Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII: Quốc hội thông qua 5 luật

Chiều 18/6, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua 5 Luật gồm: Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Bộ luật Lao động (sửa đổi) với số tán thành cao.

 

Lao động nữ sẽ được nghỉ 6 tháng khi sinh con


Trước khi biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) với số tán thành 93,39%, Quốc hội đã nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giải trình, tiếp thu và chỉnh lý một số nội dung liên quan đến các chính sách quan trọng. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, UBTVQH cũng đã chỉnh sửa các vấn đề cụ thể trong dự thảo về quy định các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động; quỹ dự phòng mất việc làm; mức lương tối thiểu; vấn đề tiền lương; thời giờ làm việc của người lao động...


 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Bạch Vân (Bà Rịa – Vũng Tàu) phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

 

Một số điểm đáng chú ý trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) được thông qua lần này là lao động nữ sẽ được nghỉ 6 tháng khi sinh con . Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng. Số giờ làm thêm của người lao động cũng được bảo đảm không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong 1 ngày, trong trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.

 

Chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân


Với 92,99% số đại biểu có mặt tán thành, Luật Bảo hiểm tiền gửi được thông qua nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.


Quốc hội thống nhất, chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân và chỉ bảo hiểm đối với các khoản tiền gửi bằng đồng Việt Nam. Theo Luật, tổ chức bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tài chính do Thủ tướng Chính phủ thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi là pháp nhân, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí. Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ quy định khung phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.

 

Phòng, chống rửa tiền từ người chủ trì tổ chức


93,19% số đại biểu có mặt tán thành thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền sau khi đã được chỉnh lý và thể hiện lại phạm vi điều chỉnh, quy định rõ: Việc phòng, chống hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của Bộ luật Hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố. Việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi rửa tiền được thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.


Về các hành vi bị cấm, Luật đã bổ sung hành vi tổ chức hoạt động rửa tiền nhằm thể hiện rõ quan điểm phòng, chống rửa tiền từ người chủ trì tổ chức đến người tham gia hoặc góp sức.

 

Quy định nguyên tắc về quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học


Luật Giáo dục đại học được thông qua với số tán thành 84,57% nhằm góp phần quan trọng điều chỉnh, khắc phục nhiều vấn đề cơ bản, cấp bách và tác động tích cực đổi mới hệ thống giáo dục đại học.


Tư tưởng xuyên suốt của Luật là trao quyền tự chủ ở mức tối đa phù hợp với năng lực thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Luật quy định về vấn đề này theo hướng chỉ mang tính nguyên tắc về quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và không dẫn chiếu đến các điều khoản cụ thể. Các đại biểu cũng đã biểu quyết thông qua một số điều khoản cụ thể quy định về đối tượng áp dụng, về Đại học quốc gia và về phân tầng cơ sở giáo dục đại học.

 

Nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua hoặc bán thuốc lá


Có 88,18% số đại biểu có mặt đồng ý thông qua Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá với phạm vi điều chỉnh là các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá. Luật quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm như: Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao gói hoặc điếu thuốc lá; buôn bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu; quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng. Luật cũng nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua hoặc bán thuốc lá; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua hoặc bán thuốc lá; bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá...


Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá được hình thành từ khoản đóng góp bắt buộc của các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá nhằm đảm bảo nguyên tắc xã hội hóa, không ảnh hưởng nhiều đến ngân sách cũng như doanh nghiệp sản xuất và người trồng thuốc lá.

 

Đổi mới cơ chế quản lý hoạt động xuất bản


Trước đó, sáng 18/6, các đại biểu làm việc tại hội trường, thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi).


Đa số các đại biểu đều nhất trí với việc cần thiết ban hành Luật Xuất bản (sửa đổi) và cho rằng dự án Luật cần thể hiện quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý hoạt động xuất bản, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, thực hiện phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng giữa Trung ương, địa phương và cơ sở; trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các chủ thể tham gia hoạt động xuất bản; cơ quan quản lý nhà nước chuyển vai trò từ kiểm soát sang giám sát hoạt động của các nhà xuất bản, cơ sở in và phát hành để tập trung vào trách nhiệm chính là hoạch định chính sách, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý ở cơ sở, cải cách hành chính. Đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) chỉ rõ: Dự thảo luật có 50 điều, trong đó có 7 điều giao Chính phủ và 12 điều giao các bộ, ngành quy định. Đại biểu đề nghị nên giảm quy định của Chính phủ và các bộ, ngành để luật sau khi ban hành sớm đi vào cuộc sống, nhằm tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực này.


Đối với quy định về xuất bản điện tử, nhiều đại biểu cho rằng xuất bản điện tử đã xuất hiện và đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới cũng như trong nước. Đây là một hình thái mới của hoạt động xuất bản, còn có nhiều thay đổi khó dự báo trước trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, quy định về xuất bản phẩm điện tử như trong dự án luật còn chung chung, tính khả thi chưa cao và còn bất hợp lý nên cần có khung pháp lý đặc thù để điều chỉnh hoạt động xuất bản điện tử. Các đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ), Triệu Thị Nái (Hà Giang) đồng ý với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội là: Luật Xuất bản (sửa đổi) lần này chỉ quy định mang tính nguyên tắc về loại hình xuất bản này và dẫn chiếu các quy định của pháp luật có liên quan, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt trong việc quản lý hoạt động xuất bản điện tử trong bối cảnh công nghệ thông tin và truyền thông phát triển rất nhanh.


Trái với ý kiến trên, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) không tán thành quy định xuất bản phẩm điện tử chỉ mang tính nguyên tắc mà đề nghị cần có quy định cụ thể trong dự án luật, tránh phải sửa đi sửa lại luật. Đại biểu Nguyễn Văn Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị cần có chương riêng về xuất bản phẩm điện tử vì đây là vấn đề phức tạp nhất hiện nay. Đại biểu linh mục Lê Ngọc Hoàn (Nam Định) cho rằng nên xem sách điện tử là đối tượng điều chỉnh của Luật Xuất bản (sửa đổi); đồng thời đề nghị cần quy định có giấy phép xuất bản xuất bản phẩm điện tử, sách điện tử như một xuất bản phẩm bình thường và phải có chế tài xử lý vi phạm bản quyền đối với các xuất bản phẩm điện tử.


Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) lại băn khoăn về sự phát triển ngôn ngữ trong các xuất bản phẩm hiện nay. Đại biểu dẫn chứng, theo Nhà xuất bản Ngôn ngữ, trong vòng 10 năm từ 1990 đến 2000, ngôn ngữ Việt Nam đã có thêm 3.000 từ mới, đến thời điểm hiện nay con số đó đã lớn hơn rất nhiều. Tính pha tạp đã đến mức báo động, đặc biệt là trào lưu ngôn ngữ thời @ của lớp trẻ tạo lên xu hướng xã hội không tốt. Việc lạm dụng ngôn ngữ nước ngoài, sử dụng tiếng Việt tùy tiện, tiếng lóng thể hiện trong một số xuất bản phẩm vừa qua đã gây nhiều tranh cãi. Đại biểu cho rằng rất cần thiết phải khẳng định giá trị chuẩn đối với ngôn ngữ trong các xuất bản phẩm. Bên cạnh đó, nước ta có 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 dân tộc thiểu số và 12 dân tộc có chữ viết. Đó là cộng đồng dân tộc văn hóa thống nhất trong đa dạng. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm một điều trong dự án luật lần này về ngôn ngữ xuất bản, quy định cụ thể về ngôn ngữ xuất bản bao gồm ngôn ngữ Việt, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, ngôn ngữ nước ngoài và các loại hình ngôn ngữ khác. "Giữ gìn, phát huy sự trong sáng của tiếng Việt và ngôn ngữ dân tộc nhằm khẳng định tính chủ đạo cũng như chuẩn mực của ngôn ngữ Việt, đồng thời thể hiện quyền của các dân tộc thiểu số trong việc duy trì và phát huy, quảng bá ngôn ngữ, giá trị văn hóa trong điều 5 của Hiến pháp cũng như các văn bản khác đã quy định" - đại biểu nhấn mạnh.


Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để thảo luận về việc thành lập nhà xuất bản; về quy định những hành vi bị cấm trên xuất bản phẩm; về danh mục xuất bản phẩm ưu tiên; về liên kết trong hoạt động xuất bản; về đối tượng được thành lập nhà xuất bản...


Thanh Hòa - Phúc Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN