Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII: Chú trọng đến chất lượng phát triển

Ngày 26/3, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2010; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2011. Tổng cộng có 42 đại biểu quốc hội, bốn bộ trưởng và Thống đốc NHNN đã phát biểu tại phiên họp.

Đồng thuận 6 giải pháp

Chủ trì phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào 3 nhóm vấn đề chủ yếu. Đó là những vấn đề đặt ra trong việc xác định phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, các giải pháp và trong tổ chức chỉ đạo thực hiện; những vấn đề cần lưu ý và đề xuất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và các giải pháp nêu ra trong Nghị quyết 11 của Chính phủ; về phương án sử dụng 3.500 tỷ đồng tái đầu tư cho Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam.

Ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận cơ bản nhất trí với Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2010 và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2011.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đánh giá năm 2010 còn nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế thế giới phục hồi chậm, khủng hoảng nợ ở châu Âu lan rộng, thiên tai bão lũ, dịch bệnh trong nước ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt và năng động của Chính phủ, Việt Nam đã cơ bản đạt được mục tiêu kinh tế - xã hội, một số chỉ tiêu đạt cao hơn so với báo cáo Quốc hội trước đây như thu ngân sách, tốc độ phát triển kinh tế, tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và tạo việc làm... Đại biểu nhấn mạnh, khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị tại Libi, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo đưa 10.000 lao động Việt Nam trở về nước an toàn để lại hình ảnh rất tốt đẹp cho người dân. Đại biểu Bá Thuyền tán thành với 6 giải pháp Chính phủ đề ra là: Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; chính sách tài khóa chặt chẽ, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu; điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu gắn với hỗ trợ người nghèo; tăng cường an sinh xã hội; đẩy mạnh công tác tư tưởng, thông tin tuyên truyền. Nhất trí với ý kiến của đại biểu Bá Thuyền, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đánh giá cao việc quyết liệt của Chính phủ trong điều chỉnh để hạn chế dòng vốn, giảm lượng tiền lưu thông và chống lạm phát; cắt giảm đầu tư công và các đoàn đi địa phương; quyết tâm của Chính phủ trong điều chỉnh giá xăng dầu và giá điện.

Đảm bảo an sinh xã hội

Đánh giá cao chính sách tín dụng ưu đãi cho học sinh học nghề và sinh viên các trường đại học, cao đẳng, đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TP Hồ Chí Minh) nhận xét, sau 3 năm triển khai chương trình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ học sinh, sinh viên đại học, cao đẳng không đi học được do khó khăn tài chính. Đến nay đã có hơn 2 triệu sinh viên đại học, cao đẳng và học sinh học nghề được Nhà nước cho vay với tổng mức hơn 26.000 tỷ đồng. Để chính sách này đạt được hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, đại biểu kiến nghị nghiên cứu điều chỉnh mức trần cho vay sát với nhu cầu chi phí học tập, ăn ở, sinh hoạt của học sinh, sinh viên (mức cho vay hiện nay là 900.000 đồng/tháng là chưa đủ để trang trải chi phí); tăng và bố trí nguồn vốn kịp thời cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách này.

Về việc xây dựng nhà ở xã hội, ký túc xá cho sinh viên bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, đại biểu nhấn mạnh đây là chủ trương đúng đắn có tầm chiến lược, hợp lòng dân là một trong những nền tảng vững chắc cho bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện phúc lợi xã hội. Đại biểu đề xuất Chính phủ xem đây là dự án, công trình trọng điểm quốc gia để kiến nghị Quốc hội cho bố trí thêm nguồn vốn để có thể hoàn thành tốt đẹp chương trình xây dựng ký túc xá cho sinh viên của Chính phủ.

Về việc triển khai chủ trương xây dựng nông thôn mới, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho biết năm nay có 4% số xã tương đương với 400 xã đạt chỉ tiêu này. Nhưng trong thực tiễn đại biểu cho rằng rất khó thực hiện vì bây giờ các địa phương mới quy hoạch và bước đầu xây dựng và đề nghị Chính phủ xem lại chỉ tiêu này có điều chỉnh, có đầu tư hợp lý để thực hiện tốt.

Đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận - ảnh trên) đề xuất Việt Nam là nước nông nghiệp đang đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, hạt tiêu, điều, cà phê... nên cần phải có các chính sách ưu tiên để thúc đẩy phát triển để thu ngoại tệ, điều này phù hợp với Nghị quyết 26 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đại biểu cho rằng Nhà nước cần quan tâm đầu tư hơn nữa để cải thiện hạ tầng giao thông, đường nông thôn, tạo dựng bộ mặt nông thôn mới, nhất là vùng sâu, vùng xa. Đại biểu kiến nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa đến công tác nghiên cứu, lập các nhóm nghiên cứu, các Viện nghiên cứu chiến lược, xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên viên nghiên cứu để kiến giải các vấn đề xã hội, tham mưu chiến lược về các vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội cả ở tầm vĩ mô và vi mô...

Chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết(An Giang - ảnh dưới) đề nghị Chính phủ sớm có lộ trình giảm lãi suất ngân hàng để đáp ứng yêu cầu của người sản xuất kinh doanh. Hiện nay, mức lãi suất vay rất cao, từ 18 - 19%/năm, doanh nghiệp phải sản xuất kinh doanh với ít nhất là 20% mới có khả năng trả lãi vay và trả cổ tức cho cổ đông.

Đại biểu đề nghị quản lý thị trường ngoại tệ và vàng phải dựa trên mối quan hệ cung cầu với mục tiêu áp dụng chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng linh hoạt, hướng tới kiềm chế lạm phát cao. Làm rõ thêm một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết Nghị quyết 11 yêu cầu Ngân hàng Nhà nước triển khai thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và đặc biệt là kiểm soát hai chỉ tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2011 so với năm 2010 không vượt quá 20%, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán năm 2011 so với năm 2010 tăng khoảng 15-16%. Các nội dung khác Ngân hàng Nhà nước đã có các văn bản chỉ đạo và các văn bản phối hợp với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố để triển khai nhiệm vụ đã quy định tại Nghị quyết số 11 của Chính phủ.

Về thị trường ngoại tệ, Thống đốc cho biết nhiều ý kiến cho rằng chúng ta quản lý mạnh mẽ trên thị trường tự do mà không mở ra kịp để đáp ứng nhu cầu hợp lý của nhân dân. Thống đốc cho biết mạng lưới ngân hàng đã mở rộng đảm bảo phục vụ được cho dân. Tại địa bàn Hà Nội, đến nay có 1.689 điểm hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng; ngoài ra còn 44 đại lý thu đổi ngoại tệ ủy nhiệm từ các tổ chức tín dụng. Ở Thành phố Hồ Chí Minh có 1.329 điểm của hệ thống các tổ chức tín dụng và có 59 đại lý bàn thu đổi ngoại tệ được ủy nhiệm từ các tổ chức tín dụng. Về vấn đề vàng, Thống đốc cho biết có đề xuất với Chính phủ tiến tới sẽ ban hành Nghị định quản lý kinh doanh vàng, trong đó đưa ra lộ trình tiến tới quản lý chặt chẽ vàng miếng. Tuy nhiên, Thống đốc cũng cho biết trong Nghị quyết 11 nói rất rõ nội dung là tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. “Đây là một lộ trình chúng tôi sẽ xây dựng để hợp lý, phù hợp với điều kiện Việt Nam” - Thống đốc khẳng định.

Về biện pháp sắp tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nhấn mạnh phải đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa; sắp xếp lại hệ thống phân phối; kiên trì điều hành giá theo thị trường. Về giá xăng dầu, Bộ trưởng cho rằng cần tiếp tục điều hành theo Nghị quyết 84 của Chính phủ và điều hành theo thị trường với tinh thần là nếu tình hình giá thế giới vẫn tiếp tục tăng thì vẫn phải điều chỉnh tăng giá bán lẻ trong nước, giá thế giới giảm thì từng bước khôi phục lại thuế nhập khẩu ở mức hợp lý và xem xét giảm giá bán trong nước. Bộ trưởng nhấn mạnh cần tiếp tục đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người lao động, cho nhân dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp và lương thấp. Bộ trưởng đề nghị các địa phương, các bộ phối kết hợp tăng cường sản xuất kinh doanh lưu thông phân phối, chống hàng giả, hàng kém chất lượng và kiểm soát giá cả...

Cải thiện tình hình cung ứng điện

Khái quát về tình hình cung ứng điện trong nước, Bộ Trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, thời gian qua tình hình cung ứng điện được cải thiện nhưng sẽ vẫn có khó khăn. Đặc thù của nước ta là tỉ trọng thủy điện lớn mà hiện nay các hồ lớn mực nước đều thấp hơn các năm. Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt cho ngành điện, đảm bảo cung ứng điện ở mức cao nhất đáp ứng sinh hoạt của nhân dân và sản xuất của doanh nghiệp. Bộ Công Thương sẽ tính toán, nhanh chóng đưa vào một số nguồn phát điện mới, cố gắng từ nay đến cuối năm cung ứng điện ở mức cao nhất đảm bảo các điều kiện cho sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân.

Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho biết, thời gian qua, có tình trạng một số nhà máy thủy điện nhỏ hoàn thành nhưng chưa thể phát điện lên lưới quốc gia do chưa có đường dây nối từ nhà máy lên lưới điện quốc gia. Bộ trưởng lý giải, hệ thống lưới điện quốc gia được thiết kế để đảm bảo việc chuyển tải một công suất nhất định, nếu không có tính toán trước từ khâu quy hoạch thì khi có nhiều nhà máy cùng hòa vào lưới sẽ dẫn đến tình trạng đường dây quá tải. Để giải quyết vấn đề này, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu nâng công suất đường dây tải điện lưới với các nhà máy thủy điện nhỏ để đảm bảo hòa với lưới điện quốc gia an toàn.

Rút kinh nghiệm trong tìm xuất khẩu lao động

Đối với cuộc “di tản” của hàng ngàn lao động Việt Nam khỏi Libi, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đến thời điểm này, có thể khẳng định 10.000 lao động Việt Nam đã được đưa về nước an toàn. Trong vòng 2 ngày nữa, tàu chở 1.049 lao động sẽ cập cảng Đình Vũ, Hải Phòng, hoàn tất chiến dịch đưa toàn bộ người lao động của ta về nước.

Qua biến cố ở Libi khiến lao động phải về nước, Bộ rút ra kinh nghiệm là phải tìm được thị trường tốt và ổn định để người lao động có thu nhập tốt và công việc ổn định. Tuy nhiên, sự cố ở Libi là khách quan, ngay các quốc gia sở tại cũng không thể dự đoán họ sẽ lâm vào tình trạng đó. “Chúng tôi sẽ phải dựa vào các cơ quan ngoại giao để tìm hiểu tình hình ở các thị trường lao động. Hiện nhiều doanh nghiệp muốn đứng ra nhận số lao động này, họ cũng nhận bảo lãnh nợ ngân hàng cho người lao động. Bộ sẽ không để những người lao động này lâm vào tình trạng khó khăn do biến cố ở Libi gây ra”, nữ Bộ trưởng nói.

Các địa phương thực hiện tốt Nghị quyết 11 của Chính phủ

Trình bày trước QH về vấn đề thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, Bộ đã tổ chức 10 đoàn đi kiểm tra ở 8 vùng và 2 đoàn đi kiểm tra ở các doanh nghiệp nhà nước. Kết quả sơ bộ báo cáo Quốc hội, các tỉnh, các thành phố đã thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Qua kiểm tra, hầu hết các địa phương, tổng công ty đã chủ động xem xét và dồn vốn vào các công trình hoàn thành trong năm 2011 và 2012. Về đề nghị của một số đại biểu để cơ cấu lại và giảm đầu tư công, Bộ trưởng cho biết, hiện nay Chính phủ đang xây dựng một cơ sở pháp lý để chuyển đổi cơ cấu đầu tư theo phương thức mới: Công tư kết hợp, tức là Nhà nước và tư nhân cùng tham gia đầu tư để phát triển các công trình, chủ yếu là cơ sở hạ tầng. Với phương thức đầu tư này, chúng ta sẽ thu hẹp dần tổng đầu tư của Nhà nước.

Cũng trong buổi thảo luận kinh tế - xã hội chiều 26/3, các đại biểu đã đề nghị nhiều ý kiến nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc, được dư luận quan tâm.

Không đồng tình với chế độ thanh toán Bảo hiểm y tế hiện nay, Đại biểu Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) đề nghị cần nâng giá thanh toán bảo hiểm cho phù hợp với thu và chi để bệnh nhân được hưởng các dịch vụ đó và có lẽ nên lấy từ ngân sách của Nhà nước, còn nếu thu từ bảo hiểm ra thì không đủ. Bất cứ bệnh nhân nào có thẻ bảo hiểm y tế thì đều được khám trong toàn quốc, không cần phải giấy giới thiệu, ngoài ra tai nạn giao thông cũng nên cho bảo hiểm được thanh toán ngay chứ không cần phải xin giấy công an…

TTXVN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN