Kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Vĩnh Long

Tối 28/4, tại quảng trường thành phố Vĩnh Long, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Vĩnh Long, 285 năm thành lập Long Hồ Dinh, 42 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Tham dự lễ kỷ niệm có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố lân cận; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; các đồng chí lão thành cách mạng và đông đảo nhân dân trong tỉnh.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN

Theo Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long Trương Văn Sáu, sau 25 năm tái lập tỉnh, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức của một tỉnh thuần nông, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, Vĩnh Long đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Theo đó, kinh tế của tỉnh phát triển, tăng trưởng liên tục theo hướng bền vững. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 1992 - 2016 tăng bình quân hàng năm trên 8%; quy mô nền kinh tế ngày càng lớn, GRDP năm 2016 tăng gấp 7 lần so năm 1991 (trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng trên 21 lần, dịch vụ tăng 14 lần); GRDP bình quân đầu người năm 2016 đạt 41 triệu đồng/người, tăng 27 lần so năm 1992. Từ chỗ tỉnh thuần nông, đến nay công nghiệp và dịch vụ chiếm gần 70%. Toàn tỉnh có 29/89 xã được công nhận xã nông thôn mới.

Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt an sinh xã hội, chính sách đền ơn đáp nghĩa, đến nay 98% gia đình người có công có mức sống trung bình hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Qua 25 năm, tỉnh đã xây dựng và sửa chữa 13.573 căn nhà tình nghĩa; vận động xây dựng 8.739 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, trong đó có hộ Khmer nghèo gặp khó khăn về nhà ở. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm, từ trên 13% vào năm 1994 hiện còn dưới 5%.

Tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trân trọng trao Huân chương Độc lập Hạng Nhất (lần thứ 2) - phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long.

Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, Vĩnh Long là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi đã sinh ra những nhà lãnh đạo, nhà khoa học lớn, có nhiều đóng góp cho đất nước. Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo hơn 30 năm qua, đặc biệt là sau 25 năm tái lập, trong điều kiện của một tỉnh có xuất phát điểm thấp, sản xuất chủ yếu là nông nghiệp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Long đã nêu cao truyền thống yêu nước và cách mạng, đoàn kết, phát huy mọi nguồn lực, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, đưa tỉnh vươn lên thành tỉnh trung bình khá trong khu vực, với nhiều thành tựu nổi bật và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.

Đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, là tỉnh có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, ở vị trí trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, là nơi kết giao của 2 trung tâm kinh tế lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gắn Huân chương Độc lập hạng Nhất (lần thứ 2) lên Cờ truyền thống của tỉnh Vĩnh Long.

Đồng chí Võ Văn Thưởng lưu ý, để đạt được mục tiêu là tỉnh khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Vĩnh Long cần thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng về đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế; thúc đầy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tỉnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng hiệu quả, bền vững; phát triển nhanh các vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất-chế biến-tiêu thụ sản phẩm; nghiên cứu và ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản.

Bên cạnh đó, Vĩnh Long cần chọn đúng trọng tâm, trọng điểm để thực hiện có hiệu quả 3 khâu đột phá mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra với tinh thần đổi mới, tiến công; có lộ trình, bước đi phù hợp; phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường. Tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đạo đức công vụ; cải thiện môi trường đầu tư; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục và dạy nghề; tăng cường đầu tư phát triển khoa học, công nghệ trong bối cảnh thế giới bước vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng đề nghị tỉnh Vĩnh Long làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đẩy mạnh đấu tranh, phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".

Đồng chí Võ Văn Thưởng tin tưởng, với truyền thống vẻ vang của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng và yêu nước, phát huy những thành tựu và kinh nghiệm có được trong quá trình đổi mới, đặc biệt là sau 25 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Long đoàn kết, nhất trí, chung sức, chung lòng, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, hội nhập và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, thực hiện thắng lợi và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra, xây dựng Vĩnh Long ngày càng giàu đẹp, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Tại buổi lễ, 130 tổ chức và cá nhân trong và ngoài tỉnh đã đăng ký ủng hộ cho các chương trình an sinh xã hội và quỹ vì người nghèo của tỉnh với số tiền 503,1 tỷ đồng; trong đó đóng góp cho các chương trình an sinh xã hội là 484,6 tỷ đồng và quỹ vì người nghèo là 18,5 tỷ đồng.

Phạm Minh Tuấn (TTXVN)
Vĩnh Long nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Vĩnh Long nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Năm 2017, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu thành lập mới 60 tổ hợp tác, 10 hợp tác xã, 1 liên hiệp hợp tác xã; tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân hàng năm của các hợp tác xã trên 10%; thu nhập bình quân của người lao động tăng 10% so với năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN