Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII: Chưa thống nhất về tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ ba, ngày 29/5, Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận dự thảo Luật Giám định tư pháp và dự thảo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.

 

Tranh luận về tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh


Phát biểu tại buổi thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Giám định tư pháp và cơ bản nhất trí với giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nội dung được các đại biểu quan tâm góp ý kiến là tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh. Nhiều ý kiến đề nghị giữ quy định cơ cấu tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh như hiện hành và kiện toàn theo hướng chính quy, hiện đại hơn bởi qua thực tiễn nhiều năm, đội ngũ giám định viên pháp y thuộc phòng kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh chủ yếu thực hiện giám định tử thi và đang phục vụ kịp thời việc xử lý các vụ án xâm phạm tính mạng con người.


Theo đại biểu Huỳnh Thế Kỷ (Ninh Thuận), pháp y thuộc công an cấp tỉnh đã có những đóng góp quan trọng vào kết quả điều tra, xử lý nhiều vụ án xâm phạm tính mạng con người, đảm bảo tính khách quan, chính xác trong giám định. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự án luật, vai trò của giám định pháp y công an cấp tỉnh chưa được đánh giá đúng mức. Mặt khác, do tính chất quan trọng của giám định pháp y, đặc biệt là pháp y tử thi đối với công tác điều tra, xử lý vụ án hình sự, hiện nay lực lượng pháp y công an tỉnh đang đáp ứng được yêu cầu công tác. Đại biểu Huỳnh Thế Kỷ và nhiều đại biểu khác cũng khẳng định: Việc duy trì giám định pháp y công an cấp tỉnh không ảnh hưởng đến sự phát triển của giám định pháp y y tế, vì cùng với việc giám định pháp y theo trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, giám định pháp y ngành y tế còn có nhiệm vụ chính là giải phẫu bệnh lý, làm rõ nguyên nhân tử vong đối với những bệnh nhân đến khám chữa bệnh...


Đồng tình với ý kiến nêu trên, đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) cho rằng: Đấu tranh phòng chống tội phạm là nhiệm vụ chính trị của ngành công an. Nếu bỏ giám định pháp y trong công an cấp tỉnh là để đảm bảo tính khách quan trong hoạt động này thì tại sao trong dự thảo luật vẫn quy định về giám định pháp y quân đội của Bộ Quốc phòng, Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự Bộ Công an... Mặt khác, dự thảo luật đưa ra quy định nhằm xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp trong khi đó, tổ chức giám định tư pháp công an cấp tỉnh là cơ quan của Nhà nước đang hoạt động rất tốt, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đội ngũ cán bộ có bản lĩnh, vững chuyên môn, giỏi nghề, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.


Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) nhấn mạnh: Nhiều năm qua, lực lượng pháp y công an đã không ngừng được củng cố và phát huy hiệu quả; đội ngũ bác sĩ pháp y, cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật được tăng cường, giám định nhanh chóng, kịp thời, chính xác, đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác điều tra. Trước diễn biến của tình hình tội phạm hiện nay, việc không tổ chức lực lượng pháp y công an cấp tỉnh sẽ có những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến kết quả đấu tranh phòng chống tội phạm.


Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa-TTXVN

 

Theo đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội), việc giám định pháp y tử thi của pháp y công an cấp tỉnh không làm ảnh hưởng đến yếu tố khách quan, trách nhiệm và các hoạt động của pháp y ngành y tế vì: Tất cả giám định viên tư pháp dù công lập hay ngoài công lập đều phải chịu sự điều chỉnh của khoản 3 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự; nếu cung cấp sai sự thật thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 307 của Bộ luật Hình sự. Mặt khác, toàn bộ trình tự, thủ tục quá trình giám định pháp y tử thi đã được pháp luật quy định chặt chẽ. Bên cạnh đó, trong thực tế, đội ngũ giám định pháp y phòng kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh hoàn toàn độc lập với công an điều tra.


Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc tập trung hoạt động giám định pháp y vào tổ chức giám định pháp y thuộc ngành y tế sẽ đáp ứng một bước yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp theo hướng thu gọn đầu mối, bảo đảm phù hợp với tính chất quản lý về chuyên môn, vì giám định pháp y là lĩnh vực y học thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Điều này cũng tạo điều kiện để Chính phủ tập trung đầu tư chuyên sâu về nhân lực, cơ sở vật chất cho hệ thống các tổ chức giám định pháp y, khắc phục được tình trạng bất cập hiện nay.


Nhiều đại biểu đề nghị cần khẳng định giám định pháp y là công việc chuyên môn sâu của ngành y tế với tính chuyên nghiệp cao; phù hợp với thông lệ quốc tế; đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; tập trung đầu mối để đầu tư, kiện toàn. Đại biểu Lê Khánh Nhung (Quảng Bình) nhấn mạnh, tập trung hoạt động giám định pháp y ở cấp tỉnh vào một đầu mối là định hướng đúng đắn. Khó khăn, vướng mắc ở đây chỉ là vấn đề tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh trực thuộc ngành y tế chưa được kiện toàn. Do đó, đây chính là thời điểm để đặt pháp y đúng vị trí.


Nhất trí với quan điểm của UBTVQH, đại biểu Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) cho rằng, cần thiết phải có sự đổi mới mô hình tổ chức giám định pháp y ở cấp tỉnh để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng; cần tập trung hoạt động giám định pháp y ở cấp tỉnh vào một đầu mối, xây dựng hệ thống chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp hóa cao.

 

Cần xác định rõ đối tượng đặc thù trong phổ biến, giáo dục pháp luật


Thảo luận dự thảo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung trong dự thảo luật, quy định nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.


Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với việc quy định thành lập Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trong dự thảo luật. Đây là việc làm cần thiết vì thực tiễn thời gian qua, hình thức này đang phát huy tác dụng trong việc hướng dẫn triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tuy nhiên vẫn có những ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của hội đồng này.


Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đề nghị ban soạn thảo cần xác định rõ hơn và có những quy định cụ thể về trách nhiệm của hội đồng trong dự thảo luật. Trên cơ sở tán thành với việc cần có hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật, đại biểu Giàng Thị Bình (Lào Cai) đề nghị cần quy định nội dung này cụ thể trong dự thảo luật, hạn chế việc giao cho Chính phủ quy định để khi luật có hiệu lực sẽ thực thi ngay, không phải chờ đợi.


Về đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật (Chương II) một số ý kiến đề nghị rà lại để lược bỏ đối tượng không cần thiết và bổ sung đối tượng đặc thù cho hợp lý. Vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng bên cạnh đối tượng chung là công dân thì có một số nhóm đối tượng là những người ít có khả năng, điều kiện thực tế để tiếp cận pháp luật hoặc là những người cần phải giáo dục nhằm thay đổi hành vi để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Vì vậy, việc xác định rõ một số đối tượng đặc thù trong phổ biến, giáo dục pháp luật là cần thiết. Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) đề nghị bỏ mục 2 Chương II và thay vào đó bằng 1 điều luật. Đại biểu nhận xét, việc quy định 6 nhóm đối tượng đặc thù trong dự thảo luật sẽ xảy ra trường hợp vẫn thiếu những đối tượng cần đưa vào diện đặc thù, hoặc có những trường hợp thực chất không chỉ họ cần được tuyên truyền mà phải hướng tới cả xã hội.


Bàn về phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động- là một đối tượng đặc thù trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) cho rằng quy định như trong dự thảo luận là chưa khả thi. Theo đại biểu, trong dự thảo luật cần có chế tài cụ thể yêu cầu chủ doanh nghiệp có trách nhiệm trong phổ biến tuyên truyền pháp luật, tạo quyền tiếp cận pháp luật cho người lao động...


Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề: đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật; giáo dục pháp luật trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác trong hệ thống giáo dục quốc dân; trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; báo cáo viên pháp luật và tuyên truyền viên pháp luật...

 

Thanh Hòa - Quỳnh Hoa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN