Ký ức về Bác của nhà quay phim dân tộc Thái

Nhân kỷ niệm 127 năm Ngày sinh nhật Bác, chúng tôi đến xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, tìm gặp ông Điêu Chính Dụng (sinh năm 1936) - nhà quay phim người dân tộc Thái đầu tiên được Ban biên tập, Xưởng phim Thời sự - Tài liệu Trung ương giao thực hiện rất nhiều thước phim về Bác Hồ, giai đoạn 1966 - 1971.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Thái có truyền thống cách mạng ở bản Hé, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Sơn La), năm 1961, ông Điêu Chính Dụng được Sở Văn hóa khu Tây Bắc cử đi học quay phim tại Xưởng phim Thời sự - Tài liệu Trung ương. Sau 4 năm vừa học vừa làm, ông đã hoàn thành khóa học, được kết nạp Đảng và được giữ lại làm phóng viên quay phim tại xưởng phim.

Chân dung nhà quay phim người dân tộc Thái Điêu Chính Dụng. Ảnh: Diệp Anh/TTXVN

Năm nay đã hơn 80 tuổi, nhưng ông Điêu Chính Dụng vẫn còn khá minh mẫn. Trong ký ức của ông, kỷ niệm sâu sắc nhất về Bác là vào chiều 1/12/1968, ông được Ban biên tập Xưởng phim Thời sự - Tài liệu Trung ương phân công đi quay hình ảnh đoàn dũng sỹ thiếu niên miền Nam ra Thủ đô thăm và báo cáo thành tích với Bác cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Phủ Chủ tịch. Trong lúc đang tập trung quay những hình ảnh về Bác với các cháu dũng sỹ, bỗng ông thấy Bác lại gần, ân cần hỏi han về công việc. Sau khi biết ông làm việc tại Xưởng phim Thời sự - Tài liệu Trung ương, Bác nhẹ nhàng nói: Công việc quay phim, chụp ảnh của các cháu không đơn thuần để giải trí mà còn làm công tác chính trị, tư tưởng, tuyên truyền và giáo dục nữa đấy. Lời dặn dò, chỉ bảo của Bác đã theo ông trong suốt chặng đường làm nghề sau này.

Ông Dụng cho chúng tôi xem tấm ảnh ông và đoàn làm việc chụp với Bác Hồ vào ngày 17/2/1969, khi Bác dự lễ trồng cây tại Bất Bạt, Ba Vì, tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội). Ông kể, sau khi trồng cây, trên đường về nhìn xuống chân đồi thấy đông người quá, Bác hỏi các đồng chí bảo vệ và được biết đó là nhân dân, cán bộ và bộ đội, biết Bác lên trồng cây nên mọi người chờ để được nhìn thấy Bác. Mặc dù lúc ấy Bác đã mệt, các đồng chí bảo vệ đã mời Bác lên xe để khi xe đi đến chỗ đồng bào sẽ chạy chậm lại và Bác sẽ đưa tay ra vẫy chào, nhưng Bác khẽ nói, đồng bào chờ từ sáng đến giờ để được nhìn thấy Bác mà ngồi trong xe đi qua thì không nên. Bác cháu ta cùng đi bộ để đồng bào được thấy. Bác đã đi bộ một quãng đường xa để gặp đồng bào rồi mới lên xe.

Bức ảnh ông Điêu Chính Dụng (mặc áo đen) được chụp với Bác Hồ trong lễ trồng cây ngày 17/2/1969, tại Bát Bạt, Ba Vì, tỉnh Hà Tây cũ.

Thời điểm ghi lại hình ảnh Bác gặp gỡ đồng bào, trong tiếng hô vang “Bác Hồ muôn năm, Bác Hồ muôn năm” của mọi người, nhà quay phim Điêu Chính Dụng đã nghe rõ có người nói rằng chưa bao giờ họ nhìn thấy rõ Bác như vậy, họ cảm thấy sung sướng và hạnh phúc.


Giờ đây, hình ảnh và những lời nói của Bác Hồ vẫn in đậm trong tâm trí nhà quay phim người Thái này. Chậm rãi đặt chén nước chè lên bàn, ông Dụng nói, sau này, dù đã trải qua bao vị trí và công việc, nhưng thời gian được làm phóng viên quay phim, được gặp Bác Hồ vẫn là quãng đời đáng tự hào nhất của ông. Bài học làm nghề, làm người mà Bác dạy luôn sống mãi trong trái tim của ông.

Diệp Anh (TTXVN)
Kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ 19/5: Trường Dục Thanh nhớ Bác
Kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ 19/5: Trường Dục Thanh nhớ Bác

Trường Dục Thanh được xây dựng năm 1907 trong khu đất của anh em cụ Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh, con của nhà thơ, nhà văn yêu nước Nguyễn Thông (1827 - 1884).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN