Kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước: Bác ra đi để giúp “đồng bào chúng ta”

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2011), Tin Tức Cuối Tuần xin trích dẫn một số bài viết của một số nhà khoa học nghiên cứu về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

PGS. TS Vũ Quang Hiển, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: Khẩu hiệu "Tự do - Bình đẳng - Bác ái" của Cách mạng Pháp với việc ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà Nho giàu lòng yêu nước, Nguyễn Tất Thành được học chữ Hán ngay từ lúc đến tuổi đi học, lên 10 tuổi đã được học từ thầy Vương Thúc Quý tư tưởng yêu nước thương dân và chí làm trai phải giúp ích cho đời, được biết về thời cuộc quan hệ tới sự sống còn của dân tộc qua những câu chuyện của những sĩ phu yêu nước thường lui tới nhà thầy và nhà thân phụ. Nguyễn Tất Thành có sự am tường về Nho giáo. Đó “không phải là tôn giáo mà là một thứ khoa học về kinh nghiệm đạo đức và phép ứng xử. Và trên cơ sở đó, người ta đưa ra khái niệm về “thế giới đại đồng”[1]. Sau này, Hồ Chí Minh từng nhắc lại lời của Mạnh Tử: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, và cho rằng: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân… Trong xã hội không gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”[2].

Nguyễn Ái Quốc với một số đại biểu dự Đại Hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V (7/1924) tại Mátxcơva. Ảnh: Tư liệu.

Khi làm thầy giáo ở Trường Dục Thanh, Phan Thiết (1910), lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành được đọc Tân thư dịch sang chữ Hán trong gia đình cụ Nguyễn Thông, được tiếp cận với tư tưởng của những văn hào và triết gia Pháp đã khởi xướng các thuyết nhân quyền, dân quyền, tự do, bình đẳng, bác ái như J.J. Rousseau, Ch. De Montesquieu, Fr. Voltaire…

Với Nguyễn Tất Thành, những chữ: Tự do, Bình đẳng, Bác ái, lúc đó thật là mới mẻ, nhưng chưa thể hiểu nổi. Người muốn xem những thứ đó ở nước Pháp ra sao? Trả lời phỏng vấn của phóng viên Giôvanni Giécmanéttô (báo L’UNITÀ của Đảng Cộng sản Italia), Nguyễn Ái Quốc nói: “Trước đây tôi có đọc một số tờ báo phát hành sang nước tôi, một vài tờ có tính chống đối ở An Nam, có những người lính lê dương do Poăngcarê (Poincaré) gửi sang để cải huấn. Những người lính lê dương này đọc đủ thứ, họ là những kẻ chống đối về bản chất. Họ cho tôi đọc các báo Pháp. Vì thế tôi nảy ra ý muốn sang xem “mẫu quốc” ra sao và tôi đã tới Pari”[3].

Trong bối cảnh đất nước và thời đại đầu thế kỷ XX, việc ra đi tìm một phương hướng cứu nước của Nguyễn Ái Quốc thể hiện sự mong muốn tiếp thu giá trị văn hóa nhân loại, là sự khởi động để làm cho Cách mạng Việt Nam hội nhập vào các trào lưu cách mạng thế giới. Phải chăng đó cũng chính là nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Và như vậy, với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh văn hóa không phải là cái nhất thành bất biến, bản sắc văn hóa Việt Nam không phải là cái bất động mà con người phải giữ nguyên lấy nó.

Sự tích lũy và kết hợp những tinh hoa văn hóa dân tộc và thời đại, văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây là cơ sở để sau này Nguyễn Ái Quốc - con người “giàu quốc tế, đậm Việt Nam từng nét”- tiếp thu tư tưởng vô sản và làm thăng hoa tất cả những giá trị đó trong điều kiện xã hội thuộc địa, hình thành nên học thuyết cách mạng Hồ Chí Minh.

Được chứng kiến những thất bại của các phong trào yêu nước chống Pháp, từ lòng yêu nước và khát vọng giải phóng dân tộc, năm 1911 Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Trước khi đi, Tất Thành bàn với một người bạn thân: “Tôi muốn đi ra ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình, thật ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm… Anh muốn đi với tôi không?”. Khi người bạn hỏi: “Lấy đâu ra tiền mà đi?”, Nguyễn Tất Thành vừa nói, vừa giơ hai bàn tay một cách tự tin và kiên quyết: “Đây, tiền đây… Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”[4].

Mục đích chuyến đi của Nguyễn Tất Thành không phải để kiếm cách sinh nhai, mà chủ yếu là để tìm hiểu thế giới bên ngoài, nhất là thế giới phương Tây, với hy vọng tìm được điều hữu ích để “giúp đồng bào chúng ta”. Đó không phải là một cuộc hành trình phẳng lặng, mà là một con đường đầy gian truân đang chờ sẵn.

Nguyễn Tất Thành thấy rõ, ở Việt Nam, nhân dân “là những người nông dân bị nhấn chìm trong bóng đêm hết sức tối tăm”, “không ai hiểu bây giờ trên thế giới đang diễn ra những gì; đêm tối, thực sự là đêm tối”. Người Pháp ở Đông Dương không cho người Việt Nam xem sách báo. “Không phải chỉ sách của những nhà văn mới, mà cả Rútxô và Môngtexkiơ cũng bị cấm. Thân phận người An Nam chỉ là thân phận người nông nô”. Họ không có tự do đi lại, mà bị cấm, “không phải chỉ là bị cấm đi du lịch ra nước ngoài mà cả đi lại trong nước cũng không được”[5].

Thiên tài trí tuệ và nhãn quan chính trị sắc bén giúp Nguyễn Tất Thành nhận thấy, trong các phong trào cứu nước của ông cha đều có những hạn chế. Chính vì thế, mặc dù rất khâm phục tinh thần cứu nước của ông cha, nhưng Nguyễn Ái Quốc không đi theo con đường của họ, mà quyết tâm ra đi tìm một con đường mới, mà trước mắt là con đường xem xét, học hỏi.

Một lần trả lời nhà văn Mỹ Anna Luyxơtơrông, Nguyễn Ái Quốc nói: “Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”[6].

Ngày 5/6/1911, mở đầu cuộc hành trình đi tìm chân lý của Văn Ba. Đó là chuyến đi một mình, không theo một tổ chức nào, cũng không có nguồn tài trợ. Hành trang của Người là chủ nghĩa yêu nước và hai bàn tay lao động, nhưng với quyết tâm và nghị lực phi thường.

GS.TS Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia
Hồ Chí Minh:  Người tìm đường, mở đường và dẫn đường cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam

100 năm đã qua, kể từ ngày 5/6/1911, với tên là Văn Ba, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này mang nhiều tên khác, trong đó có những cái tên nổi tiếng là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) rời bến Nhà Rồng (Sài Gòn) ra đi tìm con đường mới để cứu nước. Cuối năm 1920, với sự kiện tham gia Đại hội Tua của Đảng Xã hội Pháp và ngay sau đó tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, Người đã chính thức tìm thấy con đường cứu dân, cứu nước đúng đắn – con đường theo cách mạng vô sản, theo chủ nghĩa Mác – Lênin, mở ra một hướng phát triển mới cho dân tộc Việt Nam.

Điểm đầu tiên tôi muốn nhấn mạnh trong sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh là Người đã có ý thức rõ ràng đi tìm một con đường cứu nước, cứu dân mới vào đầu thế kỷ XX khi các con đường cứu nước do các vị cách mạng tiền bối nêu lên và thực thi đều bị bế tắc.

Chính trong bối cảnh đó, xuất hiện luồng gió mới mà những trí thức Việt Nam yêu nước là những người cảm nhận được trước hết. Sẵn lòng yêu nước, nhạy cảm với thời cuộc, qua tiếp xúc với một số sách báo tiếng Pháp, tiếng Trung Hoa, họ bắt gặp tư tưởng dân chủ tư sản. Dù thực dân Pháp cố tình bưng bít như thế nào đi chăng nữa song những tư tưởng của Cách mạng Pháp năm 1789, của Cách mạng Nga (1905-1907), của trào lưu tư tưởng tư sản Trung Quốc, nhất là cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911 với tư tưởng “Tam dân” của lãnh tụ Tôn Trung Sơn, v.v. vẫn dội vào Việt Nam. Hơn nữa, cùng với nhịp điệu ngày càng tăng của sự khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, xã hội Việt Nam ngày càng phân hóa mạnh mẽ hơn. Đầu thế kỷ XX, những giai cấp, tầng lớp mới xuất hiện: Giai cấp vô sản, tầng lớp tiểu tư sản, trí thức. Đồng thời, nhiều sĩ phu vốn thuộc thành phần giai cấp phong kiến, theo Nho học, sau bao trăn trở trước thời cuộc, đã chuyển mình sang lập trường dân chủ tư sản. Nổi bật nhất đầu thế kỷ XX là phong trào cứu nước do cụ Phan Bội Châu lãnh đạo với mục đích giành độc lập dân tộc bằng bạo động vũ trang để lập chế độ đại nghị cộng hòa, v.v.

Nguyễn Tất Thành ra đi tìm con đường cứu nước mới ở vào quãng thời gian đặc biệt đó của lịch sử dân tộc Việt Nam. Ở Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh hội đủ những yếu tố cần thiết cho sự dấn thân vào quá trình tìm đường, mở đường, dẫn đường cho dân tộc Việt Nam phát triển: Ý chí lớn lao, tinh thần ham học hỏi, sẵn sàng vượt qua bao gian truân, từ một anh thanh niên học sinh gầy gò, mảnh khảnh tự nguyện hòa vào cuộc sống của người lao động chân tay (thuộc về giai cấp cần lao) để trực tiếp cảm nhận về thời cuộc, v.v. Lúc Người rời bến Nhà Rồng để đi sang Pháp và các nước phương Tây, chỉ với hai bàn tay và khối óc đầy nhiệt huyết, sẵn sàng chấp nhận mọi hiểm nguy. Đến nước nào, Người cũng làm việc để kiếm sống và hoạt động. Đi đến đâu Người cũng tự nghiên cứu, tự học. Cả cuộc đời của Người là sự tu dưỡng, rèn luyện, coi tất cả các sự kiện của cuộc sống là những bài học sống động cho mình. Hồ Chí Minh không có bằng cấp của học đường, nhưng ở Người hội đủ những tri thức uyên bác, cổ kim Đông – Tây, là sự chắt lọc, tiếp biến văn hóa, đúc kết thành khối tri thức và bản lĩnh chính trị, nhân cách cao đẹp của con người Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Nguyễn Ái Quốc tiếp nhận chủ nghĩa Mác – Lênin qua đó tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn là bởi những yếu tố đó, khác với những người Việt Nam ở Pháp lúc đó cũng giỏi giang nổi tiếng: Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh…

Điểm thứ ba trong sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh là tìm được con đường cứu nước đúng đắn rồi, không phải cứ thế con đường đó được vận hành suôn sẻ vào Việt Nam. Sau năm 1920 là thời gian trường kỳ truyền bá, huấn luyện, tổ chức để đưa con đường cứu nước đúng đắn về thực hành trên đất nước Việt Nam, mà một vấn đề có tính then chốt nhất là thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam – một tổ chức có tính quyết định đến sự thành bại của cách mạng Việt Nam, một tổ chức vạch đường, chỉ lối, lãnh đạo đoàn kết toàn dân tộc, hòa cùng thời thế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đoàn kết trong nước với đoàn kết quốc tế để cho dân tộc Việt Nam phát triển trên con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Hồ Chí Minh qua đời năm 1969, lúc sự nghiệp cách mạng nước ta đang ở vào thời điểm rất cam go: Cuộc chống Mỹ, cứu nước đang ở vào giai đoạn quyết liệt nhất sau Mậu Thân; sự nghiệp xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương của tiền tuyến lớn miền Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn... Đi theo con đường của Người, thực hiện tốt sự chỉ dẫn của Hồ Chí Minh ghi trong tài liệu “Tuyệt đối bí mật” (Di chúc), Cách mạng Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và giành được nhiều thắng lợi: Toàn thắng trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; đưa cả nước lên chủ nghĩa xã hội, đổi mới toàn diện đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Sự nhân lên sức mạnh ý nghĩa của sự kiện lịch sử ngày 5/6/1911 cách đây 100 năm cũng như sự tiếp nối con đường của Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay thể hiện chủ yếu ở chỗ:

Trước hết, kiên định, kiên định hơn nữa; sáng tạo, sáng tạo hơn nữa. Đó là sự kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, thực hiện tốt Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011).

Hai là, đặc biệt chú trọng xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, trong đó vấn đề then chốt là xây dựng và chỉnh đốn Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Hồ Chí Minh coi Đảng như người cầm lái cho con tàu đi, coi việc “trước hết”, việc thường xuyên là chỉnh đốn Đảng, là điều trăn trở khôn nguôi của Người. Cần đề phòng và chống sự sai lầm về đường lối và thoái hóa, biến chất Đảng. Điều này là nguy cơ trong giai đoạn hiện nay với sự mở cửa, kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.

Điều đặc biệt quan trọng nhất hiện nay để bảo đảm cho con đường của Hồ Chí Minh được tiếp nối một cách đúng đắn trên phương diện xây dựng Đảng là ở hai vấn đề trọng yếu: (i) Chống đặc quyền, đặc lợi ở trong Đảng và (ii) Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự trong sạch, vững mạnh.

Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền từ năm 1945 trở đi và từ năm 1988 là chính đảng duy nhất trong xã hội Việt Nam. Vai trò cầm quyền, lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam không tự nhiên mà có và không phải cứ tự nhận mà được. Sở dĩ có được vai trò đó là do quá trình phấn đấu không mệt mỏi, vượt qua bao thử thách nghiệt ngã trong các thời kỳ cách mạng của Đảng và Đảng đã được nhân dân tin yêu trao trọng trách lãnh đạo. Đảng Cộng sản Việt Nam đã biến cái có thể thành hiện thực.

Sự nghiệp cách mạng thành hay bại phụ thuộc vào yếu tố đội ngũ cán bộ, đảng viên vì nhân sự nào thì quan điểm ấy, nhân sự nào thì đường lối ấy, nhân sự nào thì phong trào ấy… Mỗi một cán bộ, đảng viên phải luôn luôn học tập một cách thực sự tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, có hành động thiết thực học tập có kết quả tư tưởng và gương Hồ Chí Minh, như thế thì mới tiếp nối được con đường mà Người đã khổ công tìm thấy và dẫn dắt dân tộc Việt Nam phát triển bao nhiêu năm nay.

Cả cuộc đời Hồ Chí Minh vất vả, đầy lo toan cho sự nghiệp lớn lao. Mỗi cán bộ, đảng viên chỉ cần làm được một cách có hiệu quả một phần nhỏ theo gương đạo đức Hồ Chí Minh thôi thì sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong giai đoạn tới chắc chắn sẽ phát triển mạnh.

--------

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 1, tr. 477.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 276.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 480.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, t.1, tr. 476-477.

[5] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Chính trị quốc gia và Nxb Trẻ, Hà Nội, 2005, tr 25-26.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN