Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Việc ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nâng cao ý thức pháp luật của người dân

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 26/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Chú thích ảnh
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình về ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Nhiều đại biểu đánh giá cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa sẽ giúp tiết kiệm một khoản kinh phí rất lớn cho ngân sách Nhà nước; không chỉ giảm áp lực cho ngành Tòa án trong bối cảnh hiện nay, mà còn góp phần giảm mâu thuẫn, tranh chấp kéo dài, thúc đẩy đạo đức xã hội.

Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được quy định trong dự thảo Luật trình Quốc hội là một cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại tại Tòa án để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp. 

Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án Luật, Tòa án Nhân dân Tối cao đã tổ chức thí điểm về tăng cường, đổi mới hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án ở 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; qua đó đã thu được những kết quả tích cực; các vụ việc hòa giải, đối thoại thành đạt tỷ lệ khá cao.

Nhiều đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án góp phần hàn gắn những mâu thuẫn rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, một số vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội cho nhiều ý kiến tại thảo luận như: tiêu chuẩn bổ nhiệm hòa giải viên; thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án trong hoạt động hòa giải, đối thoại; thù lao cho hòa giải viên;…

Trong ngày làm việc, Quốc hội đã thông qua Luật Lực lượng dự bị động viên, với 92,96% tổng số đại biểu tán thành. Luật gồm 5 chương, 41 điều quy định về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.

Quốc hội đã thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi), với 92,13% tổng số đại biểu tán thành. Luật gồm 10 chương, 135 điều quy định các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán; tổ chức thị trường chứng khoán; quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Luật Chứng khoán (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 và Luật số 62/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 94% tổng số đại biểu tán thành. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Luật quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là cơ quan, tổ chức, cá nhân được xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, với 90,06% tổng số đại biểu tán thành. Nghị quyết đã thông qua một số nội dung chủ yếu của Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (Dự án). Theo đó, đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật bảo đảm quốc phòng, an ninh và lợi ích của Nhà nước, lợi ích của Quốc gia; bảo đảm sự quản lý của Nhà nước theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng và sử dụng cho mục đích quân sự.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp Ngân sách Nhà nước được thông qua với tỷ lệ tán thành 91,3% tổng số đại biểu Quốc hội. Theo Nghị quyết, đối tượng được xử lý nợ là người nộp thuế nợ tiền thuế, nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp phát sinh trước ngày 1/7/2020 mà không có khả năng nộp ngân sách nhà nước. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 và được tổ chức thực hiện trong thời hạn 3 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành.

Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận được thông qua với tỷ lệ tán thành 92,75% tổng số đại biểu Quốc hội. Nghị quyết xác định mục tiêu dự án là cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho khu công nghiệp, sinh hoạt của người dân; phòng, chống lũ, cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày Quốc hội thông qua.

TTXVN/Báo Tin tức
Quốc hội thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1
Quốc hội thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 26/11, với 90,06% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN