể (mô hình hợp tác ba bên, diễn đàn Việt Nam-châu Phi…), đồng thời chia sẻ kinh nghiệm hợp tác và phát triển với các nước Á-Phi. Bên lề, Chủ tịch nước ta với tư cách là Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã trao số hàng viện trợ nhân đạo cho các nạn nhân động đất và sóng thần ở Indonesia.

Việt Nam có quan hệ hợp tác tốt với các nước châu Phi, hiện có quan hệ ngoại giao với 52/55 nước châu Phi, với mạng lưới 8 cơ quan đại diện và 1 lãnh sự danh dự tại khu vực. Việt Nam là nước ASEAN duy nhất có cơ chế Hội thảo quốc tế Việt Nam-châu Phi, đến nay đã tổ chức hội thảo được 2 lần, được các nước châu Phi đánh giá hợp tác Việt Nam - châu Phi là điển hình của hợp tác Nam-Nam.

Quan hệ kinh tế-thương mại Việt Nam-châu Phi phát triển tương đối tích cực. Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với cả 55 nước châu Phi, nâng kim ngạch thương mại từ dưới 500 triệu USD năm 2005 lên khoảng 4,3 tỷ USD vào năm 2013.

Hiện Việt Nam có dự án đầu tư tại nhiều nước châu Phi như: Algeria, Maroc, Cameroon, Burundi, Tanzania, Angola…, tập trung vào các lĩnh vực dầu khí, viễn thông, xây dựng, nông nghiệp với tổng số vốn đầu tư trên 2 tỷ USD. Việt Nam cũng đã cử hàng nghìn lượt chuyên gia nông nghiệp, y tế, giáo dục sang làm việc tại các nước châu Phi theo các thỏa thuận song phương và đa phương.

Bên cạnh hợp tác chuyên gia, hợp tác lao động cũng là trọng tâm trong hợp tác Việt Nam-châu Phi với hàng chục nghìn lao động Việt Nam sang làm việc tại Libya, Angola, Algeria. Ngoài ra, hiện có khoảng 3 vạn người Việt Nam đang làm ăn và sinh sống ổn định tại châu Phi, cộng đồng người Việt tại đây góp phần tích cực thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và châu lục này. Đối với nhiều nước châu Phi, Việt Nam được coi là hình mẫu cần học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo…

Hội nghị Cấp cao Á-Phi lần này có chủ đề “Tăng cường hợp tác Nam-Nam nhằm thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trên thế giới”. Các nước Á-Phi đều ưu tiên gìn giữ hòa bình và phát triển kinh tế, đề cao các nguyên tắc Bandung để thúc đẩy hợp tác, kết nối Á-Phi nhằm phát huy tiềm năng và đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai châu lục.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Á-Phi lần này nhằm thực hiện chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, chủ động đóng góp xây dựng và có trách nhiệm tại Hội nghị. Việt Nam cũng mong muốn cùng các nước Á-Phi bảo vệ các nguyên tắc Bandung và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước Á-Phi, tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược với nước chủ nhà Indonesia.


Hoàng Thị Hoa (TTXVN)
Châu Phi vươn lên trong gian khó
Châu Phi vươn lên trong gian khó

Dù phải đối phó với hàng loạt thách thức như xung đột triền miên, dịch bệnh Ebola, giá dầu mỏ giảm, năm 2014 vẫn là một năm thành công về kinh tế đối với các nước châu Phi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN