Kinh tế trong nước vượt khó đi lên

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 vừa diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 2 và 3/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, trong những tháng cuối năm 2012, quan điểm nhất quán là nỗ lực, quyết tâm thực hiện các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm. Tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ trong năm 2012 mà còn cho các năm tiếp theo. Đồng thời, tập trung thúc đẩy, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; thúc đẩy tăng trưởng nhưng phải đạt yêu cầu không gây bất ổn kinh tế vĩ mô, không làm lạm phát cao trở lại, không vì tăng trưởng mà để lạm phát cao cho những năm tiếp theo.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ, phù hợp với các cân đối vĩ mô, điều hành ổn định tỷ giá. Cần linh hoạt trong xử lý nợ xấu; khẩn trương cơ cấu lại nợ, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém; điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu (7-8%); nhanh chóng khơi thông dòng vốn để các doanh nghiệp dễ tiếp cận.
Nhân dịp này, báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, về vấn đề thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.


Dưới góc độ một chuyên gia kinh tế, ông đánh giá tình hình diễn biến kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm như thế nào?


Theo tôi, tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm có nhiều điểm tích cực. Trước hết chỉ số lạm phát (CPI) đã giảm. Biểu hiện rõ là CPI tháng 6 giảm “âm” 0,26% sau 38 tháng tăng liên tục. Nhờ vậy, so với cuối năm 2011, CPI chỉ tăng gần 2,52% và so cùng kỳ năm 2011 chỉ tăng 6,9%. Sản xuất công nghiệp từ mức 4,1% quý I đã tăng lên 5,4% quý II/2012.

Vận hành thiết bị sản xuất cửa nhựa lõi thép gia cường chịu lực Công ty CP Thương mại Tuấn Thành ( Thanh Hóa ).
Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN


Sản xuất nông nghiệp và dịch vụ tiếp tục tăng nhẹ, trong đó tổng mức hàng bán lẻ và dịch vụ đã tăng 19,5%, nếu trừ yếu tố tăng giá cũng tăng đến 6,5%, phản ánh sức mua có chiều hướng tăng lên. Xuất khẩu trong tháng 6 tăng mạnh với tốc độ 22% (có yếu tố giá) và nhập siêu đã giảm còn 685 triệu USD, bằng 10,6% so với cùng kỳ. Hàng tồn kho trong tháng cũng đã giảm còn 26%... Theo đánh giá sơ bộ, kết quả tổng hòa của các nhân tố tích cực đó làm cho mức tăng GDP đã tăng từ mức 4% của quý I/2012 lên 4,66% của quý II/2012 và cả 6 tháng tăng 4,38%. Tất cả các số liệu nêu trên phản ánh tình hình kinh tế đã có một số chuyển biến nhất định. Thêm vào đó, do lãi suất huy động đã giảm mạnh, nên mức lãi suất cho vay cũng được giảm, dù số lượng người được tiếp cận vốn vay “rẻ” chưa nhiều nhưng điều này sẽ có tác động tích cực trong thời gian tới.


Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy, khảo sát 6 tháng đầu năm có tới 70% doanh nghiệp kê khai bị lỗ trong quý I/2012, có nghĩa rằng “sức khỏe” của các doanh nghiệp đang rất yếu. Trong khi đó, nền kinh tế còn nhiều khó khăn do tình trạng nợ xấu ở các ngân hàng và doanh nghiệp rất lớn, chiếm tới 10% tổng dư nợ tín dụng, tức là hơn 200 nghìn tỷ đồng, nhưng biện pháp xử lý chưa rõ ràng nên có thể tiếp tục gây đình trệ trong nền kinh tế.


Trước hiện tượng CPI giảm, bên cạnh đó là các thông tin về doanh nghiệp phá sản, dừng hoặc sản xuất cầm chừng, hàng tồn kho nhiều… nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân là sức mua kiệt quệ. Theo ông, liệu đã đến lúc thay vì chống lạm phát ta cần chuẩn bị kích cầu?


Trong điều kiện kiềm chế lạm phát và tình hình kinh tế hiện nay, tôi không nghĩ nên có gói “kích cầu” quy mô lớn như đã từng làm mấy năm trước. Vì chúng ta vừa phải nghĩ đến việc khôi phục kinh tế, vừa dự kiến sự phát triển lâu dài.


Ngay khoản đầu tư công dự kiến bơm khoảng 21.000 tỷ đồng/tháng, tuy có là một sự tăng khá mạnh so với mức 12,7 nghìn tỷ đồng bình quân các tháng đầu năm, nhưng theo tôi, về cơ bản các khoản vốn công này đã có địa chỉ và nguyên tắc chi theo Chỉ thị 1792 của Chính phủ. Vốn đầu tư công “bơm” như vậy từ nay đến cuối năm sẽ giúp tiêu thụ một lượng đáng kể xi măng, sắt thép trong nước và nhiều hàng hóa vật tư khác. Tiếp tục có thể có những chính sách khác như giảm, dãn thuế sẽ có tác động tăng sức mua và sức đầu tư trong nền kinh tế, mà chưa có “gói kích cầu” vì có thể ảnh hưởng tới mục tiêu chống lạm phát lâu dài khi lạm phát tính bình quân 6 tháng vẫn tăng 12,2% và so với cùng kỳ tháng 6/2011 tăng 6,9%.


Ý kiến cá nhân của tôi vẫn là không nên “khuyến khích” nhất loạt các lĩnh vực, mà cần căn cứ vào các lĩnh vực có nhu cầu thị trường có khả năng thanh toán và giúp tạo nhiều việc làm, thu nhập… Ví dụ với thị trường bất động sản chỉ nên khuyến khích phân khúc nhà thu nhập thấp, chứ không phải tất cả địa ốc nói chung. Lĩnh vực nào cũng triển khai đúng như vậy, tôi nghĩ lạm phát như điều kiện hiện nay khó có thể “bùng phát” trở lại. Đó là điều kiện để ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.


Nhiều ý kiến cho rằng, giảm lãi suất cho doanh nghiệp là cần thiết, nhưng tiêu dùng xã hội không có thì doanh nghiệp vay vốn cũng chẳng dám sản xuất vì sản phẩm làm ra không bán được. Hiện tượng này có đáng lo và giải pháp cho vấn đề này như thế nào, thưa ông?


Sáu tháng đầu năm 2012, kinh tế - xã hội đã đạt được kết quả khá toàn diện, đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra trên tất cả các mặt như kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội. Thời gian tới cần tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững…

Nếu như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 1,37%, thì đến tháng 6 đã giảm (-) 0,26%. CPI tháng 6/2012 tăng 2,52% so với tháng 12/2011 và tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2011. Đây là cơ sở để điều hành lạm phát năm nay ở mức 7-8% và tạo dư địa cho việc thực hiện chính sách tài khóa thúc đẩy tăng trưởng, chính sách tiền tệ nhằm giảm chi phí lãi vay vốn trong những tháng còn lại của năm. Lãi suất huy động đã giảm từ 14% xuống 9%, nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, hiện lãi suất cho vay các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ phổ biến ở mức 12-13%/năm, cho vay sản xuất kinh doanh khác ở mức 14-17,5%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 53,1 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 53,8 tỷ USD, nhập siêu ước khoảng 685 triệu USD. Tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 4,38%... Nhìn chung, kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đã đạt được kết quả khá toàn diện, đúng định hướng mục tiêu đề ra trên tất cả các mặt như kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc nền kinh tế, bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội.

Khi chuyển sang cơ chế thị trường, thì mỗi doanh nghiệp hay hộ kinh doanh cá thể không thể cứ vay để sản xuất cho nhiều, mà phải làm rõ là sản xuất cho ai, với giá cả và chất lượng sản phẩm, dịch vụ như thế nào.


Mỗi doanh nghiệp phải tự đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh và tự chịu trách nhiệm, kể cả với doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước chỉ có thể tạo môi trường thuận lợi cả về hạ tầng, cơ chế, chính sách, chứ không thể trực tiếp kinh doanh thay cho doanh nghiệp. Ngay người nông dân khi trồng lúa gạo chẳng hạn, cũng cần căn cứ vào nhu cầu thị trường để liên kết lại dưới nhiều hình thức, kể cả sản xuất trên các cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng KHCN tiến bộ... Nhờ vậy, người nông dân có thể tiếp nhận có hiệu quả sự hỗ trợ về vốn và các điều kiện khuyến nông, thông tin thị trường… Tôi tin tưởng rằng, tình hình kinh tế sẽ từng bước ổn định và tiếp tục phát triển, nếu Chính phủ kiên định điều hành nền kinh tế theo Nghị quyết của Quốc hội, tạo điều kiện khôi phục nền kinh tế và khởi động quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới phát triển bền vững.


Giả sử, trong trường hợp cần tiếp tục có hành động hỗ trợ nền kinh tế thì chính sách gì nên được ưu tiên trước hết, thưa ông?


Trong điều kiện hiện nay, chính sách của Nhà nước cần nhất quán, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi (cả cơ sở hạ tầng và chính sách) để các doanh nghiệp có thể chủ động sắp xếp lại kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư của mình.


Những vấn đề lớn như về xử lý nợ, tái cơ cấu DNNN, khuyến khích xuất khẩu, khuyến nông… thì cần có bàn tay của nhà nước, trong đó có yếu tố hỗ trợ bằng tiền và bằng cả cơ chế chính sách. Người dân và các đoàn thể và cả hệ thống chính trị sẽ căn cứ vào kế hoạch hành động này để giám sát, kiểm tra và cả tư vấn điều chỉnh sao cho sát hợp nhất. Tôi tin tưởng nước ta có đủ điều kiện và bản lĩnh để từng bước vượt qua khó khăn thử thách và tiến lên theo hướng phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông!


Xuân Hương ghi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN