Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận dự thảo Luật Quảng cáo và Luật Xử lý vi phạm hành chính

Ngày 30/5, Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về hai dự thảo Luật Quảng cáo và Luật Xử lý vi phạm hành chính.

 

Đề nghị bổ sung nhiều hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo


Sáng 30/5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi) và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi). Theo đó, dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi) vẫn được giữ nguyên về bố cục tổng thể của Luật Xuất bản hiện hành theo kết cấu 5 chương với 50 điều (tăng 4 điều so với Luật Xuất bản hiện hành).

 

Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son trình bày Tờ trình về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi). Ảnh Nhan Sáng-TTXVN

 

Một số điều mới được điều chỉnh so với luật hiện hành là: Điều 14 (Trình tự, thủ tục thành lập nhà xuất bản): Quy định mới và được thay thế Điều 16 của luật hiện hành theo hướng pháp luật hóa thực tế quy trình cấp phép để thành lập nhà xuất bản. Mặt khác, quy định theo quy trình cấp phép sẽ rõ ràng và dễ thực thi, áp dụng hơn; Điều 15 (Nhà xuất bản điện tử): Đưa ra những quy định mang tính nguyên tắc về điều kiện thành lập nhằm giúp cho cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ áp dụng cũng như để định ra phương thức quản lý khi thành lập nhà xuất bản điện tử…


Cũng trong buổi sáng, các đại biểu cũng đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quảng cáo.


Về cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo, nhiều đại biểu tán thành với dự thảo luật, quy định giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo. Theo đại biểu Lê Hữu Phước (Bình Dương), mục đích quản lý hoạt động quảng cáo chính là quản lý nội dung, sản phẩm quảng cáo. Ngoài việc đảm bảo tính thông tin, chính xác còn phải hàm chứa yếu tố văn hóa, thẩm mỹ phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục của nước ta. Vì thế giao cho Bộ VHTT&DL là phù hợp. Các bộ, ngành khác và UBND các cấp phối hợp quản lý với Bộ VHTT&DL theo chức năng của mình như trong dự thảo luật.


Tuy nhiên, đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông là nơi quản lý trên 80% quảng cáo, thì Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý nhà nước về vấn đề quảng cáo có lẽ sẽ phù hợp hơn. "Nếu Bộ VHTT&DL muốn phạt hành chính hoặc muốn làm một điều gì đó khi quảng cáo vi phạm thì rất là khó, vấn đề đó chỉ Bộ Thông tin, Truyền thông làm là tốt nhất", đại biểu Hà Minh Huệ nhấn mạnh.


Thảo luận về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo, nhiều đại biểu cho rằng không nên bỏ quy định tại khoản 4 Điều 8 về "các sản phẩm thay thế sữa mẹ, bình bú và vú ngậm nhân tạo dùng cho trẻ theo quy định pháp luật về y tế" như dự thảo luật. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng không có sản phẩm nào thay thế được sữa mẹ. Nếu quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ sẽ khiến nhiều bà mẹ không tin vào sữa của mình, dẫn đến thiếu trách nhiệm trong việc cho con bú... Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) nhấn mạnh: Trong Nghị định 21 của Chính phủ đã cấm quảng cáo các sản phẩm sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, chính vì vậy, trong dự án luật nếu không cấm quảng cáo các loại sữa nói chung cũng cần có điều khoản cấm các sản phẩm sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.


Bàn về thời lượng quảng cáo trên báo nói, báo hình, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng quy định về "thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền không vượt quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ kênh, chương trình chuyên quảng cáo" là chưa thật sự hợp lý vì hoạt động của truyền hình trả tiền tại Việt Nam đang phát triển không ngừng về số lượng và các nhà cung cấp, song chất lượng sóng phát và chương trình chưa đáp ứng được mong đợi của khán giả xem truyền hình.


Đại biểu Lê Thị Tám (Nghệ An) cho rằng quy định giới hạn quảng cáo trên truyền hình cần được cân nhắc bởi lẽ ngay cả truyền hình trả tiền của nước ta cũng không thể thu được nhiều kinh phí như các nước khác. Quy định hạn chế thời lượng như dự thảo luật khó có thể khả thi trên thực tế. Đại biểu đề nghị giới hạn về thời lượng quảng cáo trong dự thảo cần được "nới" ra và theo lộ trình từ từ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đơn vị phát sóng có đủ kinh phí hoạt động...


Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận về quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn, màn hình chuyên quảng cáo; quảng cáo trên các phương tiện giao thông; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt...

 

Nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm hành chính


Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính.


Thảo luận về mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính, nhiều đại biểu cho rằng, việc tăng mức phạt tiền tối đa là cần thiết nhưng cần được cân nhắc kỹ để vừa đảm bảo tính răn đe vừa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và mức thu nhập của người dân.


Theo đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng), mức phạt tiền cao không phải là biện pháp hữu hiệu để hạn chế vi phạm mà còn có thể dẫn đến tiêu cực. Đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) cũng cho rằng tăng mức phạt tiền tối đa là cần thiết nhưng việc tăng lên bao nhiêu cần phải cân nhắc kỹ cho phù hợp với thực tiễn và tùy thuộc vào tính chất, mức độ, hành vi.


Nhiều ý kiến đồng tình với quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá hai lần mức phạt chung được áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, môi trường và quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm tăng cường tính răn đe, phòng ngừa vi phạm hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đặc thù tại khu vực nội thành.


Tuy nhiên, cũng có những ý kiến không nhất trí, cho rằng, quy định này dẫn đến không thống nhất trong việc áp dụng chế tài xử phạt hành chính trong phạm vi toàn quốc. Theo đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam), mọi công dân đều phải bình đẳng trước pháp luật mà hệ thống pháp luật cũng cần thống nhất trong cả nước.
Liên quan đến vấn đề bỏ quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh và quy định hình thức phạt bổ sung đối với người bán dâm, nhiều ý kiến đồng tình với các lý do hành vi vi phạm của người bán dâm không gây nguy hiểm cho xã hội đến mức phải bị hạn chế tự do.


Theo đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam), vì nhiều lý do, người bán dâm được coi là nạn nhân, cần được tạo điều kiện giúp đỡ hoàn lương bằng nhiều biện pháp kinh tế xã hội khác nhau. Đại biểu Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) cũng bày tỏ băn khoăn với việc đưa người bán dâm ra khỏi cơ sở khám chữa bệnh và cho rằng: Trong số đối tượng này, có những người bị lây nhiễm HIV, bị bệnh xã hội, cần phải được chữa trị một cách cẩn trọng, trước hết là vì cộng đồng và cho cả chính họ. Theo đại biểu, vì lợi ích của cộng đồng, cũng cần phải xem xét kỹ vấn đề này.


Bên cạnh những nội dung trên, các đại biểu Quốc hội cũng đã đóng góp nhiều ý kiến về vấn đề quy định việc xử phạt đối với một số trường hợp không lập biên bản; thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; quản lý tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt của các chức danh; xử lý phương tiện vi phạm...


Phúc Hằng - Thanh Hòa

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận dự luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và dự luật Giá
Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận dự luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và dự luật Giá

Tiếp tục chương trình làm việc, trong tuần qua, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, dự luật Giá và một số dự thảo luật khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN