Kinh nghiệm thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc

Hội nghị trao đổi kinh nghiệm triển khai thực hiện Nghị định số 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc đã được Ban Dân vận Trung ương tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27/9.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng, những khó khăn và kinh nghiệm của các tỉnh thành thực hiện Nghị quyết 60 của Chính phủ trong 3 năm về Quy chế dân chủ ở cơ sở trong thời gian qua sẽ được các cấp, các ngành tiếp thu, kiến nghị lên Quốc hội để hoàn thiện Bộ luật Lao động trong thời gian tới.

Chú trọng thực chất trong thỏa ước lao động

Về các nội dung trọng tâm của việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai lưu ý đến công tác đối thoại giữa người sử dụng lao động với người lao động, tổ chức hội nghị người lao động và ký kết các thỏa ước lao động tập thể. Trong đó, các thỏa ước lao động tập thể phải chú trọng vào thực chất, đảm bảo nâng cao điều kiện lao động tốt hơn cho người lao động. Cùng với đó, đối tượng trọng điểm cần triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở là khối doanh nghiệp vì đây là nơi tập trung mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm triển khai thực hiện Nghị định số 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Ảnh: VTV


Trưởng Ban Dân vận Trung ương cũng nhấn mạnh, công đoàn là yếu tố mấu chốt trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Công đoàn không mạnh thì quyền lợi của người lao động khó được đảm bảo.

Chia sẻ về vấn đề có nên áp dụng chế tài đối với các doanh nghiệp không thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc hay không, bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở dựa vào phương pháp tuyên truyền, vận động là chính. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp cố tình không tổ chức thực hiện sau khi đã được hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần thì cần có chế tài xử lý. Đây cũng là cơ sở để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động vì sự phát triển của doanh nghiệp và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Vai trò then chốt của tổ chức công đoàn

Theo đồng chí Trương Thị Mai, hiện nay nhiều người lao động vẫn không biết được lương của mình như thế nào phù hợp với lao động, hay thời gian lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động… Chính vì vậy, đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cũng như tăng cường sự quan tâm của cấp ủy, của công đoàn là rất quan trọng. Đây không chỉ là chỗ dựa cho người lao động mà phải tạo cơ chế cho người lao động tham gia đối thoại.

Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm trong cách thức tổ chức đối thoại, thương lượng; tổ chức hội nghị người lao động và thực hiện dân chủ tại nơi làm việc. Theo đó, để việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc đạt hiệu quả thực chất cần sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy đảng, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động và vai trò then chốt ở tổ chức công đoàn cơ sở.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị định số 60/2013/NĐ-CP, số doanh nghiệp tiến hành tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc, tổ chức hội nghị người lao động và ký kết thỏa ước lao động tập thể tăng lên hàng năm. Năm 2014, cả nước có 10.500 doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động, gần 10.000 cuộc đối thoại định kỳ và đột xuất, đạt tỷ lệ 50% tổng số doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước có tổ chức công đoàn. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, có gần 8.000 doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động và hơn 6.200 cuộc đối thoại, tăng 12% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, việc triển khai Nghị định tại một số địa phương cũng còn gặp một số khó khăn vướng mắc, nhất là ở loại hình doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; nhiều doanh nghiệp thực hiện không đầy đủ nội dung dân chủ, chưa tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, thậm chí vi phạm các quy định của pháp luật lao động, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội.

“Triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc cần lựa chọn các nội dung trọng tâm, hướng tới các đối tượng trọng điểm nhằm đảm bảo quyền lợi, lợi ích chính đáng cho người lao động”.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương





Xuân An - VTV
Tuyên truyền quy chế dân chủ cho doanh nghiệp, người lao động
Tuyên truyền quy chế dân chủ cho doanh nghiệp, người lao động

Để khắc phục những hạn chế trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, TP. Hà Nội đề nghị chính quyền và công đoàn các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về quy chế dân chủ cho người sử dụng lao động và người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa và tiến bộ tại doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN