Ngày 3/8, ghi nhận của phóng viên TTXVN tại chốt kiểm soát trên tuyến quốc lộ 1 (xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa), lưu lượng phương tiện qua, lại rất ít. Một số trường hợp qua chốt nhưng lý do không thực sự cần thiết được yêu cầu quay trở về.
Tại chốt kiểm soát trên tuyến quốc lộ 19C (xã Xuân Lãnh, huyện miền núi Đồng Xuân), phương tiện qua lại chủ yếu là xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu từ phía tỉnh Bình Định qua Phú Yên để đi các tỉnh Tây Nguyên. Hầu hết các tài xế đều chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Đối với những phương tiện có thẻ nhận diện phương tiện được ưu tiên “luồng xanh” vận tải được lưu thông thông suốt 24/24 giờ qua các chốt kiểm soát COVID-19 trên tuyến quốc lộ của tỉnh Phú Yên.
Tài xế Nguyễn Trường Tiến vận chuyển nguyên liệu gỗ từ tỉnh Bình Định vào Phú Yên cho biết: Việc qua chốt kiểm soát COVID-19 rất thuận lợi. Lực lượng chức năng kiểm tra mã QRCode xe “luồng xanh” thì cho phương tiện qua. Cách thức áp dụng “luồng xanh” như thế này đảm bảo qua chốt nhanh và lái xe cũng được kiểm tra sức khỏe an toàn.
Theo Đại tá Trần Trọng Hiền - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên tuyến quốc lộ qua tỉnh Phú Yên được duy trì hoạt động 24/24 giờ. Riêng chốt kiểm soát trên quốc lộ 1 và 1D chiếm 83% số lượng phương tiện qua lại. Các chốt này đã ghi nhận có 6.171 lượt người về Phú Yên và 24.128 người đi qua tỉnh. Những ngày gần đây, lưu lượng phương tiện qua lại đã giảm rất nhiều, nhất là việc người dân tự phát sử dụng phương tiện xe gắn máy để về quê.
Sáng 3/8, tại chốt kiểm soát trên quốc lộ 1 đoạn qua xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa chỉ có 48 lượt phương tiện với 77 lượt người sử dụng xe gắn máy lưu thông.
Đà Nẵng cung ứng hàng hóa đầy đủ cho các phường bị phong tỏa
Ngày 3/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp bàn các biện pháp triển khai trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo, từ 13 giờ ngày 2/8 đến 13 giờ ngày 3/8, thành phố Đà Nẵng ghi nhận 93 ca mắc COVID-19. Trong đó, 58 trường hợp đã được cách ly, 6 trường hợp trong khu vực phong tỏa, 29 trường hợp chưa được cách ly khi lấy mẫu. Liên quan đến cảng cá Thọ Quang có 77 trường hợp.
Như vậy tính từ ngày 10/7 đến 14 giờ 30 ngày 3/8, Đà Nẵng ghi nhận 923 ca mắc COVID-19.Hiện thành phố đang thực hiện cách ly, giám sát 2.720 trường hợp F1 và 4.709 trường hợp F2; điều trị 733 trường hợp dương tính. Trong ngày 3/8, thành phố đã lấy mẫu xét nghiệm cho 53.246 lượt người; công bố khỏi bệnh và xuất viện 29 trường hợp.
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu từng địa phương, khu dân cư phải siết chặt đảm bảo, tổ chức các biện pháp mạnh, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh; thông báo các địa điểm bán lương thực thực phẩm, đảm bảo người dân chỉ đi lại trong địa bàn phường để mua thực phẩm…
Hiện quận Sơn Trà đã phong tỏa 5 phường trên địa bàn, điều này tạo áp lực rất lớn với lực lượng chống dịch. Vì vậy, ông Quảng đề nghị các địa phương, sở ngành tập trung hỗ trợ cho Sơn Trà để phòng, chống dịch. Trong đó, quận Ngũ Hành Sơn hỗ trợ quận Sơn Trà việc tiếp nhận các ca F1 để tiến hành cách ly tập trung; ngành công thương chủ động phương án hỗ trợ lương thực, thực phẩm trên địa bàn 5 phường phong tỏa của quận Sơn Trà.
Quận Sơn Trà huy động lực lượng cán bộ công chức tham gia phòng chống dịch, dưới sự chỉ đạo của chủ tịch UBND phường. Nếu cán bộ công chức nào không tham gia thì Chủ tịch phường báo cáo đơn vị chức năng để xử lý...
Chiều 3/8, UBND quận Sơn Trà quyết định thiết lập vùng cách ly y tế đối với khu vực trên địa bàn quận Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng). Cụ thể, quận đã tổ chức chốt dọc theo tuyến đường Nguyễn Công Trứ từ hướng bờ sông Hàn đến ngã ba đường Nguyễn Công Trứ - Hồ Nghinh và từ ngã ba đường Hồ Nghinh với đường Hà Chương ra biển về phía bắc quận Sơn Trà (bao gồm Khu công nghiệp An Đồn và Khu Công nghiệp Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang). Riêng tuyến đường Ngô Quyền 2 làn giữa được phép chạy thông suốt (không dừng lại), chốt chặn các điểm rẽ vào 2 làn trong (hai bên) đi vào các khu dân cư. Thời gian áp dụng biện pháp cách ly y tế từ 16 giờ ngày 3/8 đến khi có thông báo mới.
Hải Phòng xác định phòng, chống dịch là nhiệm vụ số một
Chiều 3/8, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng họp giao ban trực tuyến với các quận, huyện, sở, ngành về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tại cuộc họp, đại diện các ngành phát biểu về các nội dung liên quan đến kiểm soát lưu trú của lái xe container, ùn ứ giao thông tại các chốt kiểm soát dịch bệnh ra, vào thành phố, phương án "3 tại chỗ" tại các doanh nghiệp sản xuất, nguồn vaccine tiêm phòng cho người dân và một số nội dung khác.
Theo báo cáo nhanh của các đơn vị, năng lực cách ly phòng, chống dịch COVID-19 của các doanh nghiệp tại Hải Phòng như sau: nơi ở tập trung cho công nhân có tổng số 744 cơ sở, đáp ứng 89.253 người. 625 doanh nghiệp có khả năng thực hiện phương án "3 tại chỗ" với năng lực đáp ứng 79.532 người. 390 doanh nghiệp với 84.623 người không có khả năng thực hiện phương án "3 tại chỗ"...
Lắng nghe ý kiến của các địa phương, đơn vị, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, đến thời điểm này, trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Hải Phòng là địa phương duy nhất chưa phải triển khai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Hải Phòng đang triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, áp lực lớn nhất hiện nay là hàng ngày, có khoảng 11.000 lượt xe container và xe tải ra, vào thành phố và khoảng 23.000 lái xe, phụ xe đi trên các phương tiện này, gây tình trạng ùn ứ ở một vài thời điểm tại một số chốt cửa ngõ thành phố.
Bí thư Thành ủy Trần Lưu Quang cho rằng, thành phố phải chấp nhận tình trạng ùn ứ trong chừng mực nhất định ở một số thời điểm vì Hải Phòng cần tiếp tục có các biện pháp đảm bảo hiệu quả để bằng mọi giá bảo vệ thành quả phòng, chống dịch trong thời gian qua.
Hải Phòng phải đảm bảo không để đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa, vì sẽ ảnh hưởng đến cả khu vực miền Bắc. Trong điều kiện như vậy, để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, ngoài vai trò của các chốt kiểm soát ra, vào thành phố, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ đội ngũ lái xe, phụ xe.
Hiện Hải Phòng đang mua sắm trang thiết bị chuẩn bị xây dựng bệnh viện 500 giường bệnh điều trị cho bệnh nhân nặng. Trang thiết bị này đã được Chính phủ cho phép chỉ định thầu. Các đơn vị phải triển khai khẩn trương và tuyệt đối không được kê giá, đội giá. Ai sai phạm, không đúng tiến độ sẽ phải chịu trách nhiệm.
Sau khi nghe các ý kiến chỉ đạo, phát biểu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng nhận định, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, bùng phát tại Hải Phòng ngày càng cao. Do đó, thành phố phải sẵn sàng mọi phương án phòng, chống dịch. Trong điều kiện hiện tại, Hải Phòng xác định phòng, chống dịch là nhiệm vụ số 1, chấp nhận kinh tế xã hội của thành phố phát triển chậm hơn so với kỳ vọng.
Đối với việc giám sát đội ngũ lái xe, nếu các doanh nghiệp không đủ điều kiện bố trí chỗ ăn, nghỉ cho những trường hợp này, các quận huyện phải có trách nhiệm bố trí. Trường hợp lái xe nào không lưu trú ở nơi tập trung riêng khi phát hiện sẽ bị đưa đi cách ly tập trung và phải tự chi trả chi phí.
Trong bối cảnh Chính phủ ưu tiên nguồn vaccine cho các địa phương có nguy cơ cao, thành phố sẽ trích ngân sách để chủ động mua vaccine tiêm cho nhân dân.
Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai một số biện pháp phòng, chống dịch khác như: từ 0 giờ, ngày 5/8/2021, thành phố Hải Phòng tạm dừng tiếp nhận công dân (bao gồm cả công dân người Hải Phòng) từ các tỉnh, thành phố, địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg (trừ những người được chính quyền các tỉnh, thành phố nơi giãn cách xã hội và Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cho phép vào thành phố). Các đơn vị thông tin, truyền thông trực thuộc tuyên truyền đến các gia đình có người thân đang sinh sống tại địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, không di chuyển về Hải Phòng cho đến khi hết giãn cách xã hội.
Thành phố Hải Phòng giao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố hỗ trợ người Hải Phòng ở Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn với mức 2 triệu đồng/hộ từ nguồn kinh phí ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Hải Phòng.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tiếp tục phối hợp với Hội đồng hương Hải Phòng tại các địa phương khác đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, rà soát người Hải Phòng đang gặp khó khăn, đề xuất việc hỗ trợ, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
Các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại cửa ngõ vào thành phố siết chặt các biện pháp kiểm soát người và phương tiện vào thành phố từ các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, của thành phố.
Lãnh đạo thành phố tiếp tục kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch. Các đơn vị tăng cường xử phạt hành chính các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch.