Kinh tế-xã hội “nóng” từ vấn đề biển Đông

Không phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc, tăng cường tái cơ cấu kinh tế để chủ động hội nhập là những vấn đề “nóng” nhất trong nghị trường Quốc hội sáng nay.

Sáng 2/6, các đại biểu Quốc hội Thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; phương án đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014.


Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý nhất là việc làm thế nào để nên kinh tế Việt Nam bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Năm 2013, hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 10 tỷ  USD, chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam nhập khẩu 30 tỷ USD từ Trung Quốc, chiếm 23% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, nhiều mặt hàng chính như: nguyên liệu dệt may, đồ gia dụng…

Theo Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam đã đặt ra yêu cầu đổi mới về kinh tế. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là đưa ra các giải pháp nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, Việt Nam đang đứng trước “ngưỡng cửa” hội nhập sâu, khi đang đàm phán ký kết các hiệp định thương mại với nhiều nước, khu vực trên thế giới như: Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định VN- EU, Liên minh thuế quan Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS)… chúng ta sẵn sàng đón nhận cơ hội này để giảm bớt sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc.

“Chúng ta đang đứng trước những thách thức và cơ hội lớn để không bị phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng phải thận trọng và cứng rắn bảo vệ người lao động, người nông dân và bảo đảm lợi ích Quốc gia”, ông Lộc nói.

Hiện nay, “nguyên phụ, liệu nhập dệt may phải nhập 50-60% từ Trung Quốc, sắp tới Việt Nam có điều kiện nhập các mặt hàng này từ các nước khác với giá cả hợp lý hơn cạnh tranh được với hàng Trung Quốc”, ông Lộc nói.

Ngoài ra, Trung Quốc đang là thị  trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam. Nguyên nhân, vì hàng nông sản của Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của các khách hàng giàu có và khó tính trên thế giới. Vì vậy, “Cần đầu tư cho chuỗi chế biến, đây là yếu tố sống còn với nến kinh tế Việt Nam để gia nhập các thị trường khó tính hơn”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Các đại biểu cho rằng, hiện nay, các nước đã hội nhập sâu vào nên kinh tế thế giới nên đều phụ thuộc lẫn nhau. Do vậy, Việt Nam cũng không thể bỏ quả thị trường lớn là Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, đại biểu Quốc hội Lạng Sơn, cho rằng, Việt Nam đã hội nhập mạnh kinh tế thế giới từ 2007 khi chúng ta gia nhập WTO. Xuất khẩu từ mức 48 tỷ USD (2007) đã lên tới 133 tỷ USD (2013), nhập siêu giảm dần từ mức 14 tỷ USD  năm 2007, đến năm 2013 Việt Nam đã xuất siêu.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, mặc dù nên kinh tế chưa thật sự ổn định nhưng về mặt định hướng là rất khả quan, tăng trưởng xuất khẩu mạnh hơn. Chúng ta đã có quan hệ thương mại với 180 nước như: EU, Hoa Kỳ, Nhật bản, Trung Quốc.


“Chúng ta đang có rất nhiều thuận lợi trong tái cơ cấu kinh tế, các nước đang mong muốn đàm phán các hiệp định, chúng ta đã ký 8 hiệp định về thương mại. 6 hiệp định thương mại khác đang trong quá trình đàm phán, qua đó tạo thuận lợi hơn cho hàng hóa Việt nam xâm nhập thêm các thị trường khác. Thúc đẩy mạnh hơn việc tái cơ cấu, xâm nhập mạnh hơn các thị trường. Góp phần mang lại lợi ích cho chúng ta”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Đối với thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, trong những năm qua, ta luôn nhập siêu từ thị trường Trung Quốc. Bài toán hạn chế nhập siêu từ thị trường này đã được tính toàn nhiều năm nay, Việt Nam luôn tìm mọi biện pháp cải thiện cán cân thương mại. Năm 2013, chúng ta đã ký 3 hiệp định thương mại với Trung Quốc để tăng cường xuất khẩu rau quả, sắp tới tăng xuất khẩu gạo. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tích cực hơn để giải quyết bài tóan này, giúp chúng ta có sự độc lập về kinh tế.

    
Hữu Vinh


QH lo lắng tình hình kinh tế vì giàn khoan Trung Quốc
QH lo lắng tình hình kinh tế vì giàn khoan Trung Quốc

Sáng 23/5, các đoàn đại biểu Quốc hội đã thảo luận theo nhóm để đánh giá kết quả việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014 và các năm trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN