Không để tồn tại vùng cấm trong kinh doanh vận tải

Sáng 6/7, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải đường bộ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban chủ trì Hội nghị. Hội nghị họp trực tuyến với UBND 63 tỉnh, thành phố.

Theo Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Đinh La Thăng: 6 tháng đầu năm 2013, số vụ tai nạn giao thông và số người bị thương giảm nhưng số người chết lại tăng 244 người, tăng 5,23% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng số người chết do tai nạn giao thông là do số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do xe ô tô khách tuyến cố định và xe ô tô tải gây nên tăng cao so với cùng kỳ.

Kiểm tra giấy phép kinh doanh xe khách tại khu vực bến xe Mỹ Đình (Hà Nội). Ảnh: Huy Hùng - TTXVN


Phân tích từ các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng cho thấy: các nguyên nhân chủ quan trực tiếp dẫn đến tai nạn là do ý thức, đạo đức và sức khoẻ của người lái xe không đảm bảo theo quy định, dẫn đến những hành vi vi phạm về tốc độ, đi sai phần đường, vượt xe không đúng quy định nguyên nhân khách quan là do có sự buông lỏng trong công tác quản lý nhà nước về vận tải cũng như những hạn chế về hiệu lực và hiệu quả của công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải. Đặc biệt, có nơi, có chỗ có dấu hiệu của những hành vi đỡ đầu, dung túng, bao che cho những vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải cũng nhưng các quy định an toàn giao thông trong hoạt động vận tải.

Nhận diện 8 tồn tại nổi cộm nhất trong công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong vận tải đường bộ, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng đó là vấn đề buông lỏng quản lý công tác cấp giấy phép kinh doanh vận tải, chấp thuận mở tuyến, đăng ký khai thác tuyến; quy định về vận tải và xếp dỡ hàng hoá còn lỏng lẻo; các điều kiện về quy mô, cơ cấu tổ chức của đơn vị kinh doanh vận tải còn chưa đầy đủ; buông lỏng trong công tác quản lý nhà nước tại bến xe, đầu mối hàng hoá để xảy ra hiện tượng tiêu cực.

Nhiều quy định về công tác đào tạo, sát hạch lái xe, về chất lượng thiết bị cũng như sử dụng và khai thác dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình xe ô tô chưa được thực hiện nghiêm. Việc quản lý kỹ thuật phương tiện còn để xảy ra hiện tượng chủ xe, lái xe thuê phụ tùng để qua đăng kiểm sau đó lại sử dụng lại phụ tùng cũ khi vận hành phương tiện. Chưa có quy định và quy trình về thực hiện kiểm tra kỹ thuật phương tiện giữa hai kỳ đăng kiểm và kiểm tra điều kiện an toàn phương tiện trước khi xuất bến, dẫn đến tình trạng một số phương tiện vận tải hành khách và hàng hoá không đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật và môi trường khi tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, vấn đề kết cấu hạ tầng đường bộ chưa đảm bảo; hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm ở nhiều địa phương, nhiều tuyến đường còn chưa cao; công tác giáo dục chính trị, đạo đức, tư tưởng đối với người thi hành nhiệm vụ chưa tốt; công tác thanh tra, kiểm tra công vụ đối với cơ quan, đơn vị, cán bộ công chức thực thi pháp luật về quản lý vận tải và đảm bảo trật tự an toàn giao thông chưa nghiêm, còn để xảy ra hiện tượng thông đồng, bao che, dung túng cho những vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải, bến xe, đầu mối hàng hoá cũng như các vi phạm về trật tự, an toàn khi tham gia giao thông, để tồn tại những “đoàn xe vua” gây bức xúc dư luận.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đề xuất 16 giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng đến việc chỉ đạo hướng dẫn các địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh việc quản lý thực hiện các điều kiện kinh doanh vận tải; hoạt động đăng kiểm phương tiện vận tải hành khách, hàng hoá; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Cùng với đó, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý vận tải; rà soát, thống kê và đánh giá tình trạng kỹ thuật của các phương tiện liên quan đến các vụ tai nạn nghiêm trọng từ đầu năm đến nay, xác định rõ trách nhiệm của các trạm đăng kiểm, các cán bộ, đăng kiểm viên có liên quan để xử lý nghiêm....

Tại Hội nghị, các địa phương đã trao đổi nhiều kinh nghiệm hay và đề xuất các giải pháp nhằm kìm chế tai nạn, bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các chuyên đề về kiểm tra, xử lý xe quá khổ, quá tải, xe taxi và xe khách với việc huy động lực lượng cảnh sát giao thông xuống đường 24/24h. Thành phố Hà Nội tiến hành chấn chỉnh tình trạng lộn xộn tại các bến xe, taxi dù lừa đảo khách hàng... Tỉnh Quảng Nam đưa vào “tầm ngắm” của cảnh sát giao thông những “hung thần xa lộ” là xe Ford transit và xe buýt.

Từng là địa bàn trọng điểm về tai nạn, Đồng Nai đã huy động các lực lượng cùng vào cuộc tuần tra kiểm soát, làm giảm đáng kể số vụ tai nạn. Tỉnh đã thực hiện các chuyên đề kiểm tra, buộc giải thể một hợp tác xã vận tải vì phương tiện không đảm bảo. Tới đây, Đồng Nai sẽ thanh tra lại toàn bộ các cơ sở sát hạch lái xe. Tỉnh đang kiến nghị Chính phủ cho thí điểm dừng, kiểm tra phương tiện tại các trạm dừng nghỉ.

Chấn chỉnh những vi phạm trong hoạt động tuần tra kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông, từ nguồn tin nhận được, tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo cơ quan công an làm rõ và thuyên chuyển công tác đối với 21 trường hợp có sai phạm. Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo khi thực thi nhiệm vụ, cảnh sát giao thông không được sử dụng điện thoại di động, chỉ được sử dụng bộ đàm.

Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng: cái gốc của vấn đề là tuần tra kiểm soát và quản lý vận tải. Trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng, cần đưa ra tiêu chí đánh giá thái độ, tinh thần trách nhiệm của Ban An toàn giao thông các cấp; đồng thời tăng cường tuần tra kiểm soát, bắn tốc độ ở những tuyến đường không hạn chế tốc độ.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông – Vận tải, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và lãnh đạo 63 địa phương làm rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông, triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trong Chỉ thị, đề cao trách nhiệm cá nhân trong thực thi công vụ để thực hiện cho được chỉ tiêu Quốc hội giao là giảm từ 5% - 10% tai nạn giao thông. Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải có cách làm sáng tạo, đưa ra các sáng kiến, cách làm mạnh mẽ, đồng bộ, không chung chung, đại khái, vô trách nhiệm; phải xử lý nghiêm Trưởng Ban An toàn giao thông các địa phương liên tục để xảy ra tai nạn nghiêm trọng; xử lý mạnh lái xe và chủ quản lý phương tiện có vi phạm.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông – Vận tải hoàn thành tốt kế hoạch đã đề ra về những giải pháp cấp bách để giảm tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong hoạt động vận tải. Trong đó, cần ưu tiên xây dựng, ban hành các thông tư quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải, quy định về trách nhiệm và xử lý vi phạm đối với các cơ quan quản lý, cán bộ công chức và đơn vị kinh doanh vận tải; đưa hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa bằng xe ô tô là loại hình kinh doanh có điều kiện đặc biệt. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với cơ quan, cá nhân thực thi công vụ, xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm, không để tồn tại vùng cấm trong quản lý và thực hiện các điều kiện kinh doanh vận tải.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Công an phải tập trung nâng cao tính minh bạch, công bằng và hiệu lực của hoạt động tuần tra, kiểm soát; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh hoạt động thanh tra công vụ, phát hiện xử lý nghiêm minh mọi trường hợp đơn vị, cán bộ, chiến sỹ có hành vi dung túng, bao che, đỡ đầu cho những hoạt động vi phạm pháp luật của đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe; tập trung lực lượng phối hợp với Thanh tra Bộ Giao thông – Vận tải tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện, để đảm bảo tính khách quan, minh bạch.

Các bộ, ngành liên quan, các cơ quan thông tấn, báo chí cần tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg, phối hợp thực hiện tốt những giải pháp đã đề ra, củng cố, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, kéo giảm các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong hoạt động vận tải.


Chu Thanh Vân
Chuyện “hộp đen” xe khách

Cuối cùng thì mốc từ 1/7, lực lượng thanh tra giao thông cả nước ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc lắp thiết bị giám sát hành trình xe khách (hộp đen) đã không thể thực hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN