Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận hai dự án luật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, ngày 22/5, Quốc hội đã thảo luận hai dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Luật Phòng, chống rửa tiền.

 

Phòng, chống tác hại của thuốc lá


Sáng 22/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.


Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá do Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày, nêu rõ những điểm còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo luật: về tính khả thi của các hành vi bị nghiêm cấm; việc thành lập Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá; việc xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá…


Thảo luận về thành lập Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, các đại biểu Phạm Khánh Phong Loan (Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng), Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng), Phạm Đức Châu (Quảng Trị)... đồng tình với việc cần thiết thành lập quỹ. Về nguồn thu của quỹ, các đại biểu tán thành với phương án Quỹ được thành lập từ khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên giá bán thuốc lá chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, nhưng tối đa không quá 2%; đồng thời huy động thêm từ nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, quốc tế và nguồn thu hợp pháp khác nhằm xã hội hóa Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đề xuất nên đổi tên quỹ thành Quỹ chăm sóc sức khỏe nhân dân để khi các luật khác ra đời cũng có thể đóng góp thêm vào quỹ. Quỹ do Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý. Đây là hình thức đã được nhiều nước áp dụng và được Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) khuyến khích xây dựng để có nguồn quỹ chăm sóc sức khỏe nhân dân.


 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, Đặng Thị Kim Chi phát biểu ý kiến. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN

 

Trái với quan điểm này, các đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên), Trương Văn Vở (Đồng Nai), Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ), Trịnh Đình Thạch (Quảng Ngãi) không đồng tình với việc thành lập Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá. Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy cho rằng việc phòng chống tác hại của thuốc lá có thể đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách nhà nước phân bổ cho các địa phương thực hiện; đồng thời có thể tranh thủ các nguồn thu xã hội khác. Theo đại biểu Đặng Thị Kim Chi, nên quy định thuốc lá phải đóng thuế thu nhập đặc biệt.


Nhiều đại biểu nhất trí với quy định in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh chiếm ít nhất 50% diện tích của vỏ bao thuốc lá. Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Loan (Thành phố Hồ Chí Minh), vấn đề tuyên truyền, quảng bá cho người dân biết về tác hại của thuốc lá không chỉ là trách nhiệm của Bộ Y tế, mà cần nâng cao sự tham gia của các bộ, ngành, toàn xã hội, đặc biệt là các phương tiện truyền thông đại chúng. Theo đại biểu Phong Loan, nếu các cơ quan truyền thông cũng có một chương trình định kỳ tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, sức khỏe của cộng đồng sẽ được bảo đảm.


Về biện pháp phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả, đại biểu Phạm Khánh Phong Loan (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng cần tăng mức phạt trong trường hợp nhập lậu, nhập trái phép thuốc lá, không những xử lý vi phạm hành chính mà có thể lên tới xử lý hình sự. Đồng thời phải tiêu hủy, không tái xuất thuốc lá nhập lậu vì nếu không kiểm soát được sẽ dẫn đến việc nhập lậu thuốc lá diễn ra nhiều hơn. Các đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ)... cũng đồng tình với việc không nên tái xuất thuốc lá nhập lậu.


Tại phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận về vấn đề quảng cáo, số lượng thuốc lá trong mỗi bao, hình thức xử lý vi phạm, trách nhiệm người hút thuốc lá... Nhiều đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành nghị định hướng dẫn, trong đó quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ, nhất là trong việc điều hành để bảo đảm sự phối hợp xử lý vi phạm theo quy định, việc quản lý thị trường, cấm buôn lậu thuốc lá...

 

Cần nhận diện hành vi rửa tiền


Chiều 22/5, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền.


Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày cho thấy vẫn còn có những ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, về tính thống nhất của hệ thống pháp luật, các hành vi bị cấm, mức giá trị giao dịch phải báo cáo, báo cáo giao dịch đáng ngờ, về cá nhân có ảnh hưởng chính trị cũng như trách nhiệm của các cơ quan nhà nước; về cơ quan phòng, chống rửa tiền.


Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng để thể hiện sự cam kết của Nhà nước ta với quốc tế, tránh tác động bất lợi ảnh hưởng đến các giao dịch về tài chính, tiền tệ của Việt Nam trên thế giới, dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền cần có quy định mang tính nguyên tắc về phòng, chống rửa tiền liên quan đến tài trợ khủng bố, việc xử lý các hành vi rửa tiền cụ thể sẽ theo quy định của Bộ luật Hình sự và dự án Luật Phòng, chống khủng bố đang được chuẩn bị trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 .


Một số đại biểu băn khoăn về mức giá trị giao dịch phải báo cáo, báo cáo giao dịch đáng ngờ, trong đó có vấn đề các hình thức giao dịch, Thủ tướng Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước quy định mức giá trị giao dịch. Theo quy định hiện hành tại Nghị định số 74/2005/NĐ-CP của Chính phủ, giao dịch tiền mặt có tổng giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc bằng ngoại tệ, bằng vàng có giá trị tương đương thì phải báo cáo theo quy định; đồng thời Nghị định cũng giao Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh các mức giá trị giao dịch cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng thời kỳ. Theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), không nên ghi mức giá trị giao dịch cụ thể vào luật mà mức đó sẽ theo tình hình kinh tế xã hội thực tế để quy định. Đại biểu cũng không tán thành việc giao Thủ tướng quy định mức giá trị giao dịch mà nên giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.


Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cho rằng các quy định trong dự thảo Luật đề cập đến vấn đề rửa tiền chủ yếu thông qua giao dịch ngân hàng, trong khi đó rửa tiền có thể thông qua rất nhiều kênh như đầu tư vào nhà hàng, bất động sản, chứng khoán..., ngân hàng chỉ là một kênh. Nếu thấy rằng rửa tiền với tính chất chung qua nhiều kênh, nhiều lĩnh vực thì phải thiết kế lại nhiều nội dung trong dự thảo Luật. Cũng theo đại biểu, sứ mệnh quan trọng của Luật Phòng, chống rửa tiền là liệt kê để người ta nhận dạng được các hành vi rửa tiền giống như nhận dạng 12 hành vi tham nhũng trong Luật Phòng, chống tham nhũng. Nhưng trong dự thảo Luật lại không nhận dạng được hành vi này mà đưa ra khái niệm rửa tiền mà thực chất Bộ luật Hình sự cũng đã đề cập. Nếu có trợ giúp cho các hành vi rửa tiền hoặc chiếm hữu các tài sản mà thời điểm đó biết rõ là phạm tội mà có thì cũng đều là đồng phạm của tội phạm rửa tiền và cũng là tội phạm của tội chứa chấp và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Đây cũng là quan điểm của đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) khi cho rằng luật vừa thừa, vừa thiếu, điều quan trọng nhất là liệt kê hành vi rửa tiền thì dự thảo lại không đề cập.


Về các hành vi bị cấm, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung thêm một số hành vi vào dự thảo Luật cho đầy đủ hơn. Bổ sung thêm hành vi cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn cho người thân trong gia đình thành lập các doanh nghiệp để rửa tiền là đề nghị của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng). Đại biểu lý giải hiện nay tình hình tham nhũng xảy ra hết sức nghiêm trọng, quan chức tham nhũng không sử dụng hết tiền mà phải cho người thân thành lập các doanh nghiệp và đầu tư cho các doanh nghiệp này giàu lên một cách bất hợp pháp.


Phúc Hằng - Chu Thanh Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN