Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Xây dựng Luật Thủ đô để 'Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước'

Chiều 10/11, thảo luận tại Tổ về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này phải thể chế hóa được Nghị quyết của Trung ương về vị trí, vai trò, định hướng và nhiệm vụ phát triển của Hà Nội để thúc đẩy, tạo động lực cho cả vùng và cả nước.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: TTXVN

Tạo động lực dẫn dắt cho cả vùng và cả nước

Nêu rõ đây là dự án Luật có tầm quan trọng đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Hà Nội vừa là một đô thị đặc biệt, vừa là Thủ đô của cả nước. Đô thị đặc biệt có thể có nhiều nhưng Thủ đô chỉ có một. Thủ đô được định nghĩa trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định Thủ đô là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này phải thể chế hóa được Nghị quyết của Trung ương về vị trí, vai trò, định hướng và nhiệm vụ phát triển của Hà Nội cho đến tận giữa thế kỷ để thúc đẩy, tạo động lực dẫn dắt cho cả vùng và cả nước.

"Như nhiều đại biểu đã nói, xây dựng Luật Thủ đô không phải chỉ riêng của Hà Nội mà thực chất là cho cả nước theo tinh thần “Hà Nội vì cả nước và cùng cả nước”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã đầu tư rất lớn công sức cho dự án luật này, khởi động từ sớm ngay từ khi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Đến nay, dự án Luật trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, được các đại biểu ghi nhận dù mới trình lần đầu nhưng đã có chất lượng khá tốt. Dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định cụ thể, tăng thêm 3 chương và 27 Điều so với Luật hiện hành. Các điều khoản mang tính chất quy phạm rất rõ để có thể áp dụng khả thi. Định hướng chung xây dựng Luật vừa quy định những vấn đề có tính phổ quát của một đô thị đặc biệt, vừa có tính đặc thù của Thủ đô, riêng có của Thủ đô.

Nhấn mạnh "Đây là đạo luật về cơ chế đặc thù, về giao quyền, phân quyền, phân cấp; trong đó có gắn với trách nhiệm giám sát và kiểm tra", Chủ tịch Quốc bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp ý kiến để qua hai kỳ họp có được dự án Luật với chất lượng tốt nhất.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) có thuận lợi hơn khi đã xây dựng Nghị quyết quy định về cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh với quy mô gần như một đạo luật với 44 chính sách, trong đó có 27 chính sách hoàn toàn mới so với những chính sách đã áp dụng cho các địa phương khác trong toàn quốc. Đây là nền tảng để tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hóa những nội dung phù hợp với Thủ đô.

Cơ chế, chính sách vượt trội cho Thủ đô

Thảo luận tại tổ về Dự án Luật Thủ đô, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp, dự thảo Luật sẽ tiếp tục được bổ sung các nội dung xung quanh 9 nhóm chính sách lớn, đặc biệt được hoàn thiện theo hướng cụ thể hóa, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm và cơ chế giám sát.

Để chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật Thủ đô, thành phố đã tiến hành đồng thời tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020 và đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Yêu cầu mới phát triển Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW cao hơn trước, bởi Hà Nội không chỉ là Thủ đô của cả nước mà còn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của quốc gia. Đặc biệt là phát triển Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước” - ông Đinh Tiến Dũng cho biết.

Với tầm quan trọng đó, việc sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay rất quan trọng. Bởi nhiều nội dung trong Luật Thủ đô năm 2012 còn bất cập, khó triển khai thực hiện trong thực tiễn; một số nội dung nếu thực hiện sẽ không đúng quy định vì chưa có cơ chế. Trong đó, Nghị quyết số 15-NQ/TW yêu cầu phải đưa ra những cơ chế vượt trội, phân cấp, ủy quyền mạnh cho Thủ đô Hà Nội.

Ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: "Nội dung quan trọng trong việc sửa đổi Luật Thủ đô lần này theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW là phải xây dựng cơ chế, chính sách vượt trội. Đồng thời, tăng quyền và giao quyền cho Hà Nội triển khai thực hiện các lĩnh vực”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, sau khi trình Quốc hội tại kỳ họp này, trong thời gian tới, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp, dự thảo Luật sẽ tiếp tục được bổ sung các nội dung xung quanh 9 nhóm chính sách lớn, đặc biệt được hoàn thiện theo hướng cụ thể hóa, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm và cơ chế giám sát.

Xuân Tùng (TTXVN)
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Xây dựng một xã hội lưu trữ, quốc gia lưu trữ
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Xây dựng một xã hội lưu trữ, quốc gia lưu trữ

Chiều 10/11, thảo luận tại tổ về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), nhiều đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ năm 2011 nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn của công tác lưu trữ hiện nay; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lưu trữ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN