Bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV:

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cần được cụ thể hóa

Chiều 27/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Liên quan đến nội dung này, bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hoà trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN

Xin đại biểu cho biết, những vấn đề đặt ra đối với Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này? 

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) hết sức cần thiết, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người kinh doanh và người mua bảo hiểm. Dự thảo luật đã quy định rõ về chính sách của Nhà nước, về kinh doanh bảo hiểm. 

Tuy nhiên, trong dự thảo Luật mới nêu hỗ trợ kinh phí hàng năm cho doanh nghiệp tham gia bảo hiểm nông lâm, ngư nghiệp, bảo hiểm vi mô, còn các loại hình bảo hiểm khác chỉ nêu khuyến khích, đơn giản hóa, thủ tục hành chính và chưa nói đến hỗ trợ kinh phí để thể hiện chính sách nhất quán của Nhà nước đối với loại hình bảo hiểm. Vì vậy, tôi đề nghị, nên ghi rõ ràng, rành mạch không chỉ khuyến khích doanh nghiệp tham gia bảo hiểm nông lâm, ngư nghiệp, bảo hiểm vi mô mà còn có sự hỗ trợ về mặt kinh phí.

Về hệ thống cơ sở dữ liệu kinh doanh bảo hiểm, dự thảo luật có nêu ngân sách đầu tư, ngân sách cơ sở dữ liệu để quản lý doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp thông tin bên mua bảo hiểm; đối tượng bảo hiểm là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo luật cũng quy định thêm doanh nghiệp bảo hiểm bắt buộc phải có trách nhiệm đóng góp tài chính để cùng Nhà nước thực hiện. Vì các dữ liệu kinh doanh của doanh nghiệp lúc nào cũng cần có cơ sở để dự trữ phục vụ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Cho nên, các doanh nghiệp cần phải đóng góp tài chính cùng với Nhà nước. Việc tỷ lệ đóng góp sẽ do Chính phủ quy định.

Bảo hiểm vi mô là sản phẩm bảo hiểm hướng tới đối tượng khách hàng là các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, khó tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường, xin đại biểu cho biết quan điểm về loại hình bảo hiểm này?

Kinh doanh bảo hiểm hết sức quan trọng; đặc biệt là bảo hiểm cho đối tượng yếu thế. Tôi theo dõi, trong khoảng 10 năm qua thì người kinh doanh bảo hiểm, cũng như người mua bảo hiểm là người nông dân không mặn mà đối với loại hình bảo hiểm này. Vì quy định ràng buộc với người nông dân về thiên tai, mất mùa thì phải có biên bản, nhân chứng, tỷ lệ phần trăm hao hụt nhưng quyền lợi thiết thực chưa thấy rõ ràng. Còn đối với người bán bảo hiểm thì lợi nhuận không cao nên không tham gia. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho đối tượng nông dân, kinh doanh bảo hiểm lĩnh vực này.

Thời gian gần đây, có rất nhiều dòng tiền chuyển ra nước ngoài thông qua hình thức đầu tư bảo hiểm. Vậy, trong dự thảo luật có quy định như thế nào về vấn đề này, thưa đại biểu? 

Về nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm, theo dự thảo luật, dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, theo điều ước quốc tế là cần thiết nhưng cũng phải thận trọng, có quy định rõ ràng. Vì thực tế đã có dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài bằng nhiều hình thức khác nhau. Vì vậy, để không bị thất thoát ngoại tệ, Nhà nước cần phải có quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo luật đối với các loại hình, các loại doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài.

Lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm đang phát triển, theo đại biểu, chúng ta cần có những chính sách gì để người tham gia cũng như doanh nghiệp kinh doanh cùng hưởng lợi?

Thời gian qua, tăng trưởng trong lĩnh vực này tương đối tốt và nhiều tiềm năng; tương lai sẽ có nhiều loại hình khác phát triển. Tuy nhiên, những quy định hiện hành đang còn cứng nhắc.

Về bảo hiểm bắt buộc theo Điều 8 của Luật hiện hành, đề nghị làm rõ phạm vi bảo hiểm của từng loại bảo hiểm bắt buộc. Hiện dự thảo còn chưa bao quát hết các sản phẩm bảo hiểm theo nhu cầu của thị trường.

Tới đây, khả năng nhiều nhà đầu tư nước ngoài thực hiện kinh doanh bảo hiểm. Việc này có lợi cho người mua và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Nhưng vấn đề cốt lõi là Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để người kinh doanh, người mua bảo hiểm an tâm; đầu tư không bị mất vốn và có lợi nhuận, người mua bảo hiểm dài hơi cũng có lợi.

Theo tôi, muốn thu hút doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bảo hiểm, Nhà nước cần có chính sách, luật hoá quy định để nhà đầu tư yên tâm, đồng thời có cơ chế chinh sách hỗ trợ về thuế; cải cách thủ tục hành chính, nhanh gọn. Mục đích cuối cùng của bảo hiểm là có lợi cho cả người mua và người bán và đảm bảo quản lý để không làm thất thoát, thiệt thòi cho cả 2 bên.

Đại biểu có kỳ vọng gì sau khi Luật Kinh doanh bảo hiểm được sửa đổi?

 Tôi kỳ vọng, sau khi luật được sửa đổi sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh vào loại hình này, mong muốn người dân mua bảo hiểm bảo đảm cuộc sống ổn định lâu dài để tránh rủi ro xảy ra.

Xin cảm ơn đại biểu!

Diệp Anh - Thúy Hiền (TTXVN)
Thống nhất quy định về bảo hiểm vi mô trong dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
Thống nhất quy định về bảo hiểm vi mô trong dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Theo chương trình, chiều 27/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đây là một trong những dự án Luật dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN