Luật Hộ tịch sẽ ngăn việc chỉnh sửa giấy tờ

Bộ Tư pháp cam kết dự án Luật Hộ tịch sẽ khắc phục được những thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân. Đặc biệt, khi luật được áp dụng vào cuộc sống, việc chỉnh sửa giấy tờ tùy tiện cũng sẽ được ngăn chặn.


Một người có… ba giấy khai sinh


Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Hộ tịch vào tháng 4/2014, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã dẫn chứng về việc Lê Văn Luyện (kẻ gây ra thảm án kinh hoàng tại tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang năm 2011) có tới 3 giấy khai sinh ở 3 địa điểm khác nhau. Ông Cường nhấn mạnh, sát thủ Lê Văn Luyện thoát án tử hình do chưa đầy 18 tuổi vào thời điểm gây án, theo đúng quy định của pháp luật. Song trên thực tế, việc Lê Văn Luyện có nhiều giấy khai sinh khác nhau đã gây không ít khó khăn trong quá trình xét xử.

 

Đoàn viên thanh niên TP Hồ Chí Minh hướng dẫn, trợ giúp người dân địa phương thực hiện kê khai, các thủ tục, chữ ký trong các giấy tờ. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN


Ví dụ trên phần nào đã cho thấy sự yếu kém trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch. Theo ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp), chức năng quản lý nhà nước về hộ tịch và chức năng đăng ký hộ tịch chưa được phân định rõ ràng. Trong đó, chức năng đăng ký hộ tịch được thực hiện tản mạn ở nhiều cấp, dẫn đến tình trạng cơ quan đăng ký hộ tịch không phân biệt được thẩm quyền nên giải quyết sai. Bên cạnh đó, một số cơ quan quản lý cấp trung gian (UBND cấp tỉnh, Sở Tư pháp, UBND cấp huyện) không có thời gian thực hiện các nhiệm vụ khác trong quản lý nhà nước về hộ tịch khiến người dân khó phân biệt yêu cầu đăng ký hộ tịch của mình do cấp nào giải quyết.


Đặc biệt, tình trạng đăng ký hộ tịch không kịp thời, chưa đầy đủ và thiếu chính xác vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương. Sự tùy tiện trong việc đăng ký được thể hiện trong việc dễ dãi cấp giấy tờ hộ tịch, nhất là giấy khai sinh. Có trường hợp nội dung trong bản sao giấy khai sinh khác với nội dung trong bản chính và khác nội dung trong sổ gốc. “Thậm chí, có những trường hợp một người được cấp đến 2 bản chính giấy khai sinh với nội dung khác nhau. Khi đi làm sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, người dân nộp 1 giấy khai sinh, khi đi học nộp 1 giấy khai sinh khác nên dẫn đến tình trạng nội dung giữa các giấy tờ tùy thân, văn bằng chứng chỉ không khớp nhau. Sự sai sót này đã để lại nhiều hệ lụy phức tạp và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của chính người sử dụng”, ông Khanh cho biết.


Theo Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp), hiện mỗi công dân có thể sở hữu khoảng 20 loại giấy tờ khác nhau như giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, hộ chiếu… Tuy nhiên, các số/mã số của mỗi loại giấy tờ trên cũng có tính độc lập và không thể chia sẻ, kết nối dẫn đến việc không phát huy được tính thống nhất trong công tác quản lý nhà nước.


“Dự án Luật Hộ tịch nhằm từng bước loại bỏ những giấy tờ công dân không cần thiết. Đặc biệt, khi luật ra đời sẽ không xảy ra trường hợp chỉnh sửa ngày tháng năm sinh tùy tiện như trường hợp Lê Văn Luyện”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định.


Hộ tịch điện tử song hành với số định danh cá nhân


Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết, trước yêu cầu của công tác hộ tịch trong tình hình mới thì việc quy định số định danh cá nhân là hết sức cần thiết. Dự thảo luật quy định mỗi cá nhân được cấp một mã số quản lý - số định danh cá nhân - là dãy số tự nhiên được lập trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm mã hóa những thông tin cơ bản của cá nhân.


Số định danh cá nhân chỉ được cấp một lần duy nhất cho cá nhân khi đăng ký khai sinh (khi luật có hiệu lực thi hành và cơ sở dữ liệu quốc gia được đưa vào vận hành), được ghi vào sổ hộ tịch, trích lục hộ tịch và giấy tờ khác của công dân theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở số định danh cá nhân, toàn bộ các thông tin/thay đổi về hộ tịch của cá nhân sẽ được cập nhật kịp thời, tạo thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

 

Khi có yêu cầu đăng ký hộ tịch, người dân không phải xuất trình các giấy tờ chứng minh về nhân thân (như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân…) mà chỉ cần xuất trình duy nhất loại giấy tờ xác định số định danh cá nhân của người đó. Căn cứ vào mã số này, cơ quan đăng ký hộ tịch có khả năng nắm được các thông tin hộ tịch và có trách nhiệm giải quyết yêu cầu của người dân.


Ông Khanh cho biết thêm, dự thảo Luật Hộ tịch xác định cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là bộ phận cấu thành, cung cấp nguồn thông tin về hộ tịch của người dân cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) không phải nhập lại những thông tin của cá nhân mà ngành Tư pháp đã thực hiện.


Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) chia sẻ, khi có số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, việc xác định cơ sở dữ liệu hộ tịch sẽ giảm bớt giấy tờ cần xuất trình hoặc phải nộp khi làm thủ tục. Ví dụ như thủ tục đăng ký khai sinh bỏ được giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ trẻ em; thủ tục đăng ký kết hôn giảm được giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân. Đi liền với việc giảm thành phần hồ sơ, chi phí cho các thủ tục hành chính cũng được giảm bớt. “Cụ thể, khi có số định danh cá nhân, chi phí thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn giảm 40%, thủ tục đăng ký khai sinh giảm 30,8%. Đây là những thủ tục có tần suất thực hiện rất lớn, do vậy, chi phí xã hội giảm được là rất đáng kể”, ông Phan nhấn mạnh.


Thu Phương

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến Luật hộ tịch
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến Luật hộ tịch

Tiếp tục phiên họp thứ 27, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật hộ tịch, gồm 7 chương, 80 điều. Tờ trình dự án Luật nêu rõ việc Luật hộ tịch ra đời nhằm tạo cơ sở pháp lý ổn định, lâu dài...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN