Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp xúc cử tri

Ngày 2/5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp xúc cử tri quận 1 và quận 3, TP Hồ Chí Minh. Chia sẻ với cử tri về công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, Chủ tịch nước cho rằng: “Phòng, chống tham nhũng hiện là vấn đề hết sức nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân. Đảng, Nhà nước và Quốc hội luôn lắng nghe ý kiến cử tri cả nước để tổ chức bộ máy làm công tác phòng, chống tham nhũng tốt hơn, hoạt động phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả hơn”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 1 (TP Hồ Chí Minh) tiếp xúc cử tri quận 3. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN


Theo ý kiến của các cử tri, mặc dù quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước và Quốc hội về phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí là rất lớn, nhưng thực tế diễn ra vẫn nhức nhối, phức tạp, chưa thật sự hiệu quả. Hầu hết cử tri đều không tán thành mô hình tổ chức như hiện nay, khi thủ trưởng đơn vị lại là người đứng đầu bộ máy phòng, chống tham nhũng.

Cử tri Nguyễn Hữu Châu (cán bộ hưu trí quận 3) bày tỏ: “Nạn tham nhũng chính là cản trở lớn nhất cho công cuộc thực hiện ‘dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh’ ở nước ta". Do đó, đề nghị nên lập ủy ban chống tham nhũng với người đứng đầu và các thành viên là chuyên trách và ủy ban này có tính độc lập tương đối. Cử tri Bùi Đức Tráng (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) nhận xét, hiện chưa có cơ chế thực sự rõ ràng để người dân tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của cử tri, Chủ tịch nước cho biết: Trung ương đang lấy ý kiến về tổ chức bộ máy làm công tác phòng, chống tham nhũng, tổ chức chỉ đạo công tác này sao cho hoạt động hiệu quả. Hiện còn nhiều luồng ý kiến khác nhau như giữ nguyên bộ máy hiện tại; thay đổi bộ máy theo hướng thuộc Quốc hội, hoặc thuộc Trung ương Đảng; hay tham khảo các nước trên thế giới làm tốt về chống tham nhũng để lập một ủy ban độc lập hoàn toàn. Nhưng dù theo mô hình tổ chức nào thì bộ máy mới phải đảm bảo đạt hiệu quả thiết thực, cụ thể và rõ rệt hơn so với trước; đồng thời công tác phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay phải gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng.

Chủ tịch nước khẳng định, để Quốc hội hoạt động ngày càng thực chất, hiệu quả hơn, thực hiện tốt vai trò giám sát tối cao của mình, rất cần cử tri hiến kế, góp ý nhiều hơn nữa để chức năng giám sát tối cao của Quốc hội được thực thi ngày càng hiệu quả. Công tác tiếp xúc cử tri hiện đang được đổi mới với nhiều hình thức đa dạng như tiếp xúc tại văn phòng, theo nhóm, cá nhân, gặp riêng từng đại biểu Quốc hội, tiếp xúc cử tri tại cơ sở, khu phố, phường… Các đại biểu Quốc hội luôn lắng nghe, tiếp thu, làm sao để tâm tư, nguyện vọng của cử tri, ý kiến từ cơ sở được phản ánh đầy đủ lên diễn đàn Quốc hội.

lNgày 2/5, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cùng Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Thanh Mẫn, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và các thành viên trong đoàn ĐBQH khóa XIII TP Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri tại huyện Vĩnh Thạnh và quận Thốt Nốt.

Tại hai điểm tiếp xúc cử tri, đại diện đoàn ĐBQH khóa XIII TP Cần Thơ đã thông báo đến đại diện cán bộ, trí thức, chức sắc tôn giáo, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn những vấn đề quan trọng dự kiến sẽ thảo thuận, thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII sắp tới, đồng thời trao đổi với cử tri về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước...

Sau khi nghe đại diện đoàn ĐBQH Cần Thơ báo cáo, cử tri huyện Vĩnh Thạnh và quận Thốt Nốt đề nghị Trung ương và lãnh đạo thành phố quan tâm về vấn đề giá lúa không ổn định làm ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của nông dân; tình hình điện, nước, giá xăng dầu liên tục tăng; vệ sinh môi trường, y tế cơ sở chậm cải thiện; tiếp cận vay vốn ngân hàng khó khăn; đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới tiến độ còn chậm…, đặc biệt là hạ tầng giao thông chưa tương xứng nhằm tạo điều kiện giúp các địa phương phát triển. Cử tri cũng cho rằng, công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội thời gian qua có nhiều tiến bộ, nhiều luật có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống người dân. Tuy nhiên, công tác triển khai, thực thi pháp luật của một số cơ quan chức năng vẫn còn hạn chế...

Sau khi tiếp thu những ý kiến đề đạt của cử tri, đồng chí Lê Hồng Anh đã cảm ơn những ý kiến đóng góp, chia sẻ chân thành của cử tri TP Cần Thơ. Trước tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước có nhiều yếu tố tác động tiêu cực, đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị cử tri chia sẻ với Đảng, Nhà nước để cùng nhau thực hiện tốt những chủ trương, vượt qua những tác động xấu. Đồng chí Lê Hồng Anh mong cử tri mạnh dạn bày tỏ kiến nghị, trách nhiệm công dân của mình trên các lĩnh vực, nhất là phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe, chăm lo giáo dục, giữ gìn an ninh trật tự để cùng nhau xây dựng, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo làm ảnh hưởng an ninh trật tự trên địa bàn. Bên cạnh đó, đồng chí Lê Hồng Anh cũng phân tích, giải thích cụ thể một số vấn đề mà cử tri quan tâm.
Đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải quan tâm, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, xem xét giải quyết theo đúng pháp luật, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân làm tốt chức năng giám sát, đóng góp cùng chung tay xây dựng hệ thống chính trị địa phương ngày càng vững mạnh.

lNgày 2/5, đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đã tiếp xúc cử tri tại phường Đình Bảng và xã Phù Khê (thị xã Từ Sơn), xã Phú Lâm, Hiên Vân (huyện Tiên Du). Cùng dự tiếp xúc cử tri có Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến; lãnh đạo một số ban, ngành của tỉnh và thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du.

Trước đông đảo cử tri, đồng chí Tô Huy Rứa đã thông báo dự kiến nội dung kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII; thông báo kết quả trả lời của các cơ quan chức năng đối với ý kiến, kiến nghị của cử tri; nghe, trực tiếp trả lời và tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri trình Quốc hội vào kỳ họp tới. Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du cũng đã trực tiếp giải trình, trả lời các ý kiến, kiến nghị cử tri nêu thuộc thẩm quyền.

Cử tri tại các điểm tiếp xúc mong muốn Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục nâng cao vai trò trách nhiệm, kịp thời phản ánh những ý kiến, kiến nghị của cử tri đến Quốc hội. Cử tri kiến nghị các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện và hoàn thiện các chính sách về: Chế độ đối với cán bộ xã, người cao tuổi, cán bộ ngành y tế, giáo dục, đối tượng nạn nhân chất độc da cam; xử lý ô nhiễm môi trường; đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới; quản lý và sử dụng đất đai; kiềm chế lạm phát, bình ổn giá; công tác quản lý báo chí...

Đồng chí Tô Huy Rứa cho rằng, đối với các vấn đề bức xúc của cử tri kiến nghị, các cơ quan chức năng cần tập trung giải quyết, nhất là tình trạng làm giả hồ sơ để hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp thương, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam; vấn nạn tham nhũng, lãng phí; tình trạng ô nhiễm môi trường; tội phạm và tệ nạn về ma túy; công tác quy hoạch và kiểm tra, giám sát tiến độ đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm trên địa bàn, nhất là các tuyến đường giao thông quan trọng… Những vấn đề trên sẽ được đại biểu Quốc hội tiếp thu nghiêm túc để tổng hợp trình Quốc hội vào kỳ họp tới.

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN