Lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo phải đảm bảo khách quan, công khai

Thảo luận tại hội trường sáng 10/11 về dự thảo Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến khẳng định: Mục đích việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là thể hiện tinh thần đoàn kết giúp đỡ, đóng góp, xây dựng, cùng tiến bộ để hoàn thành nhiệm vụ được giao, không được lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với mục đích cá nhân, trục lợi; và cũng làm cơ sở cho việc đánh giá cán bộ, quy hoạch đề bạt cán bộ. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải được công khai, minh bạch.


Trước đó, vào chiều 29/10, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết này. Đây là một dự thảo Nghị quyết nhận được sự quan tâm sâu sắc của các vị đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước.


Những ý kiến tâm huyết


Qua tiếp xúc với cử tri ở nhiều địa phương, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của người dân đồng tình với việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.


Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, Hà Sơn Nhin phát biểu ý kiến.
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Cử tri Nguyễn Hải Trưng, xã Phương Liễu, huyện Quế Võ (Bắc Ninh), cho biết: “Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn là hết sức cần thiết góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử. Một trong những nội dung quan trọng có thể coi là hạt nhân của nghị quyết đó là quy định về căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm. Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là yếu tố có thể làm phát sinh trách nhiệm pháp lý như từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm của những người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm”.


Bà Nguyễn Thị Lý, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy (Thái Bình) cho rằng: “Mỗi đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân do nhân dân bầu ra đại diện cho nhân dân thực hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Đứng trước việc phải thể hiện trách nhiệm dân chủ đại diện cho nhân dân mà không có chính kiến thì cũng cần nên được xem xét. Tôi đề nghị dự thảo nghị quyết cũng cần nghiên cứu thiết kế thêm một điều cấm đó là: Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng việc thực hiện nghị quyết này để vận động lôi kéo bè phái cục bộ, lợi ích nhóm để hạ bệ triệt tiêu lẫn nhau vì mục đích cá nhân”.


Ông Nguyễn Văn Tuấn, phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) cho rằng: Chúng tôi muốn biết khi lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu ở mức độ nào, tín nhiệm hay không tín nhiệm. Tư cách đạo đức, lối sống của đại biểu đó ra sao. Đây cũng là cơ sở cho việc giới thiệu, quy hoạch, tái ứng cử khóa tiếp sau hoặc thêm cho cơ sở, đơn vị chủ quản việc xem xét, đánh giá cán bộ và bố trí đơn vị trong thời gian sắp tới.


Lấy phiếu tín nhiệm cần làm thường xuyên


Nhiều ý kiến nhấn mạnh đến nguyên tắc tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng: Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là việc làm thường xuyên như cơm phải ăn, nước phải uống để nuôi sống một cơ thể người không thể thiếu được. Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cũng nhằm mục đích nhắc nhở mỗi chức danh được giao, được bầu cần phải được kiểm tra đánh giá, việc đó đã làm chưa? Làm đến đâu? Cũng như con người ta có ăn đúng bữa, đúng giờ và đúng tiêu chuẩn không?


Quan tâm về quy trình lấy phiếu tín nhiệm, đối với nội dung ghi trên phiếu tín nhiệm, đại biểu Hà Sơn Nhin (Gia Lai) đề nghị cần thể hiện 3 mức độ bao gồm: “Tín nhiệm cao, tín nhiệm trung bình, tín nhiệm thấp. Đề nghị bỏ nội dung “chưa có ý kiến” vì đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân là người đại diện cho nhân dân phải có trách nhiệm theo dõi, giám sát hoạt động của những người đảm nhiệm chức vụ trong bộ máy nhà nước. Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cần có đánh giá khách quan toàn diện cụ thể về thể hiện chính kiến rõ ràng đối với kết quả hoạt động của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Nếu để nội dung chưa có ý kiến trên phiếu sẽ dẫn đến tình trạng không rõ trách nhiệm trong việc nhận xét, đánh giá đối với những người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm”.


Đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều thống nhất: Kết quả lấy phiếu phải công khai, minh bạch, thể hiện rõ sự lãnh đạo của Đảng và tính ổn định bộ máy nhà nước. Ngoài trách nhiệm, người được lấy phiếu tín nhiệm phải chấp hành nhiệm vụ nơi cư trú. Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng nhằm làm rõ thêm trách nhiệm cá nhân của người được lấy phiếu trước Quốc hội, Hội đồng nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy nhà nước.


Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng đây là việc làm cần thiết nhằm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về vấn đề xây dựng Đảng và cũng thể hiện được mong muốn, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước. Nếu làm tốt sẽ thể hiện được vai trò giám sát của Quốc hội, nâng cao được chất lượng của đội ngũ cán bộ và tạo ra được căn cứ pháp lý quan trọng để xử lý những trường hợp không còn đủ tín nhiệm để đảm nhận các cương vị mà Quốc hội đã bầu, phê chuẩn.


Tuy nhiên đây là việc làm mới, rất khó và hệ trọng, liên quan trực tiếp tới đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cho nên đòi hỏi phải làm chắc chắn, thận trọng, công tâm, khách quan, tránh được những ảnh hưởng tiêu cực của các “lợi ích nhóm” và đồng thời cũng tránh được sơ hở để các thế lực thù địch chống đối.


Đánh giá mức độ tín nhiệm phải đa chiều


Lập luận việc lấy phiếu tín nhiệm liên quan mật thiết đến sinh mệnh chính trị của người được lấy phiếu, các đại biểu cho rằng, cần tập hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, có sự kiểm định, kiểm chứng của các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền trước khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.


Về căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm, đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) đồng tình với dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên ông cũng cho rằng các chức danh mà Quốc hội bầu và phê chuẩn thì đều có nguồn gốc sâu xa đó là các chức danh do nhân dân gián tiếp bầu ra. Cho nên một căn cứ quan trọng để đánh giá là cần có ý kiến cử tri, tức là tín nhiệm của cử tri đối với những chức danh này và thông qua tập hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, coi đây là một căn cứ quan trọng cần phải bổ sung vào trong các phần đánh giá. Theo ông Nguyễn Doãn Khánh thì phải có đánh giá nhận xét của cơ quan nơi người đảm nhận chức vụ hiện đang công tác.


Báo cáo đánh giá công tác của cá nhân người được đánh giá trên cơ sở kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, lối sống. Phải cung cấp thêm thông tin về những báo cáo xác minh kiểm tra của cơ quan có trách nhiệm về những nội dung liên quan đến đơn thư khiếu nại, tố cáo, vấn đề liên quan đến công luận xã hội và dư luận xã hội nổi cộm liên quan đến các đối tượng. Cần phải có thông tin về nhận xét đánh giá của cử tri thông qua Mặt trận Tổ quốc. Đối với các đại biểu là đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cần có đánh giá nhận xét của đoàn đại biểu và tổ đại biểu nơi đại biểu này sinh hoạt công tác.


Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ).
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) cho rằng: Là đại biểu Quốc hội thì phải có quan điểm rõ ràng, trách nhiệm với cử tri. Cho nên nếu nói chưa có ý kiến theo dự thảo thì không biết đến bao giờ mới có ý kiến và có vẻ rất lơ lửng. Vì vậy, "có ý kiến khác" ở đây để đại biểu thể hiện yêu cầu, quan điểm của mình, nắm thêm thông tin và sau đó sẽ lấy phiếu tín nhiệm. Giữa mức tín nhiệm cao với tín nhiệm trung bình, theo bà Chi không có cơ sở nào phân định giữa tín nhiệm cao và tín nhiệm trung bình.


Hơn nữa, xét về mục đích lấy phiếu tín nhiệm cao hay tín nhiệm trung bình để làm gì. Bởi vì, xét đến cùng thì vẫn tiếp tục đảm đương công việc đang làm và không giải quyết được vấn đề công tác tổ chức cán bộ đặt ra. Cho nên tôi đề nghị mức độ tín nhiệm chỉ nên tín nhiệm thấp và không tín nhiệm và ý kiến khác. Khi đó hướng xử lý sẽ là những người lấy tín nhiệm mà có 2/3 tín nhiệm thì tốt thì phải tiếp tục phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ. Với những người 2/3 tín nhiệm thấp thì thực hiện quy trình bỏ phiếu tín nhiệm hoặc động viên từ chức.


Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên).
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Đề nghị không lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên kiêm nhiệm


Nhiều đại biểu quan tâm đến nội dung phạm vi lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Nhiều ý kiến tán thành với quy định về phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm bao gồm toàn bộ những người do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn như trong dự thảo Nghị quyết. Quy định như vậy bảo đảm phù hợp với tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm nên làm thí điểm, không nên tràn lan, tránh hình thức, vì vậy không nên mở rộng phạm vi người được lấy phiếu tín nhiệm ra tất cả những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bao gồm cả thành viên Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội…


Liên quan đến nội dung này, các đại biểu: Vi Thị Hương (Điện Biên), Trần Minh Thống (Kiên Giang), Triệu Là Pham (Hà Giang) và nhiều đại biểu khác đề nghị không nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên kiêm nhiệm công tác tại các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội vì đa số những người này đều là người đứng đầu các cơ quan chuyên môn của các địa phương, ngành nên không có nhiều thời gian dành cho hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Do đó, không có căn cứ để đánh giá hiệu quả hoạt động.


Đại biểu Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang) đề nghị bỏ Khoản 2, Khoản 4 Điều 5 không lấy phiếu tín nhiệm đối với các phó chủ tịch, các ủy viên của Hội đồng Dân tộc, các phó chủ nhiệm, các ủy viên các Ủy ban của Quốc hội và các phó trưởng ban, ủy viên các hội đồng nhân dân. Chỉ nên tập trung lấy phiếu tín nhiệm đối với một số người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn được quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 5 của dự thảo Nghị quyết. Theo đó, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, tổng số là 49 người.


Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái) cho rằng các thành viên Hội đồng Dân tộc và các ủy ban chủ yếu là hoạt động kiêm nhiệm và rất nhiều thành viên không giữ trọng trách và dành phần lớn thời gian để hoạt động ở cơ sở, địa phương. Vì thế, nếu tổ chức lấy phiếu tín nhiệm theo tôi chỉ mang tính hình thức và không cần thiết.

Đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái).
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Về tên gọi của Điều 12, đại biểu Vũ Thị Hương Sen (Hải Dương) đề nghị sửa thành những người bỏ phiếu bất tín nhiệm cho dễ hiểu và thể hiện rõ mục đích yêu cầu và đối tượng cần bỏ phiếu. Tại Điểm b, Khoản 1 điều này quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn quy định tại Khoản 1, Điều 5 của Nghị quyết khi có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội tương đương với 100 đại biểu là rất khó khả thi và nếu để thì cần làm rõ cơ chế cách thức để lấy đủ 20% kiến nghị của đại biểu Quốc hội.



Nguyễn Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN