Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII: Ưu tiên hơn nữa cho tam nông

Sáng 27/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011-2015; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2012.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, Ya Duck phát biểu ý kiến.


Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ về những kết quả đạt được năm 2011; khẳng định những kết quả đạt được thể hiện sự quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận, cùng chia sẻ khó khăn của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, chưa đảm bảo tính ổn định và bền vững, nhất là trong tình hình kinh tế thế giới tiếp tục còn diễn biến phức tạp, khó lường và nền kinh tế trong nước bộc lộ khó khăn ngày càng sâu sắc hơn. Các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục thận trọng, linh hoạt, kiên quyết, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành theo đúng mục tiêu, lộ trình, giải pháp đã được xác định; tăng cường khả năng dự báo tình hình; giải quyết tốt mối quan hệ giữa việc thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược với việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Trong đó, đầu tư xây dựng nông nghiệp, nông thôn, vùng dân tộc, miền núi là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.

Đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực miền núi, nông thôn còn hạn chế

Đại biểu Ya Duck (Lâm Đồng) cho rằng, kinh tế xã hội vùng dân tộc, miền núi hiện còn khó khăn, giao thông và các công trình hạ tầng chủ yếu mới ở mức ban đầu, phục vụ cho sản xuất nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế hàng hóa, tập trung phát triển nông thôn, nông nghiệp. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét tăng tỷ lệ chi đầu tư phát triển đạt từ 28 - 30% trong tổng chi ngân sách nhà nước. Về hỗ trợ vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, cần tiếp tục ban hành cơ chế chính sách để thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 3 nhằm phát triển kinh tế - xã hội các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang) đề nghị tăng cường quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) bởi xét về mặt xã hội, tổng mức đầu tư của các nguồn xã hội cho tam nông đang có chiều hướng giảm, chỉ còn hơn 6%, trong khi các nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này không đáng kể. Các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản vừa ít về số lượng vừa ít về số vốn. Đại biểu cho rằng, công cụ, phương tiện hữu hiệu nhất để tăng nguồn đầu tư xã hội cho lĩnh vực này chủ yếu là về cơ chế, chính sách và việc quản lý điều hành của Nhà nước, phải tạo ra được sự hấp dẫn thật sự về hỗ trợ, ưu đãi, điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp so sánh.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, Trương Minh Hoàng phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn -TTXVN


Theo đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau), đầu tư cho tam nông còn dàn trải, thiếu đồng bộ; nhiều công trình, dự án chưa phát huy được hiệu quả do nhiều nguyên nhân. Đại biểu đề nghị không cắt giảm dự án giao thông, điện, thủy lợi, đê biển, đê sông; dành quan tâm thích đáng nâng cao nguồn nhân lực nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động; chuẩn bị tốt các điều kiện vật chất, kỹ thuật, tài chính để thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2014, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Các đại biểu Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An), Nguyễn Thái Học (Phú Yên), Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) và nhiều đại biểu khác cho rằng: Nguồn kinh phí đầu tư cho tam nông còn hạn hẹp, chính sách thu hút doanh nghiệp vào nông thôn còn bất cập, đồng thời đề nghị cắt giảm đầu tư công nhưng vẫn quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn, việc cắt giảm phải có nguyên tắc, kế hoạch cụ thể, không cào bằng. Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân cần được ưu tiên hơn nữa, chú trọng địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa…

Nhận thức sâu sắc hơn về mô hình nông thôn mới

Đề cập vấn đề xây dựng nông thôn mới, đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) cho rằng trong quá trình thực hiện đã nảy sinh một số khó khăn như: Nhiều địa phương chưa nhận thức rõ ràng về mô hình nông thôn mới. Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới gồm 19 tiêu chí nhưng có 5 nhóm tiêu chí rất phức tạp dẫn đến nhiều địa phương không thể đạt chuẩn. Công tác quy hoạch nông thôn mới giao cấp xã làm chủ đầu tư, nhưng trên thực tế, kỹ năng và năng lực cán bộ lập kế hoạch và giám sát kế hoạch còn hạn chế.

Theo đại biểu, tình trạng bê nguyên quy hoạch của xã này áp dụng cho xã khác rất dễ xảy ra, hệ lụy của việc nhân bản là tình trạng lặp lại đơn điệu, xa lạ với đặc tính văn hóa, dân tộc của nhiều vùng, miền khác nhau làm mất đi nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt của mỗi miền quê. Đại biểu nhấn mạnh, trong bối cảnh như vậy, việc nghiên cứu, điều chỉnh, hướng dẫn các tiêu chí xây dựng nông thôn mới sát thực tế là cần thiết, có lộ trình thích hợp, không nên chiếu theo bộ tiêu chí mà áp đặt một cách máy móc, gây lãng phí, không phù hợp với các vùng nông thôn…

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, Võ Kim Cự phát biểu ý kiến. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

Theo đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh), Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là vấn đề quan trọng và là chủ trương đúng đắn, vừa có ý nghĩa chiến lược về kinh tế xã hội cả trước mắt và lâu dài, vừa cấp bách vừa cơ bản, cần nhận được sự đầu tư nhiều hơn của Nhà nước. Đại biểu cho rằng, đồng thời với việc vận động nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới, phải tăng đầu tư tạo nguồn lực, nhất là đối với những xã, huyện, tỉnh nghèo. Cùng quan điểm này, các đại biểu Nguyễn Văn Thịnh (Hưng Yên), Hà Ngọc Chiến (Cao Bằng) cho rằng Chính phủ cần rà soát lại các tiêu chí nông thôn mới cho từng vùng, miền phù hợp, không thể áp dụng đại trà. Đại biểu cũng đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần đánh giá sâu hơn về tình hình nông nghiệp trong giai đoạn có nhiều yếu tố bất lợi hiện nay.

Hạn chế tình trạng dàn trải trong đầu tư

Thống nhất cao với mục tiêu kế hoạch năm 2012 là kiềm chế lạm phát, đại biểu Lê Phước Thanh (Quảng Nam) cho rằng, cần hạn chế chi cho tiêu dùng mà ưu tiên chi đầu tư phát triển; rà soát, sắp xếp lại đầu tư công để đảm bảo hiệu quả, tránh dàn trải; tập trung vốn đầu tư cho các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, ưu tiên hàng đầu là hạ tầng giao thông, tính đến kết nối liên vùng.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) kiến nghị Chính phủ quan tâm hai vấn đề: Triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp và xác định ngưỡng an toàn của nợ công. Theo đại biểu, với điều kiện của nước ta, không thể không vay nợ đầu tư hạ tầng, nhất là từ nguồn ODA, tuy nhiên vấn đề cần đánh giá hiện nay là thất thoát trong đầu tư, tiêu cực và đầu tư kém hiệu quả. Đại biểu cho rằng để phát huy hiệu quả vốn vay cần nâng cao năng lực quản trị dự án; tập trung tái cấu trúc đầu tư ngân sách nhưng phải định hướng, đầu tư nhà nước có ý nghĩa là công cụ thúc đẩy thị trường và doanh nghiệp.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Thanh (Vĩnh Long), đầu tư công góp phần tái cơ cấu nền kinh tế và phân bổ lại lực lượng sản xuất từng vùng và lãnh thổ, đề nghị Chính phủ quan tâm cơ cấu lại đầu tư công, hướng tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn, nhất là giao thông, thủy lợi bởi đây là yếu tố tiên quyết để khai thác tiềm năng và phát triển sản xuất nông nghiệp.

Vấn đề giao thông làm nóng nghị trường

Trong phiên họp buổi chiều, vấn đề giao thông đã làm nóng nghị trường. Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng, trong khi nguồn lực có hạn thì việc đầu tư cần được cân nhắc, tính toán thận trọng, đặc biệt là cần kiên quyết khắc phục tình trạng phân bổ dàn trải cho các bộ, ngành địa phương. Đại biểu Trần Văn Minh đề nghị cần tập trung cho các dự án có tính động lực, các khu kinh tế trọng điểm để sớm phát huy hiệu quả đầu tư, từ đó sẽ có điều kiện hỗ trợ, kích thích và là đầu tàu lôi kéo các địa phương và các vùng khác phát triển.

Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) đề nghị Chính phủ nên sớm làm đường bộ cao tốc đi từ Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, thuê công ty tư vấn có uy tín của nước ngoài thiết kế, thuê tư vấn có uy tín của nước ngoài giám sát và đưa ra đấu thầu quốc tế.

Đại biểu Siu Hương (Gia Lai) cũng đề nghị Chính phủ quan tâm, tập trung đầu tư nâng cấp mở rộng các quốc lộ như: Quốc lộ 14, quốc lộ 19 và quốc lộ 25, các con đường huyết mạch nhằm bảo đảm giao thông an toàn giữa Tây Nguyên với các vùng kinh tế miền Trung và Đông Nam bộ vì các tỉnh vùng Tây Nguyên có địa bàn rộng, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn mà 50% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Tiếp tục vấn đề giao thông, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) nêu ý kiến rằng khả năng tài chính có hạn, nhưng trên địa bàn nước ta ở đâu cũng đang triển khai các dự án giao thông như đường, cầu, sân bay, bến cảng, trong những dự án đó có nhiều dự án dở dang, chất lượng rất thấp.

Bích Thủy – Thanh Hòa - Thu Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN