Khẩn trương bảo hộ thực tập sinh, người lao động Việt Nam tại vùng có động đất ở Nhật Bản

Liên quan đến tình hình động đất xảy ra tại bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa (Nhật Bản), ngày 4/1, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, vừa có văn bản đề nghị các doanh nghiệp đưa thực tập sinh, người lao động đến làm việc tại các tỉnh Ishikawa (nhất là vùng bán đảo Noto), Toyama, Niigata và Fukui khẩn trương thực hiện công tác bảo hộ thực tập sinh, người lao động tại vùng có động đất.

Chú thích ảnh
Nhà thể thao của một trường học tại thành phố Wakura Onsen, tỉnh Ishikawa, nơi lao động Việt Nam đến lánh nạn sau khi xảy ra động đất. Ảnh: TTXVN

Văn bản nêu rõ, vào 16 giờ 10 phút, ngày 1/1/2024, tại bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa (Nhật Bản) đã xảy ra động đất, làm rung chuyển nhiều tỉnh, thành phố vùng Hokuriku. Cơ quan khí tượng Nhật Bản ban bố cảnh báo sóng thần và yêu cầu người dân sống ở gần bờ biển, nhất là các tỉnh Ishikawa, Toyama, Niigata lập tức sơ tán.

Các tỉnh duyên hải tây Nhật Bản gồm Yamagata, Hokkaido, Tottori, Saga... cũng được cảnh báo sóng thần. Chiều tối cùng ngày, sóng thần cao 1,2m đã ập vào Ishikawa, các sóng thần khác nhỏ hơn đã ập vào Niigata, Toyama, Hokkaido.

Chú thích ảnh
Cảnh sát và lính cứu hỏa tìm kiếm người mắc kẹt trong đống đổ nát của những ngôi nhà bị sập sau động đất tại tỉnh Ishikawa, Nhật Bản ngày 3/1/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Để thực hiện công tác bảo hộ thực tập sinh, người lao động, xác định sự an nguy của thực tập sinh, người lao động Việt Nam ở các vùng bị ảnh hưởng và kịp thời ứng phó trước các tình huống khẩn cấp, Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp đưa thực tập sinh, người lao động thực hiện ngay các công việc sau: Liên lạc ngay với thực tập sinh, người lao động đang làm việc tại các vùng bị ảnh hưởng bởi động đất để nắm tình hình người lao động; thống kê số lượng thực tập sinh, lao động đang làm việc bị ảnh hưởng (nếu có) và những khó khăn gặp phải, cần được hỗ trợ gấp.

Đồng thời, các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với nghiệp đoàn quản lý, công ty tiếp nhận và các bên có liên quan nắm tình hình lao động và phương án ứng phó, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do động đất, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người lao động như tạm thời không cho ở trong các nhà cũ, không chắc chắn, có nguy cơ đổ sập do động đất...; duy trì liên lạc với thực tập sinh, người lao động để kịp thời hướng dẫn các biện pháp phòng chống động đất, lánh nạn trong trường hợp khẩn cấp; thông báo tới người lao động số điện thoại liên lạc khẩn cấp tại Nhật Bản của Ban quản lý lao động: +81.70.1479.6888 và Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo: +81.80.3590.9136.

Thường xuyên báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước và Ban Quản lý lao động Nhật Bản về những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình hỗ trợ thực tập sinh, người lao động vùng bị động đất để được hướng dẫn và phối hợp giải quyết.

Cục Quản lý lao động ngoài nước thông báo và đề nghị các doanh nghiệp khẩn trương thực hiện.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Động đất tại Nhật Bản: Chó nghiệp vụ hỗ trợ đắc lực công tác tìm kiếm cứu hộ
Động đất tại Nhật Bản: Chó nghiệp vụ hỗ trợ đắc lực công tác tìm kiếm cứu hộ

Nhật Bản đã huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh công tác tìm kiếm cứu hộ các nạn nhân của trận động đất kinh hoàng tại miền Trung nước này ngày 1/1, theo đó không chỉ điều động các đơn vị quân đội và nhân viên cứu hỏa mà cả các đội chó nghiệp vụ cũng nhanh chóng được đưa tới hiện trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN