LHQ đánh giá cao nỗ lực thực hiện nhân quyền của Việt Nam

Trên cơ sở bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, tại phiên trình bày Báo cáo quốc gia theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ II của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sỹ), Việt Nam đã khẳng định cam kết, quyết tâm và trách nhiệm trong việc bảo đảm thực thi quyền con người và nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế.


Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:


PV: Bà đánh giá như thế nào về Báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ II của Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam vừa trúng cử Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc?


Bà Pratibha Mehta: Chúng tôi xin chúc mừng Việt Nam đã hoàn thành phiên trình bày Báo cáo quốc gia theo Cơ chế rà soát định kỳ chu kỳ II vào ngày mùng 5 tháng 2 vừa qua. Tôi nghĩ rằng, cơ chế rà soát định kỳ là một công cụ rất hữu hiệu đối với bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, kể cả Việt Nam để thực hiện cơ chế đối thoại toàn diện về quyền con người và bảo vệ quyền con người. Trong phiên trình bày theo Cơ chế rà soát định kỳ lần thứ II, ngoài báo cáo của Chính phủ, Việt Nam còn có báo cáo của các tổ chức xã hội dân sự. Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy tính toàn diện ngay cả sau phiên bảo vệ vào tháng 2 vừa qua. Liên hợp quốc mong rằng, các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia thảo luận để chuẩn bị tốt cho cuộc họp vào tháng 6 tới tại Geneva.


Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hiệp quốc tại Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thủy/TTXVN


PV: Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu trong việc đảm bảo quyền con người, bà nghĩ như thế nào về vấn đề này, đặc biệt là liên quan tới việc bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em?


Bà Pratibha Mehta:
Chính phủ Việt
Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và quyền của phụ nữ. Tôi được biết trong 227 khuyến nghị được đưa ra trong phiên rà soát định kỳ chu kỳ II, trong đó có những khuyến nghị liên quan tới quyền phụ nữ. Việt Nam đã có một bước tiến tích cực khi ban hành một số chính sách và chiến lược nhằm thúc đẩy bình đẳng giới. Cụ thể là năm qua, Việt Nam đã tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ và đưa ra vấn đề kéo dài tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ.

Đây là một bước tiến tích cực và tôi hy vọng trong thời gian tới, không chỉ những phụ nữ có chuyên môn cao mà tất cả phụ nữ sẽ có quyền bình đẳng về tuổi nghỉ hưu như nam giới. Việt
Nam cũng cần khuyến khích phụ nữ tham chính. Đây là thời điểm quan trọng vì chỉ còn 2 năm nữa (đến năm 2016) sẽ diễn ra việc bầu cử Quốc hội. Việt Nam cần chuẩn bị cho các lãnh đạo nữ, nâng cao chất lượng lãnh đạo và nỗ lực để tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội. 
Đối với vấn đề quyền trẻ em, có thể khẳng định Việt
Nam đã làm rất tốt công tác này, tuy nhiên Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm.

PV: Theo bà, Chính phủ Việt Nam nên áp dụng những giải pháp nào để tiếp tục đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn quyền con người?

Bà Pratibha Mehta: Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ Việt Nam để đảm bảo sự tham gia của người dân trong việc thực hiện quyền con người. Tôi nghĩ điều này cần được phát huy vì quyền con người có ảnh hưởng tới từng thành viên trong xã hội, từng thành viên cũng phải tham gia vào việc thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản của con người. Công tác giáo dục, nâng cao nhận thức về quyền con người và chia sẻ thông tin rất quan trọng; tham vấn và tham gia cũng như nâng cao năng lực ở cấp tỉnh về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người cũng rất quan trọng, đặc biệt là về thực thi pháp luật và hệ thống tư pháp để có thể hoạt động trong khuôn khổ pháp luật liên quan tới quyền con người. Việt Nam cần tiếp tục quá trình tham vấn, chia sẻ thông tin, thúc đẩy giáo dục và nâng cao nhận thức để người dân hiểu rõ về quyền con người; đồng thời nâng cao năng lực các cấp thực thi pháp luật, hệ thống pháp lý...


PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!


Hồng Điệp



Giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới vùng Tây Bắc
Giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới vùng Tây Bắc

Ngày 24/2, tại Thanh Hóa, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã tổ chức Hội nghị biểu dương cán bộ, chiến sỹ tiêu biểu các đồn biên phòng vùng Tây Bắc. Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng,...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN