Không để người dân thua thiệt khi thu hồi đất

Dự thảo Luật Đất đai đã nhận được gần 7 triệu lượt ý kiến từ các cơ quan Trung ương, địa phương, tổ chức quốc tế và nhiều tầng lớp nhân dân. Điều đó cho thấy, đây là đạo luật ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống nhân dân và được đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm, góp ý.


Đền bù phải thỏa đáng


Trong phiên thảo luận hôm qua (6/11), đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều tán thành những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và đánh giá cao việc nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) phát biểu. Dương Giang - TTXVN


Tuy nhiên, một số đại biểu còn băn khoăn về vấn đề thu hồi đất, giá đền bù, tái định cư. Trong dự thảo quy định, mức bồi thường đối với cây hàng năm của các hộ dân được tính bằng sản lượng của vụ thu hoạch cao nhất trong 3 năm liền kề. Tương tự như vậy, về nuôi trồng thủy sản cũng bằng mức thiệt hại do phải thu hoạch sớm.


Theo một số đại biểu, quy định như trên là không cụ thể và không đảm bảo quyền lợi của người nông dân có đất bị thu hồi. Vì toàn bộ đời sống, chi phí sinh hoạt của dân dựa vào cây lúa. Vì lợi ích của nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp, của nhà đầu tư mà nông dân phải bàn giao ruộng đất, bị thu hồi nguồn sống chính, tư liệu sản xuất chính nhưng họ chỉ được bồi thường bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch.


“Theo tôi hiểu, quy định như vậy có nghĩa là nông dân được bồi thường bằng một vụ thu hoạch, như vậy là quá thấp. Còn những vụ sau, năm sau, đời sống của họ sống bằng gì? sinh hoạt bằng gì? khi tư liệu sản xuất chính là đất đai đã bị thu hồi”, đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) băn khoăn.


Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu xem xét về lợi nhuận hình thành trong tương lai của người sử dụng đất. Việc xác định giá đất khi thu hồi phải tính đến yếu tố này để đảm bảo người bị thu hồi có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn so với trước đây. Tránh tình trạng người dân bị thua thiệt bức xúc và khiếu nại.


Đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) đề nghị, để đảm bảo đời sống và quyền lợi của người dân trồng lúa bị thu hồi đất, mức đền bù cần phải tính lại tương đương với một phần lợi nhuận trong sản lượng thu hoạch của cả thời gian được giao đất của dân.


Theo dự thảo, thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng là 50 năm. Khi hết thời hạn này, hộ gia đình, cá nhân nếu có nhu cầu thì sẽ được tiếp tục sử dụng theo thời hạn quy định trên. Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội), việc quy định như vậy sẽ được hiểu là: sau thời gian giao đất như cũ là 20 năm, cộng thêm 50 năm của dự thảo mới. Điều đó sẽ dẫn đến trường hợp, người đã mất sau năm 1993 vẫn có đất đã được giao, người sinh sau năm 1993 thì không có đất để sản xuất trong 50 năm nữa. Trường hợp nông dân bỏ ruộng hoặc thoát ly quê hương đi làm ăn xa nhưng chưa cắt khẩu, vẫn còn giữ đất được giao thì sẽ cho thuê đất sản xuất. Như vậy, một lực lượng lao động trẻ ở nông thôn sinh sau năm 1993 phải làm thuê, xuất hiện dịch vụ thuê đất phức tạp ở nông thôn.


Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà đề nghị bổ sung quy định, định kỳ 5 năm hoặc 10 năm 1 lần, rà soát điều chỉnh những trường hợp đất giao cho người đã mất không có người thừa kế, người không có nhu cầu sử dụng đất hoặc sử dụng không đúng mục đích thì chuyển sang cho người sinh sau năm 1993.


Cần cơ quan độc lập định giá đất


Về phương pháp định giá đất, một số ý kiến cho rằng, việc quy định thẩm quyền trong dự thảo cho UBND cấp tỉnh là quá lớn. Vì UBND tỉnh vừa giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, lại vừa có quyền quyết định giá đất. Như vậy, việc thẩm định giá sẽ được quyết định thiếu khách quan, minh bạch. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện về đất đai. Trong khi vai trò, thẩm quyền của tổ chức có chức năng tư vấn định giá đất được quy định rất mờ nhạt trong dự thảo luật.


Để đảm bảo tính minh bạch về định giá đất, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị thành lập một cơ quan có thẩm quyền quyết định về giá đất độc lập với cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai. Tách bạch thẩm quyền quyết định về đất đai và thẩm quyền quyết định về giá đất. Tránh tình trạng một cơ quan “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, dẫn đến tình trạng lạm dụng, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích của người dân khi bị thu hồi đất.


Cùng chung quan điểm trên, đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) kiến nghị nhà nước cần thành lập cơ quan định giá đất, người dân bị thu hồi đất có quyền giới thiệu danh sách các tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất độc lập. Các đơn vị này sẽ tham gia đấu thầu định giá đất để xây dựng phương án bồi hoàn, hỗ trợ và tái định cư sao cho có lợi cho người bị thu hồi đất và bỏ hẳn cơ chế giao đất xin cho.


Thực tế, trong thời gian qua, không ít các doanh nghiệp, nhà đầu tư sau khi được giao đất, nhưng chậm hoặc không triển khai thực hiện dự án, bỏ đất trống kéo dài, gây lãng phí đất đai, bức xúc trong nhân dân, nhất là những người dân nơi bị thu hồi đất. Một số chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc, đã ra các quyết định thu hồi đất theo luật định để giao cho đơn vị khác sử dụng nhưng trên thực tế quyết định thu hồi đất cũng không thực hiện được, vì hai bên không thỏa thuận được việc bồi thường.


Do vậy, đại biểu Đàm Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng, đất được nhà nước giao, cho thuê đối với các đơn vị để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời gian 12 tháng liền, hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất thì phải thu hồi.


Các đại biểu yêu cầu làm rõ những dự án kinh tế xã hội nào Nhà nước thu hồi đất, dự án nào chủ đầu tư sẽ phải thỏa thuận với người dân. Đề nghị quy định rõ phải là công trình Nhà nước thực hiện đầu tư nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế. Nếu là dự án của doanh nghiệp phục vụ kinh doanh thì phải thỏa thuận với người dân. Dự án phát triển kinh tế xã hội vẫn phải trưng mua để đảm bảo hài hòa lợi ích các bên gồm Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.


Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, cần bổ sung chế tài xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm và thẩm quyền thu hồi đất nhằm tránh tình trạng áp dụng một cách tràn lan và quá giới hạn thu hồi đất.


Phi Sơn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN